OM: Nepal và trở về với tâm thường tại – Tống Mai

May 12, 2019 (TM)

 

 

 

OM MANI PADME HUM

Tôi mang về nhà 5 cái chuông từ Nepal, trên mỗi cái đều có dòng chú đó.

Đằng sau câu chú OM, tôi tin có một ý nghĩa sâu xa khác, đó là tiếng ngân của chuông chùa.

Tiếng chuông chùa có một âm hưởng kỳ lạ. Tiếng ngân không phải vang vang, mà lại âm u, âm thanh có ảnh hưởng đặc biệt làm cho lòng người lắng xuống, như thể làm cho quên hết muộn phiền. Đọc câu chú đó phải ngân dài tiếng “UM” ở đằng sau, để tận hưởng âm thanh thanh tịnh. Tiếng UM ngân trong miệng thì mới thật là tiếng chuông chùa. Om Mani Padme Hum thật ra chỉ là tiếng chuông được lập đi lập lại để gieo vào lòng người ý niệm thanh cao. Mục đích của câu chú thuộc vào Pháp môn tu niệm: cứ niệm mãi thì lòng phải lắng xuống yên tịnh.

Nepal là một trải nghiệm nhọc nhằn. Suốt những chuyến đi lê thê hàng giờ trên xe buýt mù bụi hầu như mỗi ngày xuyên dãy Himalayas cheo leo, một bên vách núi một bên vực sâu, tôi đã ngân tiếng UM trong đầu để chế ngự mệt mỏi. Sự tiện nghi tối đa ở đất nước tôi đang sống đã lấy đi khả năng thích ứng năm xưa của tôi khi còn ở Việt Nam. Tình trạng vệ sinh thấp kém ở Nepal là điều làm cho tôi khổ sở kinh hoàng nhất. Chưa kể bụi bặm ô nhiễm, đường sá thô sơ gập ghềnh một phần vì trận động đất của bốn năm về trước làm chết gần 10,000 người và san bằng nhiều nơi ở Kathmandu, Bhatapur, Patan… than ôi vẫn còn để lại dấu vết khắp nơi. Với một đất nước đang còn hoang sơ, khả năng phục hồi đổ nát thiên tai rất chậm, nhiều dân vẫn còn sống trong những ngôi nhà đã sập một nửa. Hoang tàn trên đường phố, trong đền đài, chùa chiền, hoang tàn trên mặt người sau những khung cửa sổ của những ngôi nhà mất mái đến đau lòng. Họ nghèo quá, xơ xác ngồi ngơ ngáo trong những căn nhà tiều tụy. Có một điều rất rõ nhưng tôi không chạm tay vào được là khi ở Nepal tại sao tôi lại buồn đến thế. Cảnh vật chung quanh không đem lại cái hân hoan náo nức cố hữu. Có phải độ cao và không khí loãng làm mòn đi nghị lực, nhưng tim tôi vẫn đập bình thường mà, có nghĩa là tôi không bị độ cao ảnh hưởng. Hay có phải vì cái nghèo tan hoang ở đây.

Nỗi trống trải suốt thời gian tôi ở đó thật bất thường, nhưng tôi không bao giờ một phút ngừng lại để suy nghĩ về hàm ý của nó – Himalayas tồn tại ngàn năm trước và ngàn năm sau nữa chứng minh cái cát bụi “dust to dust” của con người. Tôi như biến mất vào sự hùng vĩ của thiên nhiên để chỉ còn là một khối nhỏ vô nghĩa. Trở về nhà, tôi vẫn còn hoang mang, trạng thái tâm linh bình thường chưa trở lại, chỉ thấy mình trôi trên những ngày lặng lẽ khi hình ảnh của chuyến đi đã chìm vào im lặng, nằm đó thách thức tôi phải ngồi xuống để viết. Nhưng tôi đã có được sự thành tâm để viết đâu. Thấy chưa, tôi đang nói những điều lộn xộn không đâu vào đâu, cũng như tâm tư ngổn ngang từ mộng ra thực, từ thực vào mộng. Tôi sẽ không đủ tâm để sắp xếp mạch lạc và thứ tự những mảnh vụn mà tôi sắp viết ra đây.

Những người bạn đồng hành của tôi là nhóm nhiếp ảnh 10 người trong tour Nhiếp Ảnh & Du Lịch của Thịnh. Vì là tour nhiếp ảnh nên chúng tôi đi săn hình từ bình minh có lúc từ 4 giờ sáng cho đến hoàng hôn, từ mặt trời mọc cho đến mặt trời lặn, suốt 10 ngày như thế nên đến cuối cùng của chuyến đi thì tôi đuối sức sau liên tục mỗi đêm chỉ ngủ 2, 3 tiếng, độ cao của Nepal đã làm trắng đêm. Thêm vào đó, bệnh cảm tôi mang vào Nepal từ Sài Gòn và những cơn ho tung phổi đã làm tôi lây lất. Những trận ho dọc đường trên xe buýt làm tôi rất ngại vì sợ làm phiền các bạn đồng hành, nhưng họ rất dễ thương, Khoa cho tôi kẹo ho, Khanh làm trà nóng gừng buổi sáng, Thịnh và Nabu khiêng hộ hành lý cho tôi trong đó dụng cụ máy ảnh nặng trĩu vai. May quá, chai dầu Tiger Balm tôi mua ở Tân Sơn Nhất đã tử tế giúp tôi, mỗi tối xức vào lòng bàn chân, mang tất ấm vào là voilà, dầu nóng quá nên ho hen cơn sốt thất kinh bỏ đi rất nhanh.

Người Nepal rất sùng đạo và thánh thần, đa số họ là Ấn Độ giáo hơn 80%, Phật giáo chỉ có 10%, và còn lại là Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và các đạo giáo khác. Ấn Độ giáo và Phật giáo sống hòa hợp bên nhau, có nhiều đền miếu cả hai đạo cùng đến để hành hương. Mỗi sáng, việc đầu tiên của họ là ra đền để thắp nến trước khi bắt đầu sinh hoạt hàng ngày. Một buổi sáng ở Durbar Square, tôi đứng quan sát từng người một bước vào một cái miếu rất nhỏ hẹp chỉ đủ chứa hai người, trong đó có nến, cánh hoa vạn thọ màu vàng và gạo, họ cúi mình khấn vái, thắp tim đèn rồi leo ra nhường chỗ cho người sau leo vào. Tôi đứng ngoài chen chân để chụp hình nhưng họ kiên nhẫn đợi tôi chụp xong không nói một lời, hoàn toàn chìm đắm vào việc đang làm, có lẽ họ không biết bực mình là gì chăng. Những ngôi đền bé tí này có khắp nơi trong các quảng trường, đền đài, dưới gốc bồ đề … Lâu nay tôi vẫn lầm Nepal là một xứ Phật giáo vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời ở Lumbini, nhưng thật ra họ là Ấn Độ giáo nên những nghi thức cúng dường rất xa lạ và bí ẩn đối với tôi. Có một điều thôi miên là cách họ sắp hàng, dùng tim đèn nhúng vào dầu rồi thắp những chén đèn nhỏ đã cũ đen tuyền trông rất đẹp. Đó không phải là nến làm bằng sáp, mà chỉ là những sợi chỉ bện vào nhau, nhúng vào dầu để thắp lên thôi, thô sơ nhưng hay vô cùng dưới cặp mắt máy ảnh của tôi. Tôi ước mình có được cái chén đó, nhưng không dám xin, nếu xin chắc họ cũng cho. Tôi giỏi xin lắm mà,  tại sao tôi không xin nhỉ, tiếc ghê. Có lần vào một ngôi chùa ở Huế thấy sư ông ở đó đeo chuỗi mala trên tay đẹp quá, (mala là tràng hạt Phật giáo dùng để tụng kinh), thầy cho con chuỗi đó được không, ông cười dẫn tôi vào thư phòng lấy ra một xâu chuổi, đọc kinh chú và đeo vào tay cho tôi.

Tôi sẽ bắt đầu ký sự của mình bằng những điều gì đây.

Tôi sẽ viết về buổi sáng êm ả dịu dàng nhất trong chuyến đi của mình:

Trên dòng Nayarani và safari rừng Chitwan
Là ký ức đầu tiên trở lại với tôi sau khi từ giã Nepal. Hôm đó mặt trời vừa lên sau bìa rừng, sương lay lắt trên mặt nước bốc mùi hương ấp ủ tia nắng sớm hòa vào cái se lạnh của gió ban mai. Những cành cây khô in bóng xuống nước, hình những con voi đi chậm rãi trên nền trời màu bình minh. Những hình ảnh này đang trở lại với tôi rất rõ nét với tất cả sự trong trẻo của nó. Chiếc thuyền gỗ đục từ một thân cây dài lướt vào lớp sương đang bốc khói trên sông. Cá sấu, chim chóc hai bên bờ thinh lặng, chỉ có tiếng mái chèo khua nước và tiếng chim gọi nhau trong rừng là âm thanh duy nhất. Vào đây tôi mới biết chim trĩ khi gọi nhau thì nghe như tiếng khóc, đôi lúc thảm thiết như tiếng con khóc gọi mẹ. Đi chừng nửa tiếng trên sông thì thuyền đổ chúng tôi xuống bờ rừng. Bước lên bờ, tôi quay lại thì gặp một luồng sáng chiếu xuống nước, thuyền đang chầm chậm quay đầu về lại bến, tôi kinh ngạc nhìn chiếc thuyền đen in trên nền trời óng ả phía sau, please stop, wait, can I take a picture, tôi nói với người lái đò, cổ tích, tôi thấy trước mặt mình là cổ tích, màu vàng óng của mặt trời, của sông, màu nâu của con thuyền, hình người lái đò chống mái chèo trên mũi thuyền bất giác làm tôi thất thần nhìn cho đến khi người lái đò khuất dạng. Mọi người đã bỏ tôi đi trước vào rừng, chỉ có Nabu đang kiên nhẫn đợi. Chúng tôi đi im lặng khi vào sâu trong rừng, Nabu dặn mọi người không được nói chuyện hay gây tiếng động sợ làm động thú rừng. Rừng rất già, có những cây rễ làm thành những dây thừng khổng lồ cuồn cuộn nằm vắt vẻo từ cây này sang cây kia làm cầu nối hai cây với nhau.

Đêm trên núi ở Dhampus Village, Annapurna Foothill
Dhampus Holiday Home cách trung tâm Pokhara 25 km, là nhà nghỉ đẹp nhất, sạch nhất trong những nơi tôi ở tại Nepal. Phòng bằng đá rất ấm về đêm, phòng ăn bên bếp sưởi ấm cúng, thức ăn home cooking tuyệt vời. Mỗi phòng đều có sân thượng nhìn ra dãy Annapurna Himalayas, ngay nơi đỉnh Machhapuchare (Fishtail) nổi tiếng.  Chúng tôi đến đây để chụp mặt trời xuống và lên sau đỉnh Annapurna và treking ở làng mạc dưới chân núi.

Thịnh chọn nhà nghỉ này thật hay. Tôi không ngừng khen thầm sự tinh tế nghệ sĩ của em ấy. Buổi chiều tôi có thể ra lan can ngay trước cửa sổ phòng đón mặt trời lặn và buổi sáng mặt trời lên ngay đỉnh Machlapuchare tuyết phủ quanh năm. Đêm hôm đó tôi không ngủ, đêm im lặng, đêm vô cùng, tôi nằm bên cạnh núi, đỉnh núi sừng sững nhìn, nghe mình nhỏ bé như hạt cát trước một thiên thể vô tận và trước một thế giới huyền bí vô hình đang vận hành trong bóng tối hiu quạnh. Tôi nhìn ra cửa sổ suốt đêm, màu trắng của tuyết trên đỉnh núi chiếu lồng lộng một khoảng không tưởng như trời đã sáng. 2 giờ sáng, 3 giờ sáng, 5 giờ sáng, mặt trời sắp lên, tôi khe khẽ dậy để khỏi làm phiền Khanh cô bạn cùng phòng trong đoàn đang ngủ. Trời lạnh nên áo ấm, trùm kín đầu lấy máy ảnh ra sân. Bên ngoài, Khoa đã có mặt ở đó và đang máng máy lên chân chống. Tôi cũng tìm một góc xéo với đỉnh Fishtail, máng máy lên chân chống rồi đứng chờ. Blue hour! Có tiếng rì rào rất nhỏ chung quanh, tôi mỉm cười cám ơn trong lòng sự khẽ khàng đó, họ cũng quí cái im lặng của núi rừng trong đêm. Đó là một buổi đợi bình minh hiền hòa, không có mây vần vũ, trời xanh thẫm một màu không còn những đám mây ngổn ngang của ngày hôm trước. Mặt trời lên chiếu vào màu trắng của tuyết đánh tan dần sương mù, cả núi tuyết hiện ra nguyên hình thần nữ diễm kiều. Tôi chợt nghĩ đến “Đường Mây Trên Núi Tuyết” của Govinda. Lòng bỗng bừng sáng.

Sau một buổi điểm tâm thịnh soạn (người Nepal rất hiếu khách, họ ân cần nồng nhiệt trong chuyện cung cấp thức ăn ngon cho khách trọ, tôi rất mê thức ăn của họ, tươi và organic, giống của Ấn Độ nhưng nhẹ hơn, exotic hơn vì họ dùng toàn những chất liệu từ hoa quả), chúng tôi xuống núi vào ngôi làng Dhampus phía dưới. Làng mạc ở đây tựa như ở Hà Giang, cũng lúa xanh, vàng cải, nương khoai …. Tôi thấy một ngôi nhà xinh xắn, tươm tất, xung quanh là ruộng vườn xanh ngát, chị Mai lên đây có đứa bé nằm học bài dễ thương lắm, Thịnh gọi, tôi chạy ngay vào sân nhà, Thịnh chỉ cho tôi một cô bé mang kính cận đang nằm trên chiếu làm bài. Nó bậm môi tỏ vẻ không bằng lòng khi bị quấy rầy, nhưng vẫn để yên cho chúng tôi chụp hình.

Pokhara:
Người đàn bà ở Pokhara có nụ cười duyên dáng trên khuôn mặt khắc khổ. Màu đỏ của váy in trên nền trắng của rặng núi tuyết Annapurna, lưng gồng hàng hóa tôi đoán trong đó là thức ăn, bỗng đẹp vô cùng khi tên Annapurna là tên của nữ thần mùa màng.

Lên đường đi Lumbini:
Nepal ở trên cao, những thành phố nằm trên núi nên muốn đi từ nơi này sang nơi kia phải leo đèo vượt núi. Phương tiện di chuyển hầu hết bằng xe buýt. Đường đèo nhỏ hẹp quanh co, nhưng tài xế lái rất tài tình, họ điều khiển chiếc buýt như điều khiển xe đua. Nhưng tai nạn trên núi không ít, chỉ cần lệch tay lái một sát na là qua bên kia thế giới. Ngày chúng tôi đi Lumbini, có 5 chiếc lao xuống vực. Khiếp đảm lắm, đừng nhìn chiếc trước khi qua một khúc quành trên núi, vì nếu nhìn sẽ thấy bánh xe của họ nằm ngay trên bờ vực khi quành. Lumbini chỉ cách Pokhara 200 km, đáng ra chỉ mất 5 tiếng lái xe, nhưng vì đường núi sau trận động đất có những nơi đất trụt nên hôm đó đi mất 8 tiếng. Xe đến Lumbini thì trời đã tối. Chúng tôi chỉ kịp ăn tối và lên giường. Đêm đó khi thức giấc nửa đêm, tôi thấy ngứa ngáy trên mặt, sờ tay lên trán thì thấy những cục u lởm chởm khắp trán, sờ xuống mặt thì hai gò má sưng lên. Tôi kinh hoàng tưởng mình bị dị ứng vì thức ăn tối hôm qua, nhưng sau đó thì nghe vo ve bên tai tiếng muỗi. Tôi ứa nước mắt tủi thân, không phải vì muỗi mà vì sao tôi lại ham đi mãi một mình vào những nơi xa xôi.  Ah, viết đến đây tôi mới hiểu ra là tại sao mình lại quá buồn suốt cuộc hành trình nầy.

Sáu giờ sáng, chúng tôi vào vườn Lumbini, chỉ cần đi bộ qua đường từ khách sạn. Thịnh chu đáo thuê phòng ngay trước cổng vườn. Trời vẫn còn sương, tranh tối tranh sáng sau những hàng cây và hồ nước. Thịnh mua vé vào cổng, chúng tôi đến trạm bỏ giày dép vào đó rồi chân trần vào vườn.

Silent Please !

Tôi đến vì biết đây là mục đích của chuyến Nepal của mình. Không cần tấm bảng nhắc nhở khách viếng phải giữ im lặng, tôi đã cảm thấy cái vô thanh chung quanh không ai muốn phá vỡ. Không một chút mong mỏi mình sẽ thấy được cảnh tiên, rằng Lâm Tỳ Ni phải đẹp như thế nào nên tôi không hề thất vọng khi bước vào một khuôn viên thật khiêm nhường, và đó là chính xác những gì tôi muốn thấy, một nơi rất khiêm nhường không tô điểm.

Điều đầu tiên tôi tìm là cây Bồ Đề Hoàng Hậu Maya vịn vào nhánh cây để cho ra đời Siddhartha. Chung quanh cây cổ thụ khổng lồ tàng lá rợp cả một khoảng không gian treo dầy đặc những lá cờ cầu nguyện. Tôi tìm cách chụp hình nhưng không tài nào tìm được một góc cạnh vừa ý, nên chỉ nán lại quan sát những sinh hoạt chung quanh. Có một người đàn bà quét lá bụi tung mờ, một người áo vàng ngồi thiền định trên chiếu, và một vài người đàn bà đến rải gạo muối vào một cái am nhỏ thờ thần thánh dưới gốc cây. Bên cạnh cây là hồ Puskarini hay Holy Pond, nơi Hoàng Hậu Maya tắm gội lần đầu tiên cho con trai Siddhartha của mình, bóng đền Mayadevi lung linh trong nước.

Bên phải của cây là những dải cờ phủ rợp như một bức tường muôn màu bay trong gió. Đây là những lá phướn ta thấy khắp nơi ở Nepal có mục đích cầu bình yên cho thế gian và cho chính mình. Có 5 màu cờ, mỗi màu tượng trưng cho mỗi ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ – màu xanh cho trời, trắng cho nước, đỏ cho lửa, xanh lục cho khí, và màu vàng cho đất. Y học cổ truyền Đông Phương cho rằng sức khỏe và sự hài hòa sẽ đạt được khi có sự cân bằng của 5 yếu tố này. Trên những tấm cờ là hình ảnh những linh thú và những câu thần chú – chim Garuda, rồng, cọp, ngựa gió, và sư tử tuyết, và những câu kinh cầu sẽ được gió mang đến cho tất cả nhân loại.

Tôi nấn ná rất lâu quanh cây Bồ Đề. Nếu Thịnh không gọi tôi vào xem dấu tích của Phật nơi ngài được sinh ra thì tôi không hề biết rằng bên trong đền Mayadevi phía góc trái là một Marker Stone đánh dấu nơi Đức Phật ra đời. Người đi xem dừng lại để cầu nguyện. Đến phiên tôi thì không hiểu sao trong đầu hiện ra hình ảnh của người chị vừa mới qua đời của tôi, ứa nước mắt, tôi nói lời cầu xin cho chị được sớm vào cửa Phật, trong lòng không mảy may một nguyện ước nào khác.

Chitwan National Park Safari:
Buổi trưa từ Lumbini chúng tôi về rừng Chitwan safari trên xe jeep để săn hình tê giác một sừng. Nắng quá nên tôi leo ra băng sau, chị Mai lên trước mà chụp hình, ngồi sau chị không chụp được đâu, Thịnh nói. Vậy là tôi leo lại ra băng trước, nắng kinh khủng, nắng chói lòa. Xe chạy một quãng, Quang la lên, coi kìa có hai con gì kìa, đâu con gì vậy, cả đoàn cũng la lên, con người, haha, mọi người cười to khi thấy hai cô gái Ấn mỹ miều trên một chiếc jeep khác đang ngược đường đi về. Quang lại tiếp tục, anh Thịnh ơi có con gì kìa, đâu đâu con gì vậy, con kiến hahaha… Tôi cười đau ruột, cười to hơn ai hết. Họ thật dễ thương, tất cả đều ở Việt Nam, chỉ có mỗi mình tôi từ nước ngoài về thấy lạ cái gì cũng cười. Người Việt có đức tính thân thiện, dễ hòa đồng, chỉ một nụ cười là đánh tan mọi xa lạ ban đầu ngay.

Xe đi sâu vào rừng, đến một đầm nước nhỏ thì gặp hai con tê giác đang ngâm mình, xe dừng lại, người tài xế ra dấu cho tất cả im lặng sợ làm động thú rừng chúng có thể tấn công. Cả đoàn im bặt đưa máy lên bấm. Tôi làm biếng không mang theo ống kính dài nên cái 24-70mm của tôi chỉ chụp được nhỏ xíu từ xa. Thế là bỏ cuộc, tôi hướng máy vào cánh đồng xa xa sau rặng lau lung lay trong gió. Chị Mai chụp gì mà bấm máy liên tục vậy, có ai hỏi đằng sau, Quang trả lời giùm, chị chụp cảnh. Tôi nói xa quá chị không chụp được tê giác, sao mình không xuống xe đến gần hơn, Khanh nói xuống xe sẽ bị tê giác húc chết ngay tại chỗ. Ngay lúc đó, một con lù lù đi về phía xe chúng tôi, nửa chừng không hiểu sao quẹo phải quay lưng đi chầm chậm dọc đầm nước. Cả chục cái máy hình bấm lắc cắc, ôi chao chỉ chụp được cái mông của nó thôi, đợi lâu không thấy nó quay đầu lại, cả đoàn bỏ cuộc nổ máy xe đi tiếp vào rừng. Sau đó là nai, heo rừng, chim trĩ … Khi ra đến bìa rừng thì mặt trời đang lặn trước mặt, đỏ ối và to dị thường. Nhưng chỉ trong tích tắc biến mất dưới chân trời, tôi không thể nào phản ứng kịp, tiếc quá, tôi vẫn mơ chụp được một cảnh mặt trời đỏ ối to dị thường như thế mãi.  Ngày hôm sau Khanh kể có hai người tour guide trong những xe trước chúng tôi bị tê giác húc chết.

Bhaktapur Phewa Lake
Buổi chiều đón mặt trời lặn ở hồ Phewa. Trời trong nên khi mặt trời xuống chỉ có màu trắng vàng không ấn tượng, nhưng những chiếc du thuyền nhỏ mỏng manh trên mặt hồ mênh mông mịn màng trước dãy núi tuyết trắng hư thực bồng lai.

Holi Festival ở Durbar Square:
Sáng hôm đó, chúng tôi chia hai nhóm: một nhóm bay lên xem đỉnh Everest, nhóm còn lại Thịnh dẫn ra Durbar Square chụp hình phiên chợ sáng và xem đền cổ ở Taumadhi Square. Tôi không đi Everest nên ở lại đi với Thịnh. Ra đến quảng trường Durbar thì rơi ngay vào lễ hội Holi, ngày 20 tháng Ba, đúng vào chu kỳ của trăng, trên một đền cổ. Một nhóm người lớn tuổi rất đông tụ tập trên bậc cấp của đền Narayan, bôi bột màu vào mặt, vào tóc của nhau rồi vừa hát vừa nhảy múa. Tôi cũng đánh bạo leo lên múa cùng với họ. Thấy tôi cầm máy ảnh, họ làm dáng cho tôi chụp hình, xong rồi xin bôi bột lên mặt tôi, tôi đứng cho họ bôi, nhưng khi bột bắt đầu rơi vào máy ảnh thì tôi bỏ chạy. Những gì xảy ra sau đó suốt ngày trên các nẻo đường ở Thamel tôi không rõ vì không dám lai vãng ra đường sợ bị quăng bột màu và nước màu vào người. Đứng trong cửa của khách sạn, tôi nghe tiếng hò hét tưng bừng ngoài kia, từng đoàn người trẻ chạy nhảy trên đường, bột màu kín người, một cảnh đáng sợ, nhưng họ chỉ vui chơi không gây ra một tai nạn gì. Lễ hội màu sắc mừng mùa Xuân, mừng mùa màng, mừng tình người … Hôm đó tôi gặp được một đứa bé gái xinh đẹp. Bức chân dung đầu tiên trong chuyến đi của tôi.

Bouddhanath Stupa:
Người ta nhặt một con chim gảy cánh.
Nằm cách trung tâm Kathmandu 11 km, là một trong những nơi hành hương lớn nhất thế giới. Đôi mắt Phật trên Stupa ở bốn phía nhìn ra Đông Tây Nam Bắc biểu hiệu cho sự toàn thị của Đức Phật, và đôi mắt đã trở thành biểu tượng của Nepal. Trên mỗi đôi mắt (ngoại nhãn) là một con mắt thứ ba (nội nhãn), còn gọi là thiên nhãn hay huệ nhãn, con mắt của trí tuệ có cái nhìn từ bi độ lượng và nhân ái.  Dưới đôi mắt là một đường cong như dấu hỏi, đó là số một trong chữ Nepal, tượng trưng cho nhất thể của vũ trụ, chỉ có một con đường duy nhất đi đến giác ngộ, đó là qua con đường của Phật pháp.

Nơi đây tôi gặp một con bồ câu trắng bị thương nằm trên vết máu hồng của nó, người đi qua rải bột màu lên để cầu lành cho chim. Có một vị sư đến đọc kinh. On ramasse un oiseau tombé, người ta nhặt một con chim gảy cánh.

Khu chợ Thamel:
Một hôm bước chân về giữa chợ
Chợt thấy vui như trẻ thơ

Cậu bé điểm tâm với củ carrot.
Đây là phiên chợ chỉ nhóm từ 6 – 9 giờ sáng. Màu sắc nhộn nhịp, đi trong đó thì không thể nào mà không chân chim nhảy trong lòng. Rau quả, trái cây, thịt cá, bánh chiên, trà sữa nóng, lụa là. Họ bày hàng trên chiếu bên lề đường hay trên xe đẩy, hay trên xe hai bánh, xe đạp…. Tôi chưa bao giờ được ở trong một khu tưng bừng như thế nên cũng vui theo cái vui của dân nghèo, có người chỉ có vỏn vẹn vài nhúm hành lá ngồi mãi không ai buồn mua. Đi lang thang chụp hình lâu quá nên tôi cũng thấm mệt, hôm đó là ngày cuối của chuyến đi, chân bước đã bắt đầu thất thểu, tôi định quay về khách sạn sớm nhưng vừa cất máy hình vào backpack rẽ vào con đường nhỏ thì đụng ngay một cậu bé đang ngồi trên bậc cấp bên góc đường. Cậu bé nhỏ xíu, áo đỏ nổi bật lên màu xanh của cửa sắt sau lưng, miệng gặm một củ carrot khổng lồ, 8 giờ sáng thì củ carrot là điểm tâm của cậu chăng. Tôi ngồi xuống trước mặt đưa máy hình lên chụp lúc nó đưa carrot lên miệng, gặm xong thả xuống đất, rồi lượm lên gặm tiếp một cách máy móc như là một điều thường nhật phải làm, chẳng có gì là ngon miệng, mắt lơ đãng ra phía chợ màu sắc. Củ carrot héo không được rửa sạch còn dính cả đất buồn cười trên khuôn mặt lem luốc nước mũi, đôi mắt buồn thơ dại của nó. Thấy cái máy ảnh trông đe dọa, nó tránh ra trốn vào con hẻm nhỏ mất dạng. Không biết dạ dày non nớt của nó có tiêu hóa được củ carrot cứng ngắc kia không. Tôi bỗng nghĩ đến đứa bé ngồi ăn bát cơm nghèo trước cửa ở Sài Gòn trong “Nẻo Về Của Ý”, ăn chầm chậm thưởng thức bát cơm đạm bạc của mình. Hai hình ảnh giống nhau nhưng không giống nhau chút nào. Nhìn đứa bé với củ carrot này tôi thương lắm. Thế là tôi chấm dứt buổi sáng ở đây, đến nói với Thịnh tôi sẽ về khách sạn trước, Thịnh trả giá một chiếc xích lô cho tôi.

Đền Khỉ Swayambhunath:
Prayer wheels, giờ tụng niệm, chuông singing bowls.
Mỗi nơi tôi đi qua, Nepal đều từ bi cho tôi gặp được một cảnh nào đó nhớ đời. Nằm trên một ngọn đồi của thung lũng Kathmandu, phía Tây của thành phố, là một đền cổ xưa, một trong những địa điểm hành hương lớn nhất Nepal. Swayambhunath Stupa cũng giống như Bouddhanath Stupa với đôi mắt Phật ở bốn phía, trên mỗi cặp mắt là một con mắt thứ ba, và dưới mắt là số một thay cho mũi. Muốn lên Stupa phải leo 365 bậc cấp, bên phải là vô số hàng bán pháp khí của Phật giáo…tượng Phật, mala, chuông … Đặc biệt là ở đây có vô số khỉ chạy nhảy như là giang sơn của mình. Người ta gọi là holy monkeys. Huyền thoại cho rằng nguồn gốc của chúng là những con được hình thành từ những con chí trong bộ tóc dài của vị bồ tát Manushri khi ngài còn tu ở đó. Ở đây tôi gặp được giờ tụng kinh chiều trong một thiền viện nhỏ, gặp được hàng trăm chú tiểu nhỏ trong giờ cầu nguyện đi quanh những prayer wheels hình trụ, tay xoay chuông theo chiều kim đồng hồ và đọc câu chú Om Mani Padme Hum cầu an lành. Những prayer wheels này được treo quanh một ngôi đền nhỏ, câu chú Om được khắc vào mỗi chiếc. Nơi đây tôi cũng mua được một singing bowl rất lớn, tiếng UM ngân rất trầm và xa khi đánh vào chuông. Người bán hàng nói tiếng chuông ngân giúp bệnh tật tan biến. Kim và Thịnh đi cùng với tôi tò mò muốn biết làm sao thì người bán hàng thử làm trên lưng của Kim. Anh ta rà dùi gỗ quanh chuông tạo ra tiếng ngân làm cho chuông rung lên rồi áp vào lưng của Kim. Xong rồi Kim không nói gì, tôi không biết Kim có cảm thấy điều gì khác không nhưng tôi không hỏi, chỉ nhờ Kim giúp tôi trả giá với người bán để tôi có thể thỉnh chuông về. Tôi mua chuông với nửa giá đưa ra và hân hoan mang về, nặng quá, Khoa phải giúp tôi xách giùm backpack của tôi.

Chuông đang nằm trên bàn thờ của chị tôi, thỉnh thoảng tôi cầm lên ngân chuông cho chị nghe.

Giã từ Nepal:
Đêm cuối cùng ở đền Khỉ, Nabu làm một mandala bằng bột màu có ý chúc lành cho chúng tôi trước khi chúng tôi ra sân bay về lại Sài Gòn. Làm xong thắp tim đèn lên rồi xóa đi, một vũ trụ có rồi không đó, dust in the wind.

Tôi biết mình sẽ khó trở lại lần thứ hai. Tôi không dám mơ trở lại. Cái u tịch của ký ức về chuyến đi vẫn còn đậm nét. Về đến Washington DC, tôi phải mất gần một tháng mới ngồi yên để viết. Tâm chưa định, tôi chưa dám viết. Nhớ lại tất cả, tôi cảm thấy xấu hổ đã có những tủi thân về tình trạng vệ sinh bên đó. Không biết bao đất nước sống trong nghèo đói thiếu thốn, còn tôi chỉ có vài ngày trên drap giường ẩm thấp, muỗi vo ve, vệ sinh thê thảm mà tôi đã thấy tủi thân. Giờ đây, khi thành tâm nhớ lại, tôi chỉ còn thấy một đất nước đẹp vô cùng, cả cảnh lẫn người. Còn nhớ không, tôi ơi đã trào nước mắt như thế nào dưới cây bồ đề ở Lumbini, trước đứa bé điểm tâm bằng carrot, người đàn bà đẹp khắc khổ ở Pokhara; và đã tắt thở như thế nào trước núi non, sông nước, bình minh, hoàng hôn, thuyền trên sông, đêm trên núi.

Cái may mắn của xứ sở này là nằm cao trên Hy Mã Lạp Sơn, xa xôi, thế giới văn minh khó tràn vào để ô nhiễm, nên hoang sơ vẫn còn đó, tâm nguyên sơ vẫn còn đó.

Giờ đây, khi tất cả những hình ảnh đã im lìm, quay đầu nhìn lại, tôi kinh ngạc nhận ra rằng Nepal đẹp phi phàm.

Tống Mai
(Virginia – May 12, 2019 – Hôm nay là ngày của Mẹ ở đây
Gởi Mẹ và chị Oanh của tôi)

 

TRÊN DÒNG NAYARANI VÀ SAFARI TRONG RỪNG CHITWAN

 

 

Photo: TranQuiThinh

 

Khanh, Mai, Khoa, Kim, Tùng … Nabu.  Photo: Thịnh

 

 

Photo: Khanh

 

ĐÊM TRÊN NÚI Ở DHAMPUS VILLAGE – ANNAPURNA FOOTHILL

 

 

 

 

Photo: Khoa

 

 

 

 

POKHARA

Người đàn bà ở Pokhara

 

Tôi rất cảm thương khuôn mặt đẹp khắc khổ của bà. Photo: Khoa

 

 

Tôi run lắm trên cầu treo dằng dặc, mỗi lần có ai đi sau là cầu nhún nhảy lên xuống khiếp vía. Photo: Thịnh

 

LUMBINI

 

 

 

 

OM

 

 

 

 

 

 BOUDHANATH STUPA

 

 

 

 

Nhặt một con chim gảy cánh

 

SWAYAMBHUNATH ĐỀN KHỈ

Mắt Phật, sự toàn thị của Đức Phật, đã trở thành biểu tượng của Nepal.
Trên mỗi đôi mắt là một con mắt thứ ba (nội nhãn) và dưới đôi mắt là một đường cong,
đó là số một trong chữ Nepal, tượng trưng cho nhất thể của vũ trụ

 

Photo: Khoa

 

Nabu, hướng dẫn  viên người Nepal, làm một cái Mandala khi chuyến đi kết thúc

 

 

CHITWAN NATIONAL PARK SAFARI

 

Khanh và cái mũ cao bồi rất hợp với chuyến safari này

 

BAKTAPUR – PHEWA LAKE

 

 

 

HOLI FESTIVAL Ở KATHMANDU

 

Photo: Thịnh

 

Photo:  Thịnh

 

KHU CHỢ THAMEL – KATHMANDU

 

 

 

 

 

 

Tôi chụp hình này chỉ vì cái cân xưa cỗ

 

Khanh (cô bạn cùng phòng) rất thích mua quà trong chợ và chia cho tôi những thức ăn rất lạ ở đó

 

 

Quán ăn nhỏ xíu, khách phải cúi đầu leo vào và chỉ có đủ cho 4 người
ngồi. Thịnh mua một dĩa và chia cho tôi vài muổng, ngon lắm.  Cái gì ở đây cũng lạ quá.

 

 

 

 

Bà cụ đang tạo dáng cho tôi chụp hình.  Photo: Thịnh

 

Trà sữa buổi sáng

 

 

 

 

 

Tôi có một buổi sáng cuối cùng để shopping ở khu Thamel.  Photo: Kim

 

GIẶT TẮM TRÊN SÔNG Ở PULCHOWK – KATHMANDU

 

 

 

 

 

47 thoughts on “OM: Nepal và trở về với tâm thường tại – Tống Mai

  1. Ôi chị Mai! Một chuyến đi để đời.

    ཨོཾ་མ་ཎི་པ་དྨེ་ཧཱུྃ

  2. Tứ Động Tâm là một trong những nơi mà chị vẫn hằng mong ước được đặt chân đến. Hôm nay thì được TM đưa đến đây qua những hình ảnh và bài viết này.
    TM ơi! Theo chị suy nghĩ “sự nghèo khổ nơi đây có lẽ Đức Phật muốn dạy cho chúng ta (con Phật) nên sống một cách yên tĩnh, không tranh đua để diệt đi cái “ham muốn” thì mới dốc lòng yên tĩnh mà tu hành chăng?

    Hôm nay cũng là ngày Mother’s Day. Cảm ơn TM cho chị một cảm giác an lành và “day dream” về mẹ của mình. Nơi đây (Nepal) có lẽ mẹ chị đang đâu đó tìm sự yên tĩnh của linh hồn nơi đất Phật.
    Happy Mother’s Day Tống Mai.

  3. Bài viết và hình chụp rất đẹp. Chi cũng muốn một lần được viếng thăm Nepal quá. Thanks for sharing chị Mai.
    Happy Mother’s Day to chị.

  4. Bài ký sự tuyệt quá,
    Với đam mê nhiếp ảnh và một niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo nên có lẽ nhờ đó mà cô khắc phục được những gian nan trong chuyến đi.

  5. Bài viết hay và hình đẹp lắm chị Mai ui!
    Em vừa đi Bhutan về, tâm trạng còn yên bình hơn nữa chị à.

    1. Vậy hở, thích quá, ở VN muốn đi nơi nào ở Asia cũng được, chị ở bên này xa quá, không đi như đi chợ được như Khanh. Khi nào gởi hình Bhutan cho chị xem với nhé.

  6. Em cảm phục chị quá! Chị viết quá hay, chụp hình xuất sắc. Chúc chị một ngày thật vui!
    Happy Mother’s Day Chị!

    Em Hạnh

  7. Sự mong đợi bấy lâu đã đến, một bài viết đầy cảm xúc, những hình ảnh đầy sống động, tôi như đang thưởng thức mùi sương sáng lay lắt trên giòng Nayarani với hình ảnh tuyệt vời của những tia nắng ban mai, tôi như đang nghe tiếng mái chèo khua nước với tiếng chim gọi nhau, Mai đã gợi cho người đọc một cảm giác đầy xúc động và xa vắng.

    Đi xa hơn với những hoàng hôn và ánh vàng bình minh trên Dhampus Village – Annapurna Foothill không biết cảm tưởng mình sẽ ra sao nếu thật sự đặt chân đến đó.

    Những bước chân đã hòa lẫn vào một mảnh đất đầy khốn khó, một tâm hồn đã tìm thấy những nét tâm linh của sự vô thanh diệu vợi, Mai đã mang về đây những mảng đời, những góc ảnh thật độc đáo, từ con người đến phố chợ, từ chốn tôn nghiêm đến nơi hoang vắng của núi cao trùng điệp.

    Còn nữa, Holi festival trên bậc cấp của đền Narayan, đã nhìn ra ai đó đang hòa minh vào những người dân đang múa với bột màu thật xinh xắn và đầy tình người.

    Người ta nói rằng, Népal, cái nôi của Phật, mang nhiều kỳ tích của Phật giáo, ai đã đến với những tâm nguyện trong sáng đều sẽ đạt được.
    Từ giòng Nayarani và safari rừng Chitwan, Pokhara, đến vườn Lumbini, Phewa Lake, Bouddhanath Stupa, Khu chợ Thamel… hình ảnh đôi mắt Phật với đường cong dấu hỏi, rồi “On ramasse un oiseau tombé” tương trưng cho một linh hồn được cứu rỗi, hình ảnh cậu bé với củ carrot thương vô cùng. Có cái gì đó đã đi vào lòng người.

    Mong một ngày được nghe tiếng chuông từ Népal, OM ! Tiếng chuông với Tâm thường tại.
    Rất cám ơn Mai

    1. Lần sau đi Nepal lại, Mai sẽ chỉ đi Kathmandu va ở lâu hơn vì chưa khám phá nhiều được sinh hoạt hàng ngày ở đó lần này. Nếu chỉ đi Kathmandu thi không nhọc nhằn chút nào. Cám ơn anh Lộc đã mách cho những nơi để mua tượng Phật, Mai thấy được một tượng đồng màu lục ở Swayambhumath Stupa nhưng nặng quá không mang về được, chuông và mala thì tha hồ mua.

  8. Bài viết hay, ảnh chụp đẹp,
    Tuyệt, nhớ đời Tống Mai ơi,
    Phải đọc lại một lần nữa,
    Vì già rồi nên dễ quên.

      1. Tống Mai ơi, Dã-Thảo đã trở lại lần này thấy xúc động vì đọc kỷ hơn lần trước.
        Thảo không dám mơ ước có ngày được đến viếng thăm xứ Phật vì hoàn cảnh không thể đi đâu được cả.
        Cảm ơn Mai đã chia xẻ,
        Thảo sẽ giữ như giấc mơ,
        Ở cõi Phật được trở về.
        Trong một ngày không xa lắm.

  9. Bài viết rất hay chị Mai. Những hình ảnh đã được chị captured lại đẹp lắm. Cảm ơn chị Mai đã đem về những góc cạnh đẹp của Nepal. Không biết bao giờ Kieulan có dịp đến đây?

  10. Chị TMai ơi, bài viết và hình ảnh về Nepal quá quá xuất sắc, mê man đọc quên cả thì giờ.

    Nhớ lại chuyến đi Ấn Độ và Nepal năm 2012, những cảnh chị tả tại Nepal làm mình sống lại những cảm giác và tình cảm của mình trong chuyến thăm Nepal, nhưng dĩ nhiên không được sâu sắc như của chị vì mình không có dịp đi sâu vào những hoàn cảnh chị trải qua. Nghe chị tả những đường đi nguy hiểm, cái chết của 2 guides vì rhinos 1 sừng làm mình sợ lắm. Nhưng ngược lại, chị đã có dịp “sống” với dân bản xứ, nhất là chứng kiến tận mắt cuộc sống lầm than khổ cực của dân nghèo tại những căn nhà chưa được xây cất lại sau trận động đất quá thương thảm của dân Nepal 4 năm trước. Mình chỉ mới đọc bài viết của chị thôi mà đã muốn rớt nước mắt rồi chị ạ.

    Mình mong được tiếp tục đọc những bài reports rất giá trị và tỉnh cảm của chị và những hình thật đẹp kèm theo.

  11. Mai nên tập trung thời gian vào việc đi tìm phần hồn của sự vật đi.
    Hy vọng trong 5 năm có thể để đời một tác phẩm đồ sộ.
    Nếu không thì phí của trời ban cho!

  12. Mai thương,
    Chị cám ơn em đã cho chị đọc một bài viết quá tuyệt !
    Văn em nhẹ nhàng, dịu dàng như hình ảnh của em Mai của chị ngày còn nhỏ xíu !

  13. Tống Mai có đi Nepal mới thấy và cảm nhận. Bài em viết thật quá hay có cảm giác thật và đồng cảm với em. Khi vè chị sẽ post link lên trang fb của Thịnh cho các bạn cùng đọc bài rất hay và hình đẹp.

    1. Em có thấy chị Huệ post link của bài này trên FB của Thịnh và có nhiều người comments rất thoughtful, cho em gởi lời cám ơn tất cả. Em có hứa với chị sẽ mở một FB để chơi với nhóm photographers mà làm biếng và ngại ngồi ngoài công chúng nên vẫn chưa làm: )

  14. Bài viết của Mai về chuyến đi Népal thật tỉ mỉ và công phu.
    Người đọc cảm thấy được dẫn dắt từ nơi này qua nơi khác, mỗi nơi với một cái nhìn và đặc tính khác nhau nhưng nói chung mình cảm nhận được sự yêu mến của Mai đối với xứ sở nghèo khổ chơn chất này, hành trình như một chuyến hành hương đến vùng đất Phật.
    Những cam go vì thời tiết, đường đi khó với núi non hiểm trở, những phương tiện vệ sinh hạn hẹp, tối thiểu, Mai thật là can đảm khi dấn bước vào cuộc hành trình này.
    Để bù lại, Mai có được những cảm giác ngất ngây khi được ngắm nhìn thiên nhiên lúc bình minh hay khi chiều xuống trên những vùng cao của dãy núi Hymalayas mà có bao nhiêu người có thể nhìn thấy được.
    Mai đã tìm đến nơi Đức Phật Thích Ca được sinh ra , Vườn Lâm Tỳ Ni kỳ diệu trong huyền thoại.
    Mai cũng nhìn thấy được những mảnh đời tuy đói nghèo vẫn sống vui không chút than van hay chán nản, người ta vẫn sống hồn nhiên không biết đến những tiện nghi vật chất của thế giới bên ngoài lãnh thổ họ.

    Những hình ảnh, ôi thôi, không đủ lời để khen, với hơn 60 tấm hình đẹp và ý nghĩa, trong đợt hình này có cả 2 tấm hình mà Mai đã được giải ở World Bank trong đợt thi hình World Bank tổ chức hàng tháng.
    ** Cậu bé điểm tâm với củ carrot.
    ** Người đàn bà ở Pokhara mặc váy màu đỏ in trên nền trắng của rặng núi tuyết Annapurna.
    Cám ơn Mai đã chia sẻ những dòng tâm tư cũng như hình ảnh. Chỉ biết đi du lịch ké theo Mai như ri thôi vì biết chắc rằng mình sẽ không có đủ can đảm để làm những cuộc hành trình khó khăn như vầy.
    Thương.

    1. Mai rất cảm động Nguyệt lúc nào cũng đọc bài viết của Mai với tất cả tâm hồn.
      Về đây lần này rất nhớ những ngày ở Saigon tháng trước với Diệu và Nguyệt.

  15. Dear chị !
    Nepal ! Chị đã đến và mang về những hình ảnh rất sinh động dưới ống kính tuyệt vời từng góc ngắm !
    L cám ơn chị rất nhiều và vô cùng xúc động từ quà tặng tận Nepal ! Biết mấy dặm đường …ngăn sông cách núi !
    Chúc chị có sức khỏe dẻo dai để đến những nơi yêu thích , cho đời thêm nhiều hình ảnh tuyệt vời . Chị nhé!

    T.Liên

    1. Đời vẽ tôi tên mục đồng,
      Rồi vẽ thêm con ngựa hồng,
      Từ đó
      lên đường
      phiêu linh …

      Đời vẽ trong tôi một ngày,
      Rồi vẽ thêm đêm thật dài,
      Từ đó
      tôi thề
      sẽ rong chơi …

  16. Wow, một hành trình thật dài, đầy thú vị, mệt mỏi, dễ sợ, cảm giác thú vị mệt mỏi làm TP nhớ những ngày hướng đạo đi trại, cảm giác dễ sợ về vệ sinh cũng còn ám ảnh TP sau 75 về những miền nông thôn nghèo không điện nước, trong trại tị nạn ui chao là không nói nổi. Hình ảnh rất đẹp, Mai chụp thì khỏi nói rồi, riêng hình ảnh của Mai thì rất xinh đẹp, rất là phong cách, vui vẻ 😀

    1. Ôi, đúng rồi Thạnh, trại tị nạn khinh hoàng nhất, nhưng cũng là nơi của tình người.
      Nơi Mai ở, những người tị nạn giúp đở bao bọc thương nhau, chiều tối đàn ông canh giữ cho đàn bà, khi thấy bọn lính Thái Lan vào trại là lấy son nồi ra khua vang trại để báo động các bà đi trốn. Ngày Liên Hiệp Quốc vào phát thực phẩm thì đàn ông giúp đàn bà vào lãnh phần, gánh nước giùm…
      Nói lạc lối một chút nhưng đó là thời gian cực khổ nhưng nhân bản nhất.

  17. Wow. Mai, your photos are always so inspiring!
    I also envy you your courage and adventurous spirit, evidenced on all these trips you are taking.

    1. Thanks Betsy !
      One time you asked me why I chose places like Myanmar as my destination, I guess those remote lands like Myanmar or Nepal are Buddhist countries and closest to my heart than any other places. Being there make you feel like a pilgrimage.

  18. Mãi đến hôm nay mới có thể đọc bài của Tống Mai một mạch từ đầu đến cuối. Cảm thương Mai cứ một mình lặn lội mãi những nơi xa xôi. Tuy vậy, nếu không có cái một mình này, sẽ không có những reflection tuyệt vời Mai đã thể hiện trong bài. Cám ơn một bài viết công phu, và hình ảnh thật đẹp. Mong Mai sẽ có những chuyến đi tuyệt vời thường xuyên hơn.

    1. Cám ơn Hà. Những chuyến đi của Mai chỉ thỏa mãn cá nhân mình nên Mai lại phục những chuyến đi thiện nguyện của Hà. Mai đợi đọc thêm ký sự của Hà trên Blog Chuyện Bâng Quơ.

    1. Nhưng nó khôn lắm, nó dùng răng mở nắp chai ra, đổ coke ra sàn rồi le lưỡi liếm. Khỉ ở đó hiền không cắp vặt như khỉ ở VN, nó chỉ chờ người ta cho ăn thì ăn, khỉ ở VN thì mình cầm đồ sẽ bị dựt… nón mũ, kính, ví xách, nhất là đồ ăn.
      Khỉ ở đây buổi tối cả gia đình ngồi ôm nhau trông tội lắm, mặt đứa nào đứa nấy buồn xo.

Leave a Reply