Tràng An: Theo Sông Vào Bóng Núi – Tống Mai

June 20, 2015 (TM)

Có một nhà thơ “theo mây vào bóng núi” để rồi “chia núi quạnh hiu” … nhưng tôi thì theo sông vào bóng núi nhưng ở đây vì bóng núi không sâu mà sừng sửng ngay trước mặt, che chở ở phía sau, nên khi len vào tôi không thấy núi quạnh hiu. Đó là cảm giác thoạt tiên khi chiếc thuyền nhỏ chở du khách loanh quanh những ngọn núi trên sông Tràng An. Nơi đây, bóng dáng quạnh hiu rất mỏng manh, chỉ có bóng dáng an tịnh trên cái đằm thắm của sông nước mà thôi. Tất cả đều rất lạ khi tôi được bước vào bức tranh non nước này của thời Đinh, Lê, Lý nơi mà những ngon núi là những thành quách chận ngoại xâm Chiêm, Tống, để nghe xao động cái mênh mông tình quê hương đất nước tràn mắt của mình.

Tràng An chỉ cách Hà Nội hơn 90 km và cố đô Hoa Lư 3 km nhưng tôi đã lỡ dịp ghé Hoa Lư vì trời đã chiều khi chúng tôi rời bến thuyền Tràng An để về lại Hà Nội. Chuyến đi hôm đó ôm được chùa Bái Đính và du thuyền trên sông là tôi đã sung sướng lắm rồi. Đó là ngày thứ Ba của tháng Tư vùa qua. Tôi không cảm tưởng gì nhiều về chùa Bái Đính, chỉ nhớ những gì trong chùa cũng rất vĩ đại rộng lớn kể cả 500 vị la hán bằng đá sắp kín hành lang hun hút lối vào, những vị la hán đã niết bàn nhưng nán lại trần gian phổ độ chúng sinh. Tôi biết những nổ lực công sức để tạo dựng ngôi chùa nó vượt bực như thế nào.

Tràng An thì tôi háo hức hơn vì đã được đọc nhiều về vùng sông nước lịch sử mênh mông mây trời núi đá trùng điệp. Xe vừa vào đến khu du lịch thì cả một vùng núi sừng sửng ngay trước mắt làm tôi ôi trời đưa máy hình bấm liên tục qua cửa kính xe. Tuấn can chị hãy bình tỉnh, còn nhiều cảnh đẹp hơn bên trong nữa. Và y như thế khi đến bến thuyền thì ngoạn mục hiện ra đầy màu sắc những con thuyền chở khách tham quan ô dù sặc sở trông thật nhộn nhịp. Tôi mua mũ nón cho Nhung, Dung và cho mình, buộc các em phải đội vì phải đi trên sông suốt ba tiếng phơi nắng giữa trời. Tôi thấy vui quá, hớn hở trẻ con trước cái đẹp thiên nhiên lúc tưng bừng lúc nhu mì của núi sông vây quanh. Thì ra đây là thành quách thiên nhiên đã bảo vệ đất nước tôi thời khai sinh.

Thuyền đi xuyên vào các hang núi có những tên rất khoai sắn … HangTối, Hang Sáng, Hang Nấu Rượu, Cơm, Vồng, Quy Hậu, Hang Ba Giọt, Hang Sính, Hang Si … Hang Si, sao lại Hang Si? Thì ra nó gắn với huyền thoại chuyện tình cổ tích của một chàng công tử yêu một tiểu thư nhưng không có được nàng vì khi mang sính lễ đến hang Sính để cầu hôn thì nàng đã bị cống nạp cho nước láng giềng nên ôm khối tình trầm mình ở hang Si. Truyền rằng khi vào hang Ba Giọt nếu may mắn có ba giọt nước rơi vào bàn tay thì sẽ được phù hộ một đời hạnh phúc.

Một chuyến đi tươi tắn, trọn vẹn cảnh Lưu Nguyễn và dễ thương của các em trong Khách Sạn Công Đoàn (Tuấn, Nhung, Dung) đi cùng nên tôi muốn cám ơn một lần nữa người anh đã chu đáo tổ chức cho tôi được đến đây.

Tống Mai
Virginia, 20 tháng Sáu, 2015

 

Chùa Bái Đính. Photo: TongMai
Chùa Bái Đính. Photo: TongMai
Chùa Bái Đính. Photo: TongMai
Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính
Tràng An. Photo: TongMai
Tràng An. Photo: TongMai
Tràng An. Photo: TongMai
Tràng An. Photo: TongMai
Tràng An. Photo: TongMai
Tràng An. Photo: TongMai
Tràng An. Photo: TongMai
Photo: TongMai
Photo: TongMai
Tràng An. Photo: TongMai
Photo: TongMai
Tràng An. Photo: TongMai
Nhung
Nhung
Dung
Dung
Tuấn

One thought on “Tràng An: Theo Sông Vào Bóng Núi – Tống Mai

  1. Đọc bài viết của chị, em cảm nhận được thêm vẻ đẹp của Tràng An.
    Em chúc chị luôn mạnh khoẻ và mong có dịp các em ở Khách sạn Công đoàn lại cùng chị khám phá vẻ đẹp của các miền quê hương Việt Nam chị nhé!

    Em Hương.

Leave a Reply