Trở lại Sa Pa – Tống Mai

June 8, 2018 (TM)

 

 

Điều gì đã khiến tôi trở lại Tây Bắc.
Sương trắng ngang trời, thung lũng yên bình, những bóng người trên núi, những trẻ thơ hoang dại….?
Biết bao điều, nhưng lần này thì chỉ vì những đứa bé dân tộc, tôi biết vậy, vì sau khi gặp lại chúng thì tôi kết thúc chuyến đi, trở về sớm hơn dự định, những gì sau đó không còn quan trọng. Những đứa bé ngây thơ, ngơ ngác, mắt thất lạc, mặt lọ lem, bị đẩy ra đường sinh nhai ở cái tuổi còn quá bé bỏng. Năm kia ở Hà Giang, tôi gặp một bé gái như thế, nó có đôi mắt mang bầu trời sụp đổ, một khuôn mặt tủi thân và màu da của một con giun chết … Tôi đã thảm thiết về nó nhưng tôi không sai đâu.

Tại sao lại hay nghĩ đến những khuôn mặt bé thơ đó nhỉ, nhất là khi đi trên đường phố DC những buổi nghỉ trưa gặp những đứa bé xinh đẹp mỹ miều tiên con trong sân chơi của một khu giữ trẻ gần sở làm, thì lại càng bất chợt đến chúng hơn. Trời bất công tạo dư thừa và thiếu thốn. Hai đứa bé tôi gặp ở Hà Giang và Sa Pa càng không quên được. Trong ánh mắt của chúng, tôi thấy tôi những ngày còn bé, nên chỉ muốn ôm chúng vào lòng, vuốt tóc, rửa sạch bụi bẩn khỏi làn da non nớt cháy nám vì nắng gió, cho một ly kem lạnh, một thỏi chocolat, những thứ hồi nhỏ tôi mơ, nhất là hơi ấm bàn tay mẹ trên tóc mình. Tôi đoán chúng nó cũng như tôi hồi xưa.

Tôi phải trở lại Tây Bắc.

Tôi nghĩ ngay đến Hương và tin chỉ có Hương mới lo cho tôi một chuyến đi đột ngột như vậy …. Hương cho chị biết chị có hy vọng đi lại Sa Pa với mấy em trong Công Đoàn lần này không … nếu các em không ngại đi cùng với chị, chị sẽ có mặt ở Hà Nội tháng Ba. Em sẽ sắp xếp cho chị chuyến đi Sa Pa vào ngày 9/3 với những người bạn Công Đoàn chị nhé. Hương trả lời. Tôi mừng lắm, cảm động vì Hương chưa bao giờ từ chối tôi.  Tây Bắc cùng phái đoàn của Hương tôi đã thân thuộc lắm và đó là những người em tôi muốn đi cùng. Các em biết những nơi nào để đưa tôi đến, những khoảng nào trên núi để ngừng xe cho tôi chụp hình, những bản làng dân tộc nào vắng khách du lịch. May mắn chị được biết các em, Hương ạ.

Giữa Đông, đầu tháng Ba, núi rừng Sa Pa còn lạnh lắm. Đi cùng tôi lần này có Hương và Tiến, Lan Hương, Quang của Công Đoàn, và Kim Cúc bạn tôi. Khách sạn Công Đoàn ở Sa Pa nằm ngay trong thị trấn Sa Pa trong một địa thế thơ mộng sát bên núi Hàm Rồng trong dãy Hoàng Liên Sơn, phía trước là Nhà Thờ Đá. Đẹp nhất là khi sương mù trôi vào hành lang phủ mờ cả cửa sổ. Không biết Hương và các em có biết điều đó không. Đêm đầu, tôi không chợp mắt, suốt đêm canh cánh trời sáng để ra ngoài gặp những đứa bé sinh nhai ở khu nhà thờ Đá. 5 giờ sáng trời vẫn còn tối, nhưng tôi độn thêm áo ấm, cõng máy hình rủ bạn tôi ra ngoài. Hành lang khách sạn sương tràn vào lạnh buốt. Chỉ cần đi hai phút là xuống đến nơi. Có lác đác vài em bán ví xách trên bậc cấp của nhà thờ. Tôi gặp ngay một cô bé bán hàng xinh đẹp nhỏ tí xíu lưng mang gùi màu xanh đựng những món hàng bên trong. Nó thấy tôi cầm máy hình nên ung dung đi theo, nhìn tôi không nói một lời. Chao ơi, cô bé đẹp quá, vẻ nhợt nhạt dơ bẩn trên mặt không dấu được nét đẹp hoang dại. Đầu mang một cái nón dân tộc rực rỡ, to quá khổ đối với thân hình bé tí, mắt rất buồn, nét mặt bất động, và chỉ biết chìa tay ra xin tiền mỗi khi tôi đưa máy ảnh lên bấm. Tôi đoán nó khoảng chừng 4, 5 tuổi, những em bé bán hàng khác chung quanh cũng nhỏ như thế là cùng.

Tôi lẽo đẽo theo cô bé, chụp không biết bao nhiêu tấm cho đến khi trong túi không còn tiền. Tôi thương lắm, biết là nó đã được cha mẹ dạy phải đòi tiền trước khi để du khách chụp hình, nếu đi về tay không sẽ bị trừng phạt. Tôi đã thấy một đứa bé chừng 2, 3 tuổi bị mẹ nó táng lên mặt bé tí của nó một cái tát nên thân vì không chịu cầm đồ đi bán làm nó khóc òa. Tôi choáng người chạy đến can thiệp như một phản xạ, nhưng ngừng lại kịp lúc khi thấy tia mắt tóe lửa của bà. Sau cảnh đó, tôi vội vã rời khu Nhà Thờ Đá về lại khách sạn, và đó là lần cuối tôi lần mò đến những khu du lịch để tìm những đứa bé dân tộc. Tôi không còn hồn để đi tiếp chương trình Hương đã sắp xếp cho tôi, Fansipan ư, tôi còn lòng dạ nào.

Về lại nhà đã ba tháng, tôi muốn viết ngay chuyến đi này của mình, nhưng chần chờ mãi cho đến tuần trước khi phải soạn hình ảnh để triển lãm trong hội nhiếp ảnh Vietnam VNPS ở đây và khi lôi hình đứa bé Sa Pa ở Nhà Thờ Đá ra, tôi xúc động. Nhìn kỹ khuôn mặt lọ lem, những vết sẹo chưa tróc vảy của nó, tôi thương quá và bỗng hiểu tại sao chuyến đi đã để lại một cảm giác lặng lẽ như thế, một điều gì không ổn trên những khuôn mặt trẻ thơ đó. Chuyến Sa Pa cách đây ba năm của tôi đã thấy những đứa bé bán hàng nhỏ nhưng ít nhất cũng 7, 8 tuổi trở lên, nhưng lần này chỉ 2, 3 tuổi thôi đã bị đẩy ra đường sinh nhai. Họ mặc cho chúng xiêm áo rực rỡ để thu hút khách du lịch. Rồi có những đứa bé phải thức khuya bán hàng ngồi ngủ gục trông tội làm sao. Tôi biết khách du lịch đã tạo ra tình trạng này khi họ cho tiền trẻ con, cha mẹ chúng càng đẩy chúng ra đường không cho đi học. Họ nghèo lắm. Hương và các em có đưa tôi vào nhà một người Mèo trong bản Tả Phìn, bên trong thật thê thảm, miếng thịt khô hun khói treo lủng lẳng trên trần nhà đau lòng. Nhà cửa hốc hác, chỉ có da bọc xương.

Đêm đã khuya, tôi muốn ngừng ngang đây để kịp gởi thương mến đến các em Hương, Tiến, Tuấn, Hồng Nhung, Lan Hương, Quang, Hà, Thảo những giòng muộn này của tôi trước khi trời sáng.

Tống Mai
June 8, 2018

Sa Pa: Trẻ Thơ, Sương Mù, Ruộng Bậc Thang và Những Bóng Người Trên Núi

 

 

Nó lẽo đẽo theo tôi không nói, chỉ chìa hàng ra xin tôi mua

Trẻ con buôn bán trước nhà thờ Đá

Trẻ con buôn bán trước nhà thờ Đá

Đứa bé bán hàng ngủ gục ở khu chợ đêm Hàm Rồng

Đứa bé bán hàng ngủ gục ở khu chợ đêm Hàm Rồng

Sương ngang núi

Chiều trên Hoàng Liên Sơn

Ruộng bậc thang

Bản Cát Cát

Bản Cát Cát – Vườn cải hoa vàng

Nhà dân tộc trong Bản Ta Phin

Bản Ta Phìn – Bên trong nhà dân tộc

Bản Ta Phìn – Bên trong nhà dân tộc

KS Công Đoàn Sa Pa – Tiến, Mai, Hương

Bản Ta Phin – Hương và Lan Hương

 

Bản Ta Phin – Quang và Mai

Bản Ta Phin – Kim Cúc

Bản Ta Phin – Quang

Bản Ta Phin

Bản Ta Phin – Tiến, Mai, Cúc, Hương, Lan Hương

Bản Cát Cát – Hương

Bản Cát Cát – Mai, Cúc

Bản Cát Cát – Tiến, Lan Hương, Hương, Quang

Bản Cát Cát

Cơm tối trong khu núi Hàm Rồng

Mua cơm tối

Reception Desk KS Công Đoàn Sa Pa – Hà, Mai

 

 

19 thoughts on “Trở lại Sa Pa – Tống Mai

  1. Thật là tuyệt vời. Thật là khó chọn tấm nào để đưa vào triển lãm. Tấm nào cũng đẹp cả. Tâm hồn nhà nghệ sĩ phơi tràn trên ảnh và lòng thương người của Mai cũng thấm đẫm trên từng câu chữ.

        1. Bởi vì chị “Bà Tám” đã nhìn thấy được the real chị Mai even from afar, bởi vậy em khi nào cũng muốn nối đuôi chị “Bà Tám”.

          Chị Mai bằng xương bằng thịt là một người mỏng mảnh như sương như khói nhưng lại mang trên vai cả bầu trời .

    1. Cám ơn Hà.
      Mai quyết định không triển lãm những tấm này và chọn các hình khác ở Huế để triển lãm. Mỗi lần thấy hình đứa bé này là thấy nó chăm chú nhìn lại rất tội.

      Những khách du lịch, trong đó có Mai, đã phá hoại những người dân tộc khi cho trẻ con tiền. Ngay lúc đó, muốn làm một cái gì cho chúng thì chỉ biết cho tiền. Càng cho chừng nào càng làm hại chừng đó, tuổi thơ càng lầm than khi bị cha mẹ lợi dụng.

      1. Mai giúp với khả năng của Mai. Nhiều khi bố mẹ của cháu cũng cần tiền để sống. Mai chụp ảnh chân dung có thần lắm.

    1. Em phải cám ơn anh Tùng đã cho em có những cơ hội được biết Tây Bắc. Hương và các em trong Công Đoàn là những người bạn đã giúp em khám phá vùng đất đẹp vô cùng đó của Việt Nam.

      Mai

  2. Cám ơn chị TMai rất nhiều . Hình quá đẹp, thật đặc biệt, chị có dịp dự buổi “chợ tình” mỗi weekend không? Hồi mình đi Sapa, khoảng early 2000, còn phải đi bằng xe lửa Victoria qua đêm, nhưng bây giờ nghe nói có đường trải nhựa rồi phải không chị? Một vùng quá đẹp và đặc biệt, mong có dịp được trở lại.
    Năm 2016, mình được thăm vùng Bắc Cạn, Ba Bể, Bảng Giốc cũng hay và đẹp lắm , chắc chị đi rồi.Dân vùng này gốc Mhong và Tầy , còn ở Sapa gốc gì hả chị , mình quên rồi, có phải gốc Thái không?
    Mình thật may mắn được biết chị và được share với chị hai passions của cả đời mình là du lịch và photography , nhưng unfortunately , mình không có tài như chị để chụp những hình thật nghệ thuật, và ghi lại những kỷ niệm bằng những bài viết thật xâu sắc. You are my Hero!
    Thân mến,
    QMai

    1. “Chợ tình” ở Sapa đã bị hủy bỏ rồi chị QMai ạ. Mấy năm rồi họ không làm nữa. Mai không biết tục lệ đó đã bị hủy bỏ hay sao mà du khách không thấy nữa. Cái tục lệ cũng khá “stone age” và tội cho những cô gái bị bắt cóc làm vợ một cách oan uổng, phải không.

      Người dân tộc ở Sa Pa hầu hết là người H’Mong, chiếm khoảng 53% dân số. Mai đọc thì biết rằng hồi xưa cách đây 300 năm, họ là tộc người làm lúa nước rất giỏi, sống dọc theo sông Dương Tử của Tàu, trong một cuộc xung đột với người Hán thì phần đông di cư về phía Nam và chia thành nhiều nhóm nhỏ. Những người H’Mông đầu tiên đến Sapa thì tập trung ở dãy Hoàng Liên Sơn.

      Mai chưa đi hồ Ba Bể. Lần tới ra Bắc, Mai sẽ ráng đi, lúc nào cũng nghĩ là nên đi đến đó nhưng chưa thực hiện bao giờ. Đúng là chị QMai có cùng sở thích với Mai ghê, những nơi nào Mai đi chị QMai cũng có đến rồi hết.

      Tống Mai

      1. Cám ơn chị TMai về những Info. về Sapa. Hồi mình thăm Sapa , anh guide nói là ” chợ tình” chỉ là một chợ cuối tuần , nơi dân H’mong sống tản mác khắp nơi tụ họp để buôn bán , nhân dịp cho trai gái trẻ gặp nhau thôi chứ không mention gì về chuyện ép duyên cả chị ạ.

        Ngoài ra, costume của người H’mong trong hình của chị đẹp quá và khác với áo quần họ mặc ở Bắc Cạn , tuy ở cả 2 nơi quần áo của họ đều rất colorful , so với costume của người Tày ( basically đen ) .Mình nghĩ , có lẽ giống chiếc áo dài của mình hồi xưa , có một chút modification tuỳ vùng nam , trung, Bắc, phải không chị?

        Nói về trẻ con ở Sapa, chị đã sang Ấn Độ chưa? Đây là chuyến du lịch duy nhất làm mình bị depressed suốt 3-4 tháng: ngồi trên bus từ phi trường về Hotel ở New Delhi , thấy những toà nhà cao bên cạnh những shanti town, với những trẻ em 3-4 tuổi, đi lượm đồ ăn trong những Đống rác cao bằng các em . Mình đã không cầm được nước mắt, tự hỏi sao các cháu mình ở Mỹ, có khác gì mấy bé này đâu, mà sao được gia đình yêu quý như những ông Hoàng Công Chúa, trong lúc ở đây các em này lại khổ thế? Khi về lại Mỹ, nói chuyện với đồng nghiệp Ấn Độ ở sở, họ trả lời ngay “don’t worry about them, they are lazy people , they deserve it” làm mình shocked quá. Tuy đã nghe nhiều về phân chia giai cấp bên Ấn Độ, nhưng mình không thể tưởng tượng được chị ạ. Mong rằng , với Prime minister Modi(?) , cũng từ low caste lên, sẽ thay đổi phần nào chăng. Còn nhiều chuyện khác rất đau lòng mình thấy trong chuyến này, đã có lần tính làm portfolio ra trường về đề tài này nhưng thấy đụng chạm đến chính trị nên thôi. Ngoài ra, culture của Ấn Độ rất hay, (Taj Mahal, Jaipur v.v..). Mình mới đi miền Bắc Ấn Độ và Nepal thôi, muốn đi thêm miền Nam nữa.

        Hy vọng chuyến đi S.Africa tuần sau của mình không shocking như chuyến Ấn Độ, vì cũng nghe nhiều lời phê Bình giữa dân đen và dân trắng ,nhất là ở Cape Town.
        Lần đầu tiên được gặp một ” tri kỷ”, mình nói ” hơi ” nhiều, chị bỏ qua cho nhé.

        1. Mai gởi một ký sự về chuyến đi thăm Apartheid Museum ở Johannesburg, South Africa của Mai mấy năm trước. Apartheid Museum là nơi không thể bỏ qua vì đó là linh hồn, niềm hãnh diện của South Africa, một chứng minh của một dân tộc đã vượt qua chính sách phân chia chủng tộc cùng cực nhất của con người:

          Cảm nghĩ về Apartheid Museum ở South Africa‏ – Tống Mai
          https://khungcuahep.com/du-lich/cam-nghi-ve-apartheid-museum-o-south-africa%e2%80%8f.html

          Chúc chị QMai có một chuyến đi lý thú ở South Africa.

  3. Hay và cảm động với những dòng chị ghi lại sau chuyến đi .
    Hình chụp tuyệt quá đi !
    L chúc chị vui !

  4. Chưa đến Sa Pa, nhưng qua bài viết và hình ảnh của Mai chụp mấy năm trước thật thơ mộng khiến lòng mong được đến nơi mà có vẽ đẹp được ví với Pyrénées và trong lành của Alpes …một thiên đường cho trẻ thơ.

    Nhưng lần này, nhìn hình ảnh chuyến đi thứ hai của Mai, đôi mất trẻ thơ mong chờ hay ngủ gục, khuôn mặt lem luốc, bước chân vô định tội nghiệp thì nghĩ rằng điều đó có lẽ đã xóa nhòa đi sự trong lành hồn nhiên của Sapa trong lòng tác giả, người đọc cũng không khỏi chút buồn và nuối tiếc.
    Xin cùng chia sẻ với Mai.

    1. Mai muốn lập lại những gì mình nghĩ trong chuyến Sa Pa mấy năm trước :
      Sa Pa còn đẹp lắm, đẹp tắt thở, dù đã bị du lịch hóa, nhưng tì vết của Sa Pa không phải là sự du lịch hóa mà là các em bé đi bán dạo đáng thương.

  5. Khi nào đọc những bút ký của Mai về các chuyến đi cũng cảm thấy nao lòng.
    Tuy gọi là đi du lịch để kiếm tìm những thắng cảnh của quê hương nhưng Mai vẫn luôn nghĩ tới những vùng đất còn hoang sơ ở cao nguyên miền Bắc , nghĩ tới những nhóm người dân tộc sống ở đó và trên hết là Mai nghĩ tới những đứa bé tội nghiệp phải lo đi bôn ba bán hàng phụ giúp gia đình mà không có được một chút nào là vui chơi , hồn nhiên của tuổi thơ mà chúng đáng ra phải có.
    Đứa bé mà Mai chọn để chụp thật nhiều hình có đôi mắt buồn , một đôi khi thấy thoáng qua một nét ngơ ngác hoặc một ánh nhìn xa xăm , đôi mắt của nó không hề có nét nhìn vui tươi của trẻ con có lẻ vấn đề mưu sinh mà cha mẹ chúng đã áp đặt lên đôi vai bé bỏng , yếu gầy đã làm những đứa trẻ này mất hết nét hồn nhiên.
    Hình ảnh đứa bé ngồi bán hàng ngủ gục mà trên tay còn bế em của nó còn nhỏ chừng mấy tháng tuổi thấy thật thương !
    Tấm hình đứa bé bước đi một mình có lẻ Mai thích ý nhất nên để lên đầu tiên trong loạt hình này.
    Ng thì thấy thích nhất là hai hình ” Bóng người trên núi ” và ” Sương ngang núi ” Sương Ngang Núi như là bức tranh thủy mạc.
    Cám ơn Mai đã luôn phơi trải tâm tư qua từng lời viết và hình ảnh sau mỗi chuyến đi xa.
    Đọc mà nao lòng theo những điều Mai chia xẻ và cũng thưởng thức được từng cảnh đẹp của quê hương do Mai ghi lại.
    Thân thương ,
    MN.

  6. hình ảnh mấy em bé người dân tộc rất đẹp, màu sắc quá tuyệt, mà người chụp ảnh cũng rất là phong cách 👍
    đọc câu chuyện nầy và với những hình ảnh làm mình nhớ một lần lên Đà Lạt cũng rứa, mấy em mấy chị bán hàng rong cứ đeo theo, TP thì không mua nhưng thấy tội quá thôi mua mà không lấy hàng, wow, không biết bao nhiều người theo, rồi cứ rút tiền ra đưa, tự nhiên làm TP nhớ lại những người lính Mỹ ở Phú Bài lên Huế, thì con nít ở bờ hồ PBC cũng đeo theo, rồi những người lính Mỹ phát cho kẹo ăn hoặc cho tiền, cũng giống như tâm trạng mình bây giờ, có ở trong hoàng cảnh rồi mới thấy tội nghiệp dân nghèo, nhưng hồi đó người mình lại hiểu lầm chỉ trích hành động của người lính Mỹ cho kẹo hay cho tiền con nít như một hình ảnh người nô lệ da vàng 😒

Leave a Reply