Jan 10, 2017 (TM)
“By the river Piedra I sat down and wept – There is a legend that everything that falls into the waters of this river–leaves, insects, the feathers of birds–is transformed into the rocks that make the riverbed. If only I could tear out my heart and hurl it into the current, then my pain and longing would be over, and I could finally forget.”
Cuốn sách thơ mộng nay đã được dịch ra tiếng Việt và tôi cám ơn người dịch biết bao đã phổ biến cái rất đẹp và rất nên thơ này.
Tình yêu, lý tưởng thanh giáo… nghe như thuở xưa của một La Porte étroite (Khung Cửa Hẹp), nhưng tâm linh của nhân vật trong hai nơi lại khác nhau … By the River Piedra I Sat Down and Wept (Bên bờ sông Piedra ….tôi ngồi khóc) của Paulo Coelho thì người con trai phụng hiến đời mình cho Thiên Chúa và đức tin; trong khi trong La Porte étroite của André Gide, người thiếu nữ lại từ khước tình yêu để phụng hiến linh hồn cho Chúa. Đoạn kết của Coelho “người” hơn khi ông cho hai kẻ yêu nhau được sum họp. Gide trái lại khép cuốn sách của mình bằng cái chết cô độc của Alissa, để lại một Jérôme hiu quạnh.
Tôi trích ra đây đoạn mở đầu và đoạn cuối của truyện được dịch bởi Lê Chu Cầu. Dòng sông Piedra (có nghĩa là Đá) chứa không biết bao nước mắt. Có huyền thoại rằng, tất cả những gì rơi xuống sông đều biến thành đá phủ nên lòng sông … những lá rụng, côn trùng … tất cả … kể cả đau khổ, tan vỡ… khi trút xuống dòng sẽ làm vơi nhẹ tâm hồn. Viết đến đây tôi lại nhớ đến huyền thoại của The Patient Stone, hòn đá nhẫn nhục giải thoát cho những ai trút tâm sự vào đá của người Trung Đông.
Tống Mai
Virginia – Jan 10, 2017
Bên bờ sông Piedra ….
… tôi ngồi khóc. Tương truyền mọi vật rơi xuống nước sông này – lá cây, côn trùng, lông chim – đều biến thành đá dưới lòng sông. Nếu như tôi có thể rứt được trái tim mình ra khỏi lồng ngực và ném vào dòng nước thì nỗi đau khổ cùng sự khao khát của tôi sẽ chấm dứt và tôi chẳng còn nhớ nhung gì nữa.
Bên bờ sông Piedra tôi ngồi khóc. Khí lạnh mùa đông khiến tôi cảm thấy những giọt lệ lăn trên đôi má, chúng rơi vào làn nước giá băng đang chảy qua trước mặt tôi. Ở đâu đó dòng sông này sẽ đổ vào một dòng sông khác, rồi lại một dòng sông khác nữa, cho đến khi – cách xa khỏi trái tim và ánh mắt của tôi – mọi dòng nước này đều hòa vào biển.
Ước sao những giọt nước mắt của tôi có thể chảy xa đến thế, để người tôi yêu không bao giờ biết được tôi đã khóc vì anh. Ước sao những giọt nước mắt của tôi có thể chảy xa đến thế, vì chỉ khi ấy tôi mới quên được dòng sông Piedra, tòa tu viện, ngôi giáo đường trên rặng Pyrenees, quên làn sương mù và những con đường mòn mà chúng tôi đã cùng nhau đi bộ.
Lúc ấy tôi sẽ quên những con đường, những núi non và những cánh đồng của những ước mơ của mình – những ước mơ sẽ không bao giờ trở thành sự thật.
Tôi nhớ tới khoảnh khắc ‘có ma lực’ của mình, cái khoảnh khắc mà chỉ một tiếng ‘ừ’ hay một tiếng ‘không’ có thể thay đổi hết cả cuộc đời của chúng tôi. Tôi cảm thấy như thể khoảnh khắc ấy qua đã lâu rồi, nhưng thật ra chỉ mới trước đây một tuần thôi, từ lúc tôi gặp lại anh, người tôi yêu, và rồi tôi đã mất anh.
Bên bờ sông Piedra tôi đã viết ra câu chuyện này. Hai bàn tay tôi cóng vì lạnh, hai chân tôi tê chồn vì ngồi và tôi luôn phải tạm ngừng.
“Hãy cố sống. Hồi tưởng là chuyện dành cho người già cả”, anh đã bảo.
Có thể tình yêu khiến chúng ta già trước tuổi hoặc giữ cho chúng ta trẻ trung, khi tuổi thanh xuân đã qua đi. Song làm sao tôi lại không tưởng nhớ đến tất cả những khoảnh khắc này chứ nhỉ? Tôi muốn biến nỗi buồn rầu thành sự khát khao, biến sự cô đơn thành hồi tưởng, chỉ vì thế nên tôi viết, để khi đã kể hết khúc nôi tôi có thể ném câu chuyện xuống dòng sông Piedra, như người đàn bà cho tôi tạm trú đã khuyên. Lúc ấy – như một bà thánh từng nói – nước có thể xóa đi những gì ngọn lửa đã viết.
Mọi câu chuyện tình đều giống nhau.
Chúng tôi đã sống bên nhau suốt thời thơ ấu và thanh xuân. Rồi anh ra đi, rời bỏ thị trấn như mọi chàng trai trẻ khác. Anh bảo muốn tìm hiểu thế giới, những ước mơ của anh vượt ra khỏi những cánh đồng của vùng Soria.
Nhiều năm tôi không được tin gì của anh. Rồi thỉnh thoảng anh gửi cho tôi một bức thư, song cũng chỉ có thế – vì anh không bao giờ quay về với những cánh rừng và những con đường thời thơ ấu của chúng tôi.
Học xong, tôi dọn tới Zaragoza và ở đó tôi thấy anh có lý. Soria là một thành phố nhỏ và nhà thơ nổi tiếng duy nhất của nó từng bảo rằng đường sá được làm ra để đi. Tôi ghi danh ở Đại học và có một bạn trai. Tôi chuẩn bị cho kỳ thi tuyển viên chức Nhà nước, nhưng không hoàn tất. Tôi làm nhân viên bán hàng để có tiền trả học phí, nhưng đã thi trượt và đoạn tuyệt với người bạn trai.
Rồi tôi nhận được thường xuyên hơn thư từ của người bạn trai thuở nhỏ – và những con tem từ những nước khác nhau đã khiến tôi ganh tị. Anh lớn tuổi hơn, biết đủ thứ chuyện, anh đã chắp cánh và chu du khắp thế giới – trong khi tôi chỉ tìm cách thích nghi với nơi ở mới.
Rồi trong một bức thư anh đột nhiên đề cập tới Chúa Trời và những bức thư tiếp theo đều gửi từ cùng một địa điểm ở Pháp. Trong một bức thư anh ngỏ ý muốn vào một chủng viện và hiến dâng đời mình cho sự cầu nguyện. Trong thư hồi âm tôi yêu cầu anh hãy thư thả đã, hãy tận hưởng thêm chút ít tự do trước khi quyết định dứt khoát.
Nhưng khi đọc lại bức thư của mình, tôi đã xé: tôi là ai mà nói với anh về tự do và bổn phận. Người biết về những điều này là anh, chứ không phải tôi.
Một ngày nọ tôi được biết anh sắp có những buổi thuyết trình. Điều này khiến tôi ngạc nhiên, vì anh còn quá trẻ, đâu thể giảng dạy gì cho ai. Nhưng trước đây hai tuần anh gửi tôi một tấm bưu thiếp, cho biết anh sẽ nói trước một nhóm nhỏ ở Madrid và tha thiết muốn tôi cũng có mặt.
Tôi đáp xe đi bốn tiếng đồng hồ từ Zaragoza tới Madrid, vì muốn gặp lại anh. Tôi muốn nghe anh nói. Tôi muốn ngồi với anh trong quán nước, hồi tưởng lại quãng thời gian chúng tôi chơi đùa với nhau, thuở hai chúng tôi cho rằng thế giới quá bao la, khiến ta không thể tìm hiểu nó hết được.
Đoạn cuối:
Tôi viết suốt một ngày, rồi một ngày nữa và một ngày nữa. Sáng sáng tôi tới bờ sông Piedra. Chiều chiều người đàn bà ra đó, nắm tay tôi và dắt về phòng bà trong tòa tu viện cổ.
Bà giặt áo quần cho tôi, dọn cho tôi bữa ăn chiều, nói với tôi về những điều vô thưởng vô phạt và đưa tôi vào giường.
Một buổi sáng kia, khi viết đã gần xong, tôi nghe có tiếng ô tô. Tim tôi rộn lên, song tôi không muốn tin điều nó nói với tôi. Tôi cảm thấy đã thoát khỏi mọi ràng buộc, sẵn sàng quay về với thế gian và lại trở thành một bộ phận của thế gian.
Điều khó khăn nhất đã qua, nhưng nỗi nhớ nhung anh hẳn sẽ còn dài lâu nữa.
Song trái tim tôi đã đúng. Tuy không ngước mắt khỏi bản thảo, tôi vẫn nghe tiếng bước chân anh và cảm thấy sự hiện diện của anh.
“Pilar”, anh nói và ngồi xuống bên tôi.
Tôi không đáp. Tôi tiếp tục viết, song không thể tập trung tư tưởng được nữa. Tim tôi lồng lên, tìm cách thoát ra khỏi lồng ngực tôi để chạy sang với anh. Nhưng tôi không cho phép.
Anh ngồi đó, nhìn xuống dòng sông, trong lúc tôi viết không ngừng. Nguyên cả buổi sáng đã trôi qua như thế – không một lời nói – và tôi nhớ lại sự lặng thinh vào buổi tối nọ bên hồ nước, nơi tôi đột nhiên hiểu rằng mình đã yêu anh.
Khi mỏi tay không viết tiếp nổi nữa, tôi ngừng lại nghỉ. Bấy giờ anh mới nói.
“Lúc anh ra khỏi động thì trời đã tối và anh không tìm thấy em đâu. Anh mới chạy về Zaragoza. Rồi chạy tới Soria. Và hẳn là anh sẽ chạy khắp thế gian này để tìm em. Rồi anh quyết định quay lại tu viện ở Piedra, xem có tìm được dấu hiệu gì của em không. Ở đó anh gặp một người đàn bà. Bà cho anh biết em đang ở đâu. Bà còn bảo rằng em cũng đã chờ anh suốt bấy nhiêu ngày.”
Mắt tôi đẫm lệ.
“Và anh sẽ ngồi bên em, bao lâu em còn ngồi bên dòng sông này. Khi em ngủ, anh sẽ ngủ trước ngôi nhà của em. Và khi em đi xa, anh sẽ theo em. Cho tới khi em bảo: ‘Anh đi đi.’ Lúc ấy anh sẽ đi. Song anh sẽ yêu em tới cuối cuộc đời mình.”
Tôi không che giấu giọt lệ của mình được nữa. Tôi thấy anh cũng khóc.
“Anh muốn em biết một điều…”, anh nói.
“Anh đừng nói mà hãy đọc đi”, tôi đáp và đưa anh những tờ giấy đang nằm trên lòng mình.
Suốt buổi xế trưa tôi nhìn xuống nước sông Piedra. Người đàn bà mang cho chúng tôi bánh mì kẹp và rượu vang, nhận xét gì đấy về thời tiết rồi để chúng tôi lại một mình. Chốc chốc anh lại ngừng đọc, lơ đãng nhìn về phía chân trời.
Một lúc nào đấy tôi quyết định làm chuyến đi dạo trong rừng, qua những con thác nhỏ và dọc theo những triền núi đầy lịch sử. Khi mặt trời bắt đầu lặn, tôi quay lại chỗ cũ, nơi tôi đã bỏ anh lại.
“Cám ơn em”, đó là những lời đầu tiên của anh khi trao lại tôi những tờ giấy. “Và hãy tha lỗi cho anh.”
Bên bờ sông Piedra tôi ngồi và mỉm cười.
“Tình yêu của em đã cứu anh và cho lại anh những ước mơ”, anh nói tiếp.
Tôi lặng thinh, ngồi bất động ở đó.
“Em biết bài thánh thi 137 chứ?” anh hỏi.
Tôi lắc đầu. Tôi sợ phải nói một điều gì.
“Trên bờ những con sông ở Babylon…”
“À có, em biết bài đó”, tôi nói và cảm thấy mình đang dần dần trở về với cuộc sống. “Bài đó nói về sự lưu đầy. Nó kể về những người treo đàn hạc của mình lên cây, vì họ không thể chơi được nữa thứ âm nhạc mà trái tim họ đòi hỏi.”
“Nhưng sau khi người hát thánh thi đã khóc vì nhớ nhung miền đất trong những giấc mơ của mình, ông tự hứa:
Nếu ta quên ngươi, hỡi Jerusalem,
Hãy khiến bàn tay phải của ta khô héo.
Hãy khiến lưỡi ta dính vào vòm miệng của ta,
Nếu ta không tưởng nhớ đến ngươi, hỡi Jerusalem.
Tôi lại mỉm cười.
“Anh gần như đã quên rồi. Và em đã làm anh nhớ lại bài này đấy.”
“Anh có tin rằng năng khiếu của anh trở lại với anh không?”
“Anh không biết. Song Chúa luôn cho ta một cơ hội thứ hai trong cuộc đời. Người ban cơ hội ấy cho anh thông qua em. Và Người sẽ giúp anh tìm lại con đường của mình.”
“Con đường của chúng ta”, tôi cướp lời anh.
“Ừ, con đường của chúng ta.”
Anh nắm hai bàn tay tôi và kéo tôi lên.
“Hãy đi lấy các vật dụng của em”, anh nói. “Ước mơ có nghĩa là làm việc.”
Người dịch: Lê Chu Cầu
từ bản tiếng Đức
“Am Ufer des Rio Piedra saß ich und weinte”
NXB Diogenes, Zürich, 1997