June 7, 2018 (TM)
Năm nào về Huế, tôi cũng đến quán Sân Mây với các bạn thời sinh viên của tôi, Vĩnh Bá, Ngọc Bảo cùng với Thúy Anh và Thanh Liên. Quán chay trên con đường mang tên của nhà văn Thanh Tịnh. Mà thanh tịnh thật, cả khung cảnh lẫn thực đơn. Bài viết này của Thúy Anh viết về những buổi ăn đó tôi nhận được thật bất ngờ, nhắc cho tôi biết có những người bạn rất thương, những điều nho nhỏ vẫn còn níu tôi lại với Huế.
Tống Mai
Lăng Gia Long – Vĩnh Bá, Thúy Anh, Mai, Ngọc Bảo
Trước Thiền thất của Trị – Mai, Minh Trị, Bảo, Liên
QUÁN SÂN MÂY Ở HUẾ
Lương Thúy Anh
Dù chẳng hẹn hò, nhưng cứ thế, hàng năm chị trở về với Huế, với bạn cũ của chị, và với tôi nữa.
Chị ở Huế chẳng bao ngày cả, vội vàng hội ngộ, rồi lại vội vàng chia tay.
Sân Mây là nơi chị và bạn cũ của chị, thường đến đây để dùng cơm tối, nhưng nói chính xác hơn, là chọn một nơi để họp mặt, chính xác hơn nữa, là tìm một chốn bình yên để chuyện trò, ôn lại chuyện năm cũ, nhớ những ngày đã xưa, và nhiều chuyện khác nữa, có vui, và chắc chắn rồi, có cả buồn.
Đó là một khuôn viên tại số 1 trên con đường mang tên nhà thơ Thanh Tịnh, Sân Mây là một nhà hàng chay được yêu thích và nổi tiếng ở Huế.
Nổi tiếng vì địa điểm đặt ở một nơi khá lí tưởng.
Nổi tiếng vì các món ăn chay phong phú và đặt biệt.
Nổi tiếng với không gian nhà vườn rộng rãi lại được bài trí rất đẹp, khách đến đây luôn có cảm giác thanh thản khi đảo mắt qua một loạt cảnh quan của nhà hàng.
Đến Sân Mây ban ngày, cảm nhận cái đẹp của ban ngày, hoa lá cỏ cây đan xen như một bức tranh đầy tính thẩm mỹ. Đẹp mà thanh lịch không phô trương. Rực rỡ sắc hoa nhưng không hề chói lóa, mà lại có vẻ đằm đẹ như một phụ nữ Huế của thời xa xưa.
Lối đi trong khuôn viên Sân Mây luôn cho khách cảm thấy sự thỏai mái, đến đâu cũng có hoa, lá, thiên nhiên vây chung quanh một căn nhà thiết kế kiểu cổ xưa. Bên cạnh đó, ngay lối vào, chủ nhân đặt một bức tượng Phật. Nụ cười hiền hậu, kiểu ngồi an nhiên của Đức Di Lặc, làm cho sự thoải mái của khách cọng dồn thêm, hòa cùng với một cảm nhận như là sự bình an dưới thế.
Đến Sân Mây ban đêm, lại cảm nhận một vẻ đẹp lung linh của ánh đèn đêm, được chủ nhân sắp đặt rất thẩm mỹ và hợp lí, không quá hào nhoáng, mà vẫn đủ cho khách cảm thấy sự tao nhã, và sang trọng nhưng vẫn gần gũi một cách dễ chịu.
Bàn ghế dành cho khách đến đây, đa số là kiểu bàn ghế gỗ xưa, nhưng nếu khách yêu cầu ngồi bên ngoài sân những lúc trời tốt, thì sẽ có những bộ bàn ghế giả mây đan như ngày trước, nhẹ nhàng để có thể di chuyển dễ dàng.
Các món chay ở đây luôn được nhà bếp chế biến công phu, ăn ngon đã đành, mà còn trang trí đẹp mắt vô cùng.
Món chả giò chiên dòn và khoai môn bọc cốm, thật ngỡ ngàng cho khách, khi thấy món ăn mang ra được bài trí vô cùng nghệ thuật, mấy miếng khoai môn và chả giò cắm chung quanh một quả thơm vẫn còn nguyên vỏ, nhưng bên trong lung linh ánh đèn chiếu lấp loáng soi ngang mấy miếng thức ăn, nhìn thôi đã thấy ngon, và nhìn thôi chứ đôi khi gắp một miếng, khách bỗng như cảm thấy tiêng tiếc như vừa lỡ tay phá giở một tác phẩm nghệ thuật.
Món gỏi ổi lạ miệng, với các lát ổi trăng trắng xanh xanh, cắn vào là dòn tan kèm với gia vị hòa quyện rất phù hợp với vị chua nhẹ nhẹ của ổi, cọng với hương thơm của hành hoa hành lá phi dòn cùng dầu ăn, và đậu phụng rang rải rác trên mặt.
Khách gọi món tráng miệng là chè khúc bạch thì đây là một sự lựa chọn hợp lí, sau vài món ăn, mặn mặn đậm đà, kết thúc bữa cơm tối với món chè này thì thật nhẹ nhàng, mấy miếng khúc bạch trắng màu sữa, mềm mại nằm đan xen với vài ba hạt nha đam cắt kiểu hạt lựu, vị đăng đắng hòa quyện trong chất ngọt thanh tao của đường cát trắng…vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng.
Và chén chè khúc bạch, cũng như một lời nói chia tay của chị với các anh chị, và cả chia tay tôi, một vòng tay ôm quàng, không nói năng chi, cũng đủ cho người trong vòng tay ấy hiểu hết ý nghĩa của cái vòng tay siết nhẹ nớ.
Chia tay các anh chị, tôi trở về nhà, ngang qua trên đường Lê Lợi, dọc con sông chạy ôm theo con đường ấy như một vòng tay thân thương ôm lấy quê hương thân yêu. Đêm hôm ấy là một đêm rất bình thường của Huế mà bỗng dưng đường lại tắc nghẽn, đứng giữa dòng xe chờ nhau để ngang qua nhau, ngoảnh đầu nhìn lại đằng sau, tôi chẳng thấy chị và các anh chị đâu nữa cả…
Trong lao xao tiếng người nói qua nói lại, trong lúc chờ thông xe, tôi lặng thinh ngẫm lại trong lòng mình, nhận ra rằng, như là một quy luật, niềm vui nào rồi cũng vội vút qua, để lại bên cạnh đó, cũng có cả chút nỗi buồn thấp thoáng, vô cớ, xa mà gần, gần nhưng vẫn xa xa.
Lương Thúy Anh
Huế – June 7, 2018