Aug. 17, 2022 (TM)
Come
orphan sparrow
and play with me
(Issa)
Này con chim nhỏ mồ côi
Hãy đến chơi với ta
Sometimes I feel like a motherless child
A long way from my home
Sometimes I wish I could fly
Like a bird up in the sky
Oh, sometimes I wish I could fly
Like a bird up in the sky
Nhiều khi tôi như một đứa bé không mẹ
Xa vắng… âm thầm… bơ vơ…
Nhiều khi tôi như đi mãi không về
Xa vắng… âm thầm… bơ vơ…
Nhiều khi tôi như sợi lông trắng bay trên trời
Xa vắng… âm thầm… bơ vơ…
The Girl with the Balloon.
Và đứa bé với bàn tay níu quả bóng hình trái tim đang bay trong gió.
Hình ảnh con chim sẻ mồ côi trong Haiku của Issa, sự cô quạnh của kẻ xa nhà trong bản Sometimes I Feel Like a Motherless Child tôi nghe trong phim Elvis, và đứa bé trong bức tranh Girl with Balloon trong phòng triển lãm tranh của Banksy ở Washington DC đã không hẹn mà cùng nhau ùa vào tâm trí tôi những ngày qua.
Bạn yêu dấu, cho tôi mượn bờ vai để tựa vào khi tôi phải nói ra những gì đã làm tôi nghĩ đến bản dân ca Sometimes I Feel Like a Motherless Child khi nhìn bức tranh Girl with Balloon của Banksy. Motherless Child là một bản dân ca đầy ám ảnh, có khi tôi cảm thấy mình giống như một đứa trẻ không mẹ sinh ra từ bi kịch của mẫu tử chia lìa, là linh hồn của những nỗi buồn, giai điệu u tich, chầm chậm của những hợp âm nhỏ thoát ra ảm đạm và tang tóc.
Tôi biết đến Banksy do thầy dạy nhiếp ảnh của tôi giới thiệu. Banksy là một họa sĩ nổi tiếng qua những tác phẩm đường phố grafitti sặc mùi chính trị trên những bức tường của cầu Waterloo Bridge và những nơi công cọng khắp London của ông. Tôi không tài nào thấu suốt được những thông điệp mà ông gởi vào, có lẽ vì đó là những đề tài không phải là “cup of tea” của tôi. Thế nhưng, khi nghe tranh của ông được triển lãm ở DC tháng Bảy vừa rồi thì tôi đi xem ngay những ngày mới khai mạc.
Có khoảng 100 tác phẩm được trưng bày. Nếu tôi không lầm thì hầu hết đều đẫm mùi chính trị chua chát mãnh liệt của hy vọng và tuyệt vọng, cũng như những câm hận đối với tầng lớp thượng lưu được ưu đãi trong xã hội. Những tác phẩm của ông xuất thần khi kết hợp hài hước chính trị tối tăm và khôi hài châm biếm với kỹ thuật graffiti độc đáo. Chiến tranh và sự tàn phá, những phi lý của cuộc sống hàng ngày, môi trường, bất công xã hội là đề tài được ông khai thác nhiều nhất. Tôi lướt nhanh qua những bức hình, dùng trí tưởng tượng để đoán sơ ý nghĩa của nó, nhưng khi vào gian phòng có treo bức Girl With Balloon thì ngưng lại rất lâu để quan sát từng nét vẽ.
Trên khung chỉ đơn giản một cô bé và quả bóng hình trái tim, tay vợi lấy hoặc thả cho bóng bay đang thoát khỏi tay cô. Cô hầu như đang đánh mất quả bóng, hay sắp bắt được tôi nghĩ tùy cảm xúc của người xem, hy vọng hay vô vọng, thì ý nghĩa đó có thể được hiểu là sự đánh mất ngây thơ hoặc sự xuất hiện của hy vọng. Nhìn vào, tôi không đoán được đứa bé có bắt được quả bóng hay không, có thể được nếu tôi nuôi hy vọng, có thể không nếu tôi đang ở trong trạng thái vô vọng. Hình trái tim của quả bóng tượng trưng cho tình thương, đứa bé côi cút đang kêu gọi tình thương, nó là một con chim lẻ loi gọi đàn, một con chim quạnh hiu, một con chim vô vọng. Bất giác tôi nghĩ đến đến con chim cô quạnh trong bản nhạc của TCS… Tôi như con chim chiều, mang đầy nắng quạnh hiu trên đôi vai u sầu, tìm về nơi cuối đèo…. Hay con chim hy vọng khi tình thương nằm trong tầm tay với… Tôi con chim thanh bình mơ được sống hồn nhiên như hoa trên đồng xanh, một sớm kia rất hồng.
Tôi đã nghĩ gì khi nhìn bức tranh vào một buổi chiều hun hút nắng, cắt hơi thở thành từng đoạn ngắn mệt nhoài. Không, tôi chỉ thấy lặng thinh không cảm xúc, hy vọng hay vô vọng có nghĩa gì khi chỉ cách nhau bằng một đường chỉ mong manh. Tại sao tôi cũng không hiểu rõ, có lẽ khuôn mặt đứa bé trông khác thường, nhìn kỷ, đó là khuôn mặt của người lớn mang những vết hằn năm tháng ưu phiền. Đây là hình ảnh của một đứa bé và cũng là của một người lớn. Đứa bé với bắt tình thương, khi lớn lên vẫn với bắt tình thương. Một quãng đời dài luôn chạy đuổi theo tình thương, con người sống không tình thương chỉ là một thân cây héo úa.
Tôi yêu cái thông điệp đó của bức tranh, nhưng tôi thấy sợ khi thấy cái khắc khổ trên khuôn mặt thơ ngây, và bất giác đến màu xanh u buồn của những câu thơ trong Motherless Child, đôi khi tôi như đứa trẻ mất mẹ, xa vắng âm thầm, bơ vơ, đôi khi tôi như sợi lông vũ trên trời, xa vắng, âm thầm, bơ vơ….
Đứa bé với quả bóng hình trái tim, tôi cầu mong nó bắt được quả bóng.
Bạn yêu dấu, cho tôi trả lại bờ vai.
Đêm đã khuya.
Bonne nuit!
Tống Mai
Aug 17, 2022
Girl with Balloon – The Art of Banksy exhibition July 2022, Washington DC. Photo: TốngMai
Ode to the Girl with the Balloon
Ode to the Girl with the Balloon
Ode to the Girl with the Balloon
Nhiều khi tôi như sợi lông vũ trên trời
Xa vắng… âm thầm… bơ vơ…
Bức tranh cô bé với quả bóng hay quá.
Mai hãy nghĩ cô bé sẽ bắt được quả bóng. Đó là niềm hy vọng.
Mai nói đúng, những tác phẩm của Banksy khó là một “cup of tea” của mình, đầy chính trị chua chát và giận dữ cũng như những hành động bất thường của chính ông khi ông cho remote control cắt vụn nửa tấm tranh Girl With Balloon sau khi bức tranh được mua trong một cuộc đấu giá ở London.
Merci Mai bài viết gợi suy nghĩ nhiều.
Đêm đã khuya bên kia bờ đại dương. Bonne nuit!
Có thêm một chuyện rất bất thường nữa Mai đọc được trong buổi triển lãm là năm 2005 ở London, trong một buổi triển lãm tranh mà ông vẽ lại những tác phẩm của Van Gogh, Monet, và Edward Hopper, gọi là Crude Oils, thì nửa chừng ông phóng thích 200 con chuột sống vào phòng làm khán giả kinh hoàng.
Ah, có một bức tranh ông vẽ một con đười ươi mang tấm bản trước ngực: Laugh now, but one day we’ll be in charge.
Bức hình thứ ba của thầy Dũng đẹp quá, tuyệt vời.
Mai xin phép thầy cho dùng hình đó trong video clip sắp tới được không Mai.
Quả bóng hầu như bay vào hư vô.
Được chứ. Mai nghĩ là thầy không mind đâu.
Quả bóng không bay vào hư vô đâu, nó đang bay vào mặt trăng đấy chứ : )
Thức giấc lúc 2 giờ sáng, cố nằm ngủ lại nhưng thất bại như mọi khi (bị tỉnh táo giữa đêm).
Đành thức dậy và mở máy, định đọc một vài tài liệu về Color Theory cho ngày dạy thứ Sáu nhưng lại nhận được bài viết của Mai.
Sau khi đọc bài viết về cô bé và quả bóng tự nhiên thầy lại nghĩ, đúng ra Banksy nên vẽ con chim thay vào quả bóng có lẽ sẽ thành công hơn.
Bài viết thật khéo làm người đọc không thể không đọc đến dòng cuối, nhưng thầy vẫn thích và gần như bị chìm vào tâm tư của người viết…bởi cách kết thúc nhẹ nhàng “cho tôi trả lại bờ vai” cho bài viết được mở đầu bằng “cho tôi mượn bờ vai để tựa vào khi tôi phải nói…”
Cám ơn thầy!
Mai nghĩ nếu là chim thì hay quá vì đó là biểu tượng của tự do và hòa bình. Hồi trước Vatican có truyền thống vào January thì cho trẻ con phóng thích bồ câu từ cửa sổ. Nhưng chim lại không bay đi mà quay trở lại, có con bị những loài chim khác tấn công và không bảo vệ được mình vì không quen với đời sống hoang dã ngoài kia, vì vậy truyền thống thả chim bị ngưng lại và thay vào đó là thả bong bóng.
Thuở nhỏ chơi bóng em chỉ cầm một lúc rồi thả bóng bay. Em thích nhìn bóng nhẹ nhàng lên cao lên cao, bạt gió. Em nhìn theo có chút nuối tiếc nhưng em thích cảm giác mông lung bất định. Không biết bóng sẽ bay về đâu.
Hình đứa bé với nét mặt người lớn cho em cảm giác bé thả bóng bay. Bé không nhón chân với theo. Hình cuối em thấy như chị Mai lỡ tay làm vuột mất bóng. Em đơn thuần ngắm ảnh. Không liên kết với bài hát. Sợi lông vũ làm em nhớ Forrest Gump.
Hạnh có những nhận xét sâu sắc rất thương. Đứa bé không kiểng chân để vợi lấy quả bóng, nó thơ ngây đế cho “let it be”, nhưng người lớn thì níu giữ sợ mất mát.
P.S. Chị rất cảm phục nhân vật Forest Gump, sống vươn lên giữa bất công của xã hội.
Chiều hun hút nắng. Cắt đoạn hơi thở mệt nhoài. Những hình ảnh rất thơ.
Cám ơn Hà, hôm đó trời DC tháng Bảy có một cái nóng không lối thoát.
Em hiểu sự kết nối của chị giữa bản nhạc và bức tranh. Trông cô bé trong tranh đơn độc làm sao trong cơn gió tung cả tóc và áo. Bài viết hay quá, em đọc mấy lần để thấm những ý nghĩ trong đầu chị, my dear.
Suzanna Ryueren Bavaresco hát bản này tuyệt vời. Chị có đăng ở đây:
khungcuahep.com/nhac/sometimes-i-feel-like-a-motherless-child-nhieu-khi-toi-nhu-soi-long-trang-bay-tren-troi-xa-vang-am-tham-bo-vo-tong-mai.html
youtube.com/watch?v=W684XWQh1nw
Hay quá chị Mai. Giọng bà Suzanna Ryueren cao vút và thanh thoát. Em có vào blog của bà và em mừng chị có được người bạn photography rất tài hoa này.
Suzanna là soul sister của chị : )
Chị rất tâm đắc photography của bà, nó nằm trong phần tối im lặng đầy nghệ thuật.