Feb 19, 2015 (TM)
Cuốn Homo Faber được giới thiệu cho tôi cách đây 4 năm. Tựa cuốn sách không mảy may thu hút nhưng vừa đi vào trang đầu thì không ngờ tôi đã đi suốt cho đến cuối truyện trong một đêm. Chưa bao giờ tôi đọc nhanh đến thế, một mạch, không nhảy cóc. Hết cuốn truyện, lặng thinh một lúc và cám ơn. Nói lên điều này để cho biết nó lôi cuốn tôi như thế nào. Đọc xong, tôi chỉ muốn dúi sách vào tay những người quanh tôi, này, hảy đọc đi.
Walter Faber là mẩu người kỷ thuật khô khan, không tình cảm. Anh ta gờm cuộc sống lứa đôi, thích sự đơn độc cho đến khi một cô gái bằng tuổi con mình bước vào đời đảo lộn cả cuộc sống của anh. Triết lý sống của anh thực tế và lạnh lẽo như đá, đó là cái hạnh phúc khi được sống một mình. Nhưng Walter Faber đã thay đổi, bắt đầu nhìn thế giới chung quanh như một tác phẩm nghệ thuật, điều mà hoàn toàn vắng mặt trước khi anh gặp cô gái.
Nhưng đó là sự bắt đầu của một bi kịch.
Câu cuối cùng: Họ đến: doctors or death?
Và như thế tôi xin giới thiệu bản tiếng Việt do anh Lê Cảnh Hoằng dịch, cũng dí dỏm, nhát gừng rất trung thực Max Frisch.
Tống Mai
Virginia, Feb 19, 2015
Xin bấm vào link dưới đây để đọc:
Toàn bộ tiếng Việt Homo Faber – Dịch giả Lê Cảnh Hoằng
Vài lời về Homo Faber
Lê Cảnh Hoằng
Lần đầu tiên tôi được cầm cuốn “Homo Faber” trong tay vào đâu những năm giữa thập niên 70, tình cờ tại nhà một người bạn Đức, tôi cầm lấy đọc, thích thú, mặc dù vốn liếng tiếng Đức tôi dạo đó thật tình không nắm hiểu hết được nội dung những gì Max Frisch viết.
Bẵng đến hơn hai mươi năm sau tôi lại được chạm mặt cuốn truyện này lần thứ hai. Là lúc đứa con lớn của gia đình bắt đầu những lớp cuối sửa soạn thi tú tài (Abitur), lớp 10 hay 11 tôi không còn nhớ rõ. Tình cờ tôi thấy cuốn truyện nằm trên bàn học của cháu, hỏi ra mới hay tác phẩm nằm trong bộ môn văn chương thuộc chương trình những năm cuối trung học, một trong những môn chính của học trình. Tìm hiểu thêm tôi mới biết được thế đứng của ngòi bút Max Frisch trong văn học Đức. Và cũng không quên mượn cháu cuốn truyện đọc thêm một lần nữa.
Lần thứ ba, cách đây vài năm lẩn thẩn trong một tiệm sách cũ, tôi lại tình cờ một lần nữa cầm được cuốn “Homo Faber” trong tay! Từ đấy tôi cảm thấy có duyên nợ với cuốn truyện và nguyện với lòng, bằng mọi cách phải ráng dịch cho bằng được tác phẩm này qua tiếng Việt. Với tâm niệm và ham muốn giới thiệu đến bạn đọc một ngòi bút, một lối viết đặc biệt của nền văn chương Đức-Thụy sĩ thời hậu chiến, tôi cố gắng chuyển thể văn Max Frisch, với hết khả năng tôi, một cách trung thực như có thể. Bởi ngoài nội dung Max Frisch muốn mổ xẻ qua nhân vật Walter Faber, một con người thuần lí không xúc cảm và rất tự tin giữa một thế giới kĩ thuật hiện đại, bỗng chỉ trong một giai đoạn ngắn dồn dập qua những chuyển biến trong cuộc sống, tình cờ và phi lí không tưởng, phải thay đổi tư duy để tự nhìn lại mình, tự lí giải và tự kiếm tìm một giá trị cho thế đứng của chính mình. Trong tác phẩm này Max Frisch dùng cú pháp rất ngắn, cộc lốc như thể văn đối đáp nhưng với lối hành văn ấy ông đã vẽ cho người đọc một bức tranh tuyệt vời, dựng chiếu một cuốn phim rất chi tiết, đủ màu sắc; tài tình gói trọn trong đó những giấc mơ, những suy nghĩ, những cảm xúc …
Điều cần được nêu, Max Frisch cho ra đời tác phẩm này cách đây đúng nửa thế kỷ, tuy vậy những tư duy, những tiên liệu, những xét đoán của ông không những trong lãnh vực kĩ thuật mà cả trong phạm trù tâm sinh lí, phạm trù xã hội vẫn như còn nhìn thấy được quanh quẩn đâu đây trong thế kỷ 21 thuộc thiên kỷ mới này, vẫn mang tính thời đại ….
Lê Cảnh Hoằng, mùa Đông 2007
Chỉnh sửa vào tháng Giêng 2015
Homo Faber
“Homo Faber”, một kĩ sư Thụy sĩ, qua mô tả trong tường thuật này, được gọi một cách đa diện như thế. Faber là mẫu người tiêu biểu toàn vẹn sự hiện hữu một tư duy kĩ thuật, không hề chịu ảnh hưởng bởi cơ duyên và số phận. Tay Faber này, vừa bước qua tuổi đời năm mươi, được Frisch cho đối đầu với một thế giới nằm ngoài khoa học, đối đầu với thế giới phi lí, một cách rất hệ thống. Faber thoạt tiên không nao núng: máy bay đáp khẩn giữa sa mạc, vụ tự tử của người bạn cũ giữa chốn rừng già Mexico – những cái đó không lay chuyển nổi thế giới quan được xây đắp vững chắc bởi hệ tưởng duy lí của Faber. Tư duy này chỉ bị đe dọa, khi Faber qua những biến cố xảy ra buộc phải viết xuống một tường thuật lí giải cho quá khứ của mình. Một cô gái trẻ say mê ông ta. Chuyện vỡ lẽ rằng cô gái chính là con ruột của ông, mà ông chưa hề biết đến hiện hữu của đứa con này. Bị cuốn hút vào luồng sức mạnh những tình huống phi lí nhất có thể diễn ra trong cuộc đời người, nhân sinh quan duy lí lạc quan của Faber sụp đổ hoàn toàn. Faber nhìn thấy cuộc đời lệch hướng của mình và tiếp nhận sự chết vào thế giới quan của mình.“
Tiếng vọng Darmstadt
Max Frisch (1911 – 1991)
Max Frischsinh ngày 15 tháng Năm 1911 tại Zürich, theo học ngành Germanistik (Văn chương – ND) tại Đại Học Zürich nhưng bỏ dở, đến năm 1936 ghi danh học lại tại Cao Đẳng Kĩ Thuật Quốc gia Thụy sĩ (tại Zürich), và ra trường với mảnh bằng Kiến trúc sư. Sau đó hành nghề Kiến trúc, nhưng song song vẫn viết báo, từ 1931 đã là phóng viên ngoài biên chế của tờ Neuen Zürcher Zeitung (Nhật báo Zürich Mới). Sau nhiều chuyến chu du tìm hiểu châu Âu, châu Mĩ và Mexico (1951/1952), mà từ đó ông dựa vào để viết những tác phẩm về sau, đến năm 1955 ông đóng cửa văn phòng Kiến trúc, theo nghề văn sĩ tự do và sống nhiều nơi, trong đó có thể kể: Männedorf (Thụy sĩ), Rome, Berzona (Tessin – Thụy sĩ), Berlin và New York. Ông mất vào ngày 01 tháng Tư 1991 ngay tại Zürich, sinh quán. Max Frisch cưới vợ và li dị hai lần, và từ năm 1979 đến cuối cuộc đời ông chung sống lần lượt với hai người bạn đời. Dưới thúc đẩy và hỗ trợ của ông, năm 1979 một quĩ tài trợ ‚Max-Frisch’ (Max-Frisch-Stiftung) ra đời, một năm sau đó Thư quán Max Frisch (Max-Frisch-Archiv) của ETH được thành lập. Frisch nhận được rất nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải Conrad-Ferdinand-Meyer (1939), giải Rockefeller Grant for Drama (1951), giải Wilhelm-Raabe (1954), giải Georg-Büchner (1958) giải văn chương thành phố Jerusalem (1965) và giải thưởng Hòa bình của Börsenverein des Deutschen Buchhandels (1976, Hiệp Hội Văn Đàn Đức).
From: Tong Mai
Feb 19, 2015
Cuốn truyện rất hay. Mai recommend hai tay nếu ai chưa đọc, sẽ không thất vọng chút nào, một trong những truyện không thể bỏ qua.