Feb 20, 2023 (TM)
Dạ chị Mai, em mới viết bài Tiếng Chuông Chùa, em viết để tặng chị.
Em Thúy Anh
TIẾNG CHUÔNG CHÙA
Lương Thúy Anh
Chị đi xa Huế, rất xa và đã rất nhiều năm.
Thời gian sau này, hàng năm cứ vào khoảng đầu năm mới thì chị và tôi lại gặp nhau ở Huế.
Một hôm chị nói với tôi: “Hồi chị ở đó, chị chỉ biết một vài nhà, hàng quán chung quanh, nhất là chỉ biết chùa trước mặt và chùa sau lưng nhà, chùa trên dốc, chùa dưới dốc. Bến Ngự, Từ Đàm, Nam Giao là đất của chùa chiền, hàng chục ngôi chùa nên chị được thức dậy sáng sớm trong tiếng chuông chùa. Chị mang theo có chừng đó qua đây. Bên này thì nhà thờ lại khắp nơi chung quanh nhà, ngay sau vườn nhà là một chapel nên chúa nhật có chuông nhà thờ nghe như tiếng chuông chùa hồi xưa cũng đỡ nhớ.”
Ngày xưa, nhà chị ở đường Nguyễn Hoàng, là tên cũ của đường Phan Bội Châu hiện nay, một trong những con đường có khá nhiều chùa của Huế, như Từ Vân, Hải Đức, Linh Quang, Phổ Quang, Hiếu Quang, Từ Đàm, Bảo Thiên…
Có thể nói ở Huế đi đâu cũng có chùa chiền, từ thâm sơn cùng cốc, làng xa xóm gần hay cả những con đường cận ngay trong trung tâm thành phố Huế như Cổ Tự Diệu Đế ở đường Bạch Đằng, Ni Tự Diệu Hỷ trên đường Tô Hiến Thành, Tăng Quang Tự ngay Nguyễn Chí Thanh, là đường Võ Tánh cũ, Chùa Thiên Minh, Lam Sơn, Thuyền Lâm đường Điện Biên Phủ…
Những ngôi cổ tự xa thành phố hơn thì cũng có mặt nhiều nơi như chùa Quảng Tế trên đồi cao Quảng Tế, Trúc Lâm, Từ Phong Lan Nhã, Diệu Viên, Tịnh Đức, Thiền Lâm, Tra am, Từ Hiếu, Chùa thiêng Linh Mụ, Huyền Không Sơn Thượng, Phước Duyên Tự bên dòng sông Bạch Yến,Trúc Lâm Thiền Viện ở Truồi….
Nhà tôi ở một nơi cũng có khá nhiều chùa, tuy không phải là cận kề, tiếp giáp, nhưng bốn hướng quanh nhà đều có những ngôi chùa khá xưa cổ.
Và đó cũng là lý do để khu vực này được gọi là XÓM CHÙA từ rất nhiều năm về trước.
Phía trước, cách một đoạn qua bên tê, có chùa, bên trái …bước, là chùa, bên phải…quay cũng có chùa nữa luôn…chùa Từ Quang, Kiều Đàm, Diệu Đức, Hương Sơn, Kim Tiên, Tổ Đình Tường Vân, xa hơn một chút có chùa Thiên Hưng, Từ Lâm…
Nhưng gần nhất là mặt sau nhà, ngay cửa sổ căn bếp nhìn ra xa xa một chút, có thể thấy ngay hai ngôi chùa cận kề, là Từ Quang và Kim Tiên, nên hàng ngày, nhất là vào lúc chiều buông, trong gian bếp nhỏ tôi đã có thể nghe:
“Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông”
Có những lúc trong tĩnh lặng đêm khuya, nhìn ra màu trời còn nhòa đen, tôi nghe tiếng chuông chùa thong thả gióng từng hồi, tôi không rành lắm về tên gọi và ý nghĩa của các hồi chuông, chỉ nhớ tiếng chuông quen thuộc hàng ngày vào lúc khoảng 3 giờ rưỡi sáng thì gọi là hồi chuông CÔNG PHU, lúc rạng sáng, trời còn tờ mờ thì có thêm tiếng chuông gióng sau hồi chuông Công Phu một lúc, tôi nghe quý thầy gọi là thỉnh chuông sáng sớm.
Có khi trong buổi cơm chiều, bốn hướng của nhà tôi đồng loạt tiếng chuông gióng liên hồi, nghe thanh tao trang trọng, tìm hiểu về hồi chuông này tôi được quý thầy cho biết cũng gọi là chuông Công Phu, gióng lúc khoảng 19 giờ rưỡi hàng ngày.
Riêng tối thứ 7 hàng tuần, cùng với kinh tụng niệm, còn thỉnh tiếng chuông đi kèm với lời tụng niệm kinh Pháp Hoa, mà quý thầy gọi là để hồi hướng bệnh tật tiêu trừ.
Những dịp có lễ lớn như Vu lan, rằm Phật Đản, Tết, hay trong chùa có sự kiện, việc lớn, kỵ giỗ, hoặc các ngày rằm, mùng một hàng tháng thì tiếng chuông sẽ gióng lên liên hồi, dồn dập, gọi là CHUÔNG TRỐNG BÁT NHÃ.
Ngoài ra còn có hồi chuông U MINH, được thỉnh 108 tiếng. 108 tiếng là tượng trưng cho 108 sự phiền não của kiếp người. Và U Minh là tiếng chuông giải tỏa sự u mê của con người, giúp họ tránh đi lầm đường lạc lối, để nhận ra điều thiện, việc lành, mà tránh xa sai trái, điều ác.
Ở một nơi quanh năm suốt tháng, ngày ngày luôn nghe tiếng chuông chùa, nên dần dần tôi quen thuộc thân thiết với tiếng chuông chùa từ lúc nào không hay, chiều tối cứ ngang khoảng 7 giờ là tôi đợi chờ chuông chùa ngân nga, nghe từng hồi thả đều đặn, trong thinh lặng của màn đêm vừa chập chờn buông, tiếng chuông chùa đúng hẹn, đổ nhịp lúc thong thả, lúc dồn dập hơn một chút, lúc có vẻ rã rời, nhưng dù trong nhịp nào thì cũng làm cho người đang lắng nghe cảm nhận được một sự nhẹ nhàng, giúp cho tâm trạng trở nên dễ chịu sau một ngày nếu có bận rộn hay mệt mỏi vì công việc, vì thời tiết chẳng hạn. Điều này làm tôi nhớ, đã có lần chị nói với tôi rằng:” Chị luôn rất nhớ những ngôi chùa của Huế,và tiếng chuông chùa cũng trở nên thân thiết, ngập tràn trong ký ức, cùng với nỗi nhớ của chị”
“Nhưng sao chiều nay bàng hoàng nhớ,
Tiếng chuông xưa bừng sống lại trong tôi”
Với tôi, tiếng chuông chùa trở thành vô cùng thân quen, và tôi cảm nhận rằng chuông chùa nghe rất thanh thoát, dễ chịu vô cùng, tuy tiếng chuông chùa cũng là tiếng động nhưng âm thanh ấy không hề làm bất cứ ai phải căng thẳng, mà hoàn toàn ngược lại, chính là đem lại sự thư giãn, thanh thản, có thể giúp mình dịu lại nỗi lo, quên bớt nỗi buồn trong cuộc sống hằng ngày, điều mà không ai có thể tránh được, ngoại trừ trẻ thơ.
Đôi khi trong khuya khoắt thanh vắng, mơ màng, mơ màng… tôi nghe tiếng chuông chùa thả nhịp ngân vang….tiếng chuông cứ thong thả, từ từ hòa quyện với bóng đêm mịt mờ, rồi chìm lẫn vào trong giấc ngủ của tôi, cùng với mộng lành…
“Quyện sương khói chuông ngân chùa vọng
Không gian rụng vỡ bóng gần xa
Tâm linh trần thế giao thoa
Động lòng tâm tưởng nhạt nhòa bóng đêm”
Cám ơn Mai, và bài văn của Thúy Anh. Những người con của Huế thật là đằm thắm, thướt tha, mượt mà và chẳng kém phần lãng mạn như những bài thơ quyện trong tiếng chuông chùa.
Lâu không thấy Mai đăng bài chắc đi đâu xa mới về.
Không Hà, đã mấy tháng rồi Mai không ra khỏi DC. Mai nghĩ là thỉnh thoảng bị rơi vào một khoảng trống không muốn làm gì cả mà thôi. Mai đang tìm đường ra.
Đến đây lại nhớ Alice in Wonderland bị rớt vào hồ nước bơi mãi tìm đường ra không được phải cầu cứu với một con chuột: `O Mouse, do you know the way out of this pool? I am very tired of swimming about here, O Mouse!’ : )