Chị ơi, tiếng Huế rặt – Lương Thúy Anh

May 30, 2018 (TM) – June 28, 2021 (TM)

Em gởi chị một số tiếng Huế mà em còn nhớ, chắc chắn em còn sót nhiều lắm, nhưng có khi ngồi viết thì em lại quên, sau đó mới chợt nhớ.

Thúy Anh

Cơm cháy và nồi chị chụp ở một ngôi nhà ở gần nhà chị ở Bến Ngự năm trước khi về thăm. Trước cửa nhà có một bà lão ngồi, lần đầu tiên thấy cơm cháy sau mấy chục năm nên vào bắt chuyện với bà, bà nói tiếng Huế rặt nghe vui tai, loại tiếng Huế của thế hệ xưa chị ít nghe nên có chữ hiểu chữ không. Y như bài viết này của Thúy Anh, có chữ nghe phì cười không hiểu chi hết. Tiếng Huế xưa dân dã nghe vui và ngọt như một miếng cơm cháy dòn thơm.

 

NGHE TIẾNG HUẾ

Nghe tiếng đứa cháu bé bỏng khóc lè nhè, tôi kêu con gái:

“THỔ em đi con, RĂNG mà em khóc hoài RỨA”

Con gái nhìn tôi có vẻ ngỡ ngàng một chút: “dạ, mạ nói chi?”

Tôi chợt hiểu, lứa trẻ Huế chừ chẳng mấy quen thuộc với một số tiếng Huế của một thời, tôi giải thích: “ à, thổ em, là dỗ em cho nó nín khóc đó mà”

Có những âm Huế rặt nhưng lúc sau này rất ít khi được nghe lại, nên đôi khi có một lớp tuổi trẻ Huế bỗng dưng lạ lẫm với một số tiếng Huế ấy.

Lúc còn rất nhỏ, mỗi khi tôi chạy nhảy hơi thái quá, thì mạ tôi sẽ la rằng:

“Con gái con đứa chi mà nhảy như NGỰA TẾ ( ngựa ở lễ Tế Đàn Nam Giao), rứa trời.”

Hay có khi: “Đồ “ NGỰA THƯỢNG TỨ”, chưa đi đã chạy, lắc xắc lưởi xưởi vừa thôi con NÃ, lớn lên có mà ế chồng”

Có lúc vui chuyện chi đó, tôi kể cho mạ nghe, mà kể chưa tròn câu hết ý đã lăn ra cười, rứa là mạ tôi: “Cái đồ con gái mà vô duyên ÕM, chưa nói đã cười…”

Ra chợ đông ba, có những lúc, ngang qua hàng cá, O bán cá :“ mua mớ ni “MÌ XƯA” cho tui đi chị ơi, MÌ XƯA là mở hàng cho họ, người mua đầu tiên trong ngày. Nếu thuận mua vừa bán, mớ cá trao tay rồi, chủ cá sẽ buông một câu nhẹ nhàng “THE THÍA, ít vía nhiều lời”. Nếu trả giá rồi mà không thuận mua, bỏ đi, người bán cá sẽ kì kèo: “ NOÁI thêm cho một tiếng nữa đi, cả mà MẤT MÌ XƯA của tui hí…”

Mạ tôi hay dặn, “con gái đừng có CÃI LỘN, ĐẬP BẬY(đánh nhau), hay CHƯỠI NHƯ LẶT RAU hí, không thôi người ta lại chê con cái nhà ai mà ĐOẢN VÔ HẬU rứa”.

Chưỡi như lặt rau, là cách nói so sánh rất tượng hình và cả tượng thanh, khi mua bó rau còn tươi rói , tôi nhớ ngồi lặt bỏ cọng mà cứ nghe tiếng tanh tách của cọng rau, và lặt rau thì rất nhanh, nên mang hình ảnh cô gái chưỡi lay lảy là rứa đó.

Có khi mạ tôi nói với con gái: “ BỮA TÊ, BỮA DIẾP hay BỮA MÔ đó, mạ nhớ có mua một GOÁI đường đen cất trong CỤI, chừ không CHỘ mô cả, hay là đứa MÔ ăn CHÙNG rồi?

Lúc tôi có con gái nhỏ, có lần BỒNG cháu lên nhà mạ chơi lúc trời sắp tối, rứa là mạ tôi: “ TÚI THÙI THUI rồi TỀ, đừng có bồng em ra đường nữa, CHẠNG VẠNG rồi, “họ” quở chừ, không nên”.

CHẠNG VẠNG chỉ bóng hoàng hôn, trời đã dần tối, “họ” ở đây là mạ tôi muốn nói người khuất mặt.

Bị ngã, té, thì kêu là BỔ, mạ tôi hay dặn tôi NGÓ chừng con gái bé nhỏ, “NGÓ cả mà em BỔ nơi tề”, hay có khi kèm theo một tiếng khá tượng thanh, lẫn tượng hình bên cạnh tiếng BỔ ni, “Ngoài NỚ trơn lắm, DÒM chừng không thôi em đi lẩm chẩm, rồi BỔ cái OẠCH chừ hí”

Tiếng Huế từ xưa đến nay, có rất nhiều từ, tuy đồng nghĩa nhưng phát âm hoàn toàn khác, làm nhiều người từ nơi khác đến có khi nghe không hiểu.

Ngoài những tiếng thông thường như MÔ, TÊ, RĂNG, RỨA, HÍ, TỀ, NỚ, NI, RI… vẫn dùng hàng ngày, rất quen thuộc với người Huế.

Người Huế còn gọi trại trại một số tiếng, ví dụ cái chân thành CHƯN, cái chổi là CHỦI, quét nhà kêu là XUỐT nhà, ngay cả tiếng nói, lại thành ra NOÁI, cái đọi (tô) là ĐOẠI, thích thì nói là ƯNG, chồng gọi là DÔN, trái (quả) là TRẤY, “ chút nữa chạy ra chợ mua vài TRẤY ớt”, cái thì gọi là CẤY, cấy ở đây còn có nghĩa là phái nữ, như là khi hỏi một ai đó vừa sinh con trai hay gái, câu trả lời sẽ là “Dạ, con cấy”, nghĩa là sinh con gái. Làm thì gọi là MẦN, đi MẦN VIỆC đã, xấu hổ thì thành ra là DỊ, TRẼN, ỐT DỘT, HỔ NGƯƠI, coi thành COAI, nhìn là NGÓ, DÒM, thấy lại kêu là CHỘ. Chữ BƯA, mang nghĩa là đủ rồi, chán rồi…BƯA quá đi, là chán quá đi, ăn BƯA rồi, nghĩa là ăn đã đủ no, quá no, hay là chán món ăn nớ rồi. Nhiều, lại nói là HUNG, mua chi mà HUNG rứa? Có khi đi chơi, lại nói là đi rượng, khôn lại kêu là KHUN ( KHUN vừa vừa hí). Hỏi, lại đọc trại là HOẢI, đi HOẢI vợ…

THỘN cho đầy, có nghĩa là dồn cho đầy, trên cao gọi là trên CÔI, như để chỉ một vật để trên cao thì nói CÔI NỚ, cái đầu có khi kêu là CÁI TRỐT, già lại nói là TRA, để chê một món ăn hay một điều chi đó, lại nói đồ DỞ ÒM, hoặc DỞ THÚI. Để diễn tả là thấm, lau khô thì nói CHẶM. Ngắm lại gọi là NGHỄ. Để diễn tả một cách nói nhiều chuyện, người Huế hay dùng hai chữ TÒE LOE. Còn nếu nói chuyện linh tinh lang tang, trật bậy lung tung có cụm từ “ nói chi toàn là TÀO LAO XỊT BỘP”. Các bà Mẹ Huế hay nhắc con gái rằng là : nì, con gái thì đừng có NHẢY ĐỰNG NHẢY ĐỘT, hay là ĐỪNG NHẢY RẬT RẬT hí.

Giọng Huế nếu kể ra và nói cho đầy đủ thì mấy cho vừa, và còn phân chia ra hai loại giọng Huế, giọng Huế ở thành phố và giọng Huế ở làng quê. Ví dụ người làng quê Huế gọi lúa là LÓ, nhưng người Huế ở phố thì không gọi như thế, mà vẫn gọi là lúa, đôi đũa thì không gọi là đôi ĐỤA. Hoặc là tiếng DƯỚI, người Huế ở làng quê gọi là ĐƯỚI, nhưng người Huế ở phố thì vẫn đọc là dưới, rất hiếm khi gọi đưới.Tuy nhiên chỉ khác nhau rất ít thôi.

Lương Thúy Anh
Huế, 26 tháng Năm, 2018

 

RẬT RẬT NHƯ “NGỰA THƯỢNG TỨ”

Thuở còn nhỏ, cứ mỗi lần mấy chị em tôi nghịch ngợm chạy nhảy, cái là bị mạ la liền “ mấy cái đứa ni, con gái mà nhảy đựng nhảy đột, rật rật như ngựa Thượng Tứ.”

Tôi nghe mạ la rứa, thì cứ cười trừ thôi chơ chưa hiểu chi cả, ngựa thì biết đó là con ngựa, nhưng còn ghép con ngựa với Thượng tứ là răng hè.

Có khi cũng lắm thắc mắc, nhưng lúc đó còn nhỏ nên chưa biết tìm hiểu, nghe đó rồi quên ngay đó, lại tiếp tục lắc xắc, lưởi xưởi …kiểu như ngựa Thượng Tứ.

Thời gian lớn hơn một chút, cũng hiểu thêm đôi chút, nghĩa là con gái mà bị đem so sánh với ngựa Thượng Tứ có nghĩa là con gái mà không dịu dàng, nhu mì …và chỉ hiểu mù mớ như rứa.

Rồi dần dần, tìm hiểu qua mạng internet, qua thầy cô, các anh chị lớn hơn, tôi mới tận tường thêm về sau này.

Thuở xưa, thời Vua Chúa, phương tiện di chuyển thường chỉ là dùng ngựa, ngay cả xe kéo cũng nhờ sức của ngựa.

Vì vậy, nhà Vua đã cho lập một vườn nuôi ngựa tại một vị trí gần cửa Đông Nam của Kinh thành Huế. Và lập thêm một cơ quan trông coi việc nuôi ngựa, kéo xe cho Vua, gọi là Viện Thượng Tứ. Vị trí ấy nay là trường Tiểu học Trần Quốc Toản, trên đường Lâm Mộng Quang.

Hai chữ Thượng Tứ phát xuất từ đây.

Chữ THƯỢNG mang ý nghĩa là những gì trên cao, ở đây, chữ Thượng hiểu rằng là Vua. Chữ TỨ chỉ xe bốn bánh do ngựa kéo.

Cửa Đông Nam của kinh thành Huế ở gần khu vực nuôi ngựa này, nên người dân quen gọi luôn là cửa Thượng Tứ. Gần như tên gọi ban đầu của cửa này đã bị quên lãng, mặc dù trên vọng lâu của cửa vẫn có ghi ba chữ Đông Nam Môn.

Cửa Thượng Tứ hiện nay chỉ lưu thông một chiều từ đường Đinh Tiên Hoàng ra Trần Hưng Đạo, bên ngoài là phường Phú Hoà, đi vào bên trong cửa là phường Thuận Thành, thành phố Huế.

Vòm cửa được xây dựng vào năm 1809 , thời Vua Gia Long, riêng phần vọng lầu đến năm 1829 mới xây dựng, dười thời Vua Minh mạng.

Ngựa được mang về nuôi, lúc ban đầu thường hung hăng, do chưa được thuần dưỡng, và cũng do bản chất của loài thú rừng.

Chẳng biết từ khi mô, người phụ nữ thời ấy, nếu cũng có tính lanh chanh, bỗng dưng mà bị gọi là đồ … như ngựa Thượng Tứ.

Hiểu theo một cách khác, nếu mấy O Huế mà lanh chanh, hay gọi nôm na là lắc xắc, thì thế nào mạ O cũng la rằng là … “Cái đồ con gái chi mà lắc xắc, rật rật như ngựa Thượng Tứ rứa”

Nhưng dạ thưa các anh chị, các bạn, nỡ nào đem con ngựa hung hãn ấy mà gán cho O Huế, O chỉ lâu lâu nhảy rật rật một chút thôi mà.

ÁO TƠI: “NGHÈO RỚT MÙNG TƠI”, “LẠY CẢ TƠI CẢ NÓN”

Tôi nhớ hồi trước, mỗi lần mùa mưa quay về trên phố Huế, khi trong nhà có ai ra đường hay con cái đi học, mặc dù lúc đó trời chưa mưa, nhưng mạ tôi hay nhắc vói theo… “Đã đem theo áo tơi chưa, coi chừng cả mà trời mưa đó…”

Áo tơi đây chính là áo để đi mưa, là áo mưa chừ vẫn được mặc hay mang theo hàng ngày mỗi mùa mưa Huế.

Áo tơi chính là chiếc áo mưa thời xa xưa của quê hương Việt Nam. Do thời đó còn khó khăn, nguyên vật liệu bằng ni lông để làm nên chiếc áo mưa như hiện nay chưa ra đời.

Quay ngược thời gian về những năm của thời xa xưa ấy, chiếc áo tơi được kết lá cây trong thiên nhiên có sẵn, và thường là lá cọ, thuộc họ cau.

Cách làm áo tơi được người dân quê nghĩ ra rất đơn giản. Các mảng lá được họ kết chồng chất thành từng lớp gối lên nhau từng đoạn ngắn như kiểu lợp ngói mái nhà, rồi làm thành từng tấm, trên cùng được coi như là trên cổ, có gắn một đoạn dây rút bằng sợi mây, để khi đeo tơi vào cổ, sẽ giữ cho áo được cố định trên lưng.

Theo Tự Điển Bách Khoa ghi chép, lá này đã được hơ trên lửa, sau đó đem phơi sương trong một đêm, mục đích để lá có độ dẻo, sẽ không bị quăn, và sau đó còn đem phơi nắng thêm một buổi mới có thể đem dùng làm áo tơi. Cứ xếp thành 5 lớp lá chồng lại, đặt lên một mặt phẳng, rồi dùng chiếc nẹp gỗ kẹp lại và xâu lại bằng chiếc kim riêng, dùng mây để may, và mây này được chẻ ra thành dây, thành sợi, xong ngâm mây trong nước khoảng 2 giờ đồng hồ, mục đích để cho mây mềm, sẽ dễ may.

Chiếc áo tơi ngày xưa, không chỉ để dùng che mưa, mà còn để che nắng khi ra đồng làm việc, nhờ vào độ dày của các lớp lá, nên sẽ chống nắng giúp người nông dân đỡ phần nào cái hơi nóng hừng hực khi họ “bán lưng cho trời” giữa mùa hè nắng như đổ lửa:

“Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng, dù trời đổ nắng chang chang. . .”

Hơn thế nữa, không chỉ che mưa, nắng, áo tơi còn dùng để che chắn cả gió, sợi dây rút trên cổ chính là vòng xoay “hiện đại” nhất của thời đó, để người mang tơi có thể xoay chiếc tơi từ trước ra sau, rồi sau ngược trước, hay… bên phải… quay, bên trái… bước, đều được. Do đó gió chiều nào thì quay tơi chắn chiều đó, cũng như mưa theo hướng mô thì cứ rứa mà xoay chiếc tơi ngăn mưa phía nớ.

Thêm một công dụng nữa của chiếc tơi, là người đi làm nông có thể dùng trải như chiếc chiếu, đệm khi cần, để họ có thể nằm nghỉ buổi trưa ngoài đồng, hay cùng ngồi ăn cơm trưa, nghỉ ngơi giữa buổi, trên chiếc tơi của họ.

Có cụm từ “NGHÈO RỚT MỒNG TƠI”, có khi là “nghèo rớt mùng tơi”, hay “nghèo xác mồng tơi” cũng phát xuất từ chiếc tơi này, do phần thân tơi phía trên, là phần chắc chắn hơn, được gọi là MỒNG, và những người thời xa xưa đó, do nghèo đến mức họ chỉ có một cái áo tơi mặc đi mặc lại, không mua nổi thêm cái khác, đến nỗi có khi rớt luôn cả cái phần gọi là MỒNG ấy nhưng họ vẫn cố giữ để mang. Từ đó mà có cụm từ “nghèo rớt mồng tơi”, chỉ sự nghèo khó đến cùng cực, và do đó chữ mồng tơi trong cụm từ này hoàn toàn không liên quan chi đến loại rau quen thuộc thường xuất hiện trong các bữa cơm gia đình, cũng có cùng tên là rau mồng tơi.

Và một cụm từ khác, “LẠY CẢ TƠI CẢ NÓN” cũng có nhắc đến cái tơi này, ý nghĩa của cụm từ ni có thể hiểu rằng… một là thua, là bái phục một ai làm điều chi đó, và nghĩa khác nữa là bỏ cuộc, là từ chối một việc, một điều chi mà mình không làm được, hay còn có ý, là không thể chấp nhận một điều chi, một ai đó…

Thời chừ, áo mưa có quá nhiều mẩu mã và màu sắc phong phú, đẹp mắt, chiếc tơi ngày xưa tuy vẫn có nơi còn dùng và sản xuất nhưng có thể trong giới trẻ bây giờ sẽ rất lạ lẫm với chiếc tơi này.

Riêng tôi, cứ mãi nhớ câu nói quen thuộc của mạ những ngày tôi còn đi học… “nhớ đem áo tơi hí…”, mỗi khi mùa Huế cứ chực đổ cơn mưa…

Bài viết có tham khảo Tự Điển Bách Khoa và nguồn internet.

 

 

8 thoughts on “Chị ơi, tiếng Huế rặt – Lương Thúy Anh

  1. Trong bài của LTA có chữ “the thía” chưa nghe bao giờ, mấy chữ khác thì quen thuộc.
    Thêm 2 bài thơ ca tụng tiếng Huế cho đủ bộ sậu:

    Giọng Huế bỗng nghe từ chợ Mỹ
    Mà chiêng mà trống dậy hồn quê
    Hương cau màu trúc xanh thôn Vỹ
    Áo mới xênh xang giữa hội hè
    Tôi bước bên nàng không dám thở
    Không gian đầy Huế núi cùng sông
    Tóc ai thả gió hồn tôi mở
    Dấu kín trong tim những nụ hồng
    Hà Huyền Chi ( Huế đầy)

    Nếu lại được em ru bằng giọng Huế
    Được vỗ về như mạ hát ngày xưa
    Câu mái đẩy chứa chan lời dịu ngọt
    Chết cũng đành không hối tiếc chi mô
    Tô Kiều Ngân ( Giọng Huế)

    1. Dạ anh DoTung, the thía hay đi kèm với một câu có nghĩa là mong bán được hàng nhờ người mua mở hàng nhẹ vía. Cám ơn anh gởi thêm bài thơ dễ thương của tác giả Tô Kiều Ngân.

  2. A HA HA! Đọc được cái bài tiếng Huế dí dỏm quá nên bị cười to.
    Cám ơn Thúy Anh.
    Cám ơn chị Mai đã đăng bài.

    1. Dạ, tiếng Huế còn nhiều âm và từ vui hơn nữa thưa chị TLTong, Cám ơn chị.

  3. Tôi đến làm rể Huế cũng vì mê những âm thanh quyến dụ của tiếng Huế rặt. Xin cảm ơn LTA, mãn tang nhà tôi từ lâu nhưng tôi vẫn đi tìm những gì liên quan đến Huế để đọc, xem, hồi tưởng một thời hạnh phúc, LTA đã cho tôi rất nhiều hồi ức tuyệt vời khi đọc LTA. Xin các vị cố gắng trao lại cho con cháu gia tài văn hoá quí báu của quê hương mà tiếng Huế rặt là một thành phẩm quan trọng!

    1. Dạ, anh phuong9338, cám ơn anh đã đọc bài và để lại bình luận rất xúc động.

  4. Nồi cơm gảy quai đen thùi và miếng cơm cháy phơi khô bên cạnh,sau lưng nó lại là một mảnh tường màu hồng ,à hà!! màu hồng hy vọng!
    Miếng cơm cháy khi phơi khô thì lại làm ra một món ăn khác.

  5. Các bạn hiểu thêm về câu nói của các bậc cha mẹ la rày con cái: “ Mi như con ngựa Thượng Tứ” là nghĩa gì không?
    Ngày xưa vua có rất nhiều con ngựa để đi cho mọi công việc. Trong đó con ngựa Thượng Tứ chỉ dùng một việc thôi, đó là đưa vua đến các khu trại gái. Khu đó ở ngay hai bên phía ngoài cửa Thượng Tứ. Nói chung con ngựa này không đánh Đông dẹp Bắc gì cả, hắn chỉ có một công việc duy nhất ấy thôi, cho vua đi và rờn vậy thôi.

Leave a Reply