Một chuyến thăm quê khác những chuyến đi trước – Cuộc hẹn hò nhớ mãi, 2014 – Lê Cảnh Hoằng

 

Lê Cảnh Hoằng tạp ghi – Mars 2014

Ba tuần trôi qua như tên bắn. Trở về Stuttgart, chui đầu vào lại cuộc sống hằng nhật, cắp ô đi cắp ô về, tẻ nhạt, ngày lướt đi không để lại một dấu tích. Để rồi da diết nhớ về thời gian gặp gỡ bạn bè tưởng chừng như không bao giờ dứt, ở Sàigòn, ở Huế, ở Hà nội, và Đànẵng và những dặm đường cùng nhau rong ruổi … của chuyến thăm quê nhà vừa qua. Về Việtnam lần này, mấy ngày trước đã thấy lòng nôn nao, vui và có cảm giác là lạ, bồn chồn hơn những chuyến trước, bởi thâm tâm đã mang sẵn một ít chờ đợi cho chuyến đi. Không chỉ là một chuyến thăm nhà đơn thuần như bao lần trước. Chuyến về Việtnam lần này là một cuộc hẹn, một cuộc gặp gỡ với bè bạn bốn phương. Mặc dầu trong nhóm, bạn bè đã khua chiêng gõ cồng khá lâu từ trước, nhưng rốt cuộc chỉ có TMai từ WDC, MNguyệt từ Bourges, ÔnMệ THuỳnh&Cúc cùng ÔnMệ Khải&Hà từ Sàigòn và TĐLộc cùng LCHoằng từ Stuttgart ‚đứng lên đáp lời sông núi‘. Cặp tài tử giai nhân Quyết&ChiLan thì cố thủ BMT, sẵn sàng tiếp đón bạn bè. Tiếc là LộcĐP&HTrang trong vòng vài tuần trước đó thay đổi chương trình về quê ăn Tết sớm. Cuộc gặp mặt thế là thiếu mất hai khuôn mặt gần gũi. Nhóm còn lại tự lên ‚dây cót‘ cho nhau – Thôi thì có nhiêu xài nhiêu, có nhiều vui nhiều, có ít … thì cũng ráng vui cho nhiều nhiều … –

Đáp xuống TânSơnNhất tối Feb 21, thứ Sáu, là một trong những người đầu tiên làm xong thủ thục nhập nội, vậy mà phải mất hai tiếng đồng hồ sau mới chường mặt ra khỏi phi trường!!! … vì phải chờ hành lý, có lẽ vì check in sớm quá, first in last out, hành lý của mình ra cuối cùng. Về được đến nhà có lẽ đã quá nửa đêm.

Sáng ngày mai thức dậy (không biết sớm hay trễ, vì suốt đêm qua không ngủ được, trái giờ, jet lag), chạy liền ra tiệm chạp phô đầu ngõ sắm cái SIM (đang ở Việtnam mà! Mua bất cứ thứ gì, bất cứ ở đâu vẫn luôn luôn có) gọi ngay cho Ông Xã (xệ) trưởng:

… Alô! Ai đó Huỳnh nghe đây … Ờ! Về rồi đa hớ? … Rồi … Rồi … Chừ răng đây?

Ai mà biết răng? Mấy Ôn tính chi tui theo rứa thôi!

Ừ! Chừ ri nì! Khải bận chuyện (chơi) rồi. Mình đáng lẽ cũng bận (chơi) luôn. Nhưng mà thôi, cho ôn Khải đi đại diện đủ rồi, mình trốn, tí nữa gặp nhau cafee nghe … Ừ mà caffee mô hè? Nhớ hẹn Tống Mai tới luôn nghe.

Mình biết có cafee Regina ở ngay góc Nguyễn Du gần nhà thờ Đức Bà. Nằm gần phố mà cũng khá yên tĩnh. Tới đó cho tiện, để Tống Mai còn biết đường tới.

OK! OK! Được. Mình tới liền, mấy giờ? MNguyệt thì cuối tháng mới về; còn Lộc (TĐ) thì mai mốt mới về lại lận.

8:00 OK? Có nhiêu xài nhiêu. Bữa ni tới đó tụi mình lên chương trình luôn nghe!

OK! OK! OK! Mình tới đèo Hoằng đi luôn.

Ngày đầu tại Sàigòn như rứa đó

Ba mạng, TMai, THuỳnh và LCHoằng ngồi tại cafee Regina cùng nhau dàn dựng cuộc du hí: Sàigòn – Hànội – Huế – Quảng Bình – Đà Nẵng – Hội An – BMT !!!

Tuần đầu ở Sàigòn, bỏ thì giờ đi thăm bà con, thăm bè bạn, bát phố, nhìn quanh Sàigòn có gì thay đổi, phố xá, cao ốc, siêu thị, người giàu, người nghèo, và …

… người quá nghèo …

Dẫu vài ba mạng thôi nhưng cũng hẹn nhau đi ăn chung, đi chơi chung.

Đi rảo phố …

Và . và .. và …

Và … bao giờ cũng vậy, không thể thiếu. Một buổi tối thân mật tại nhà Huỳnh&Cúc. MNguyệt chưa về kịp để cùng góp mặt. Chân tình, thân tình và chu đáo. Có Khải&Hà, TMai, TĐLộc, LCHoằng. Tiếc là không có tấm hình nào của buổi họp mặt này.

Mar 01 – Đànẵng, thăm TTDu cùng NguyễnHuế, nay đã trở thành ‚dên Đờ nẽng‘ chăm phần chăm rồi và ghé thăm người bạn từ Cali về định cư tại đây đã hơn năm sáu năm nay. Đànẵng sạch và khang trang, thoáng mát, an ninh và sạch sẽ. Sân bay nằm sát nách thành phố, cũng khang trang và thoáng hơn TânSơnNhất nhiều. Cách đây bốn năm năm có ghé qua Đànẵng một lần, đã thấy khác xa thời xưa, nay trở lại không nhận ra được nữa. Đànẵng phát triển kinh khủng, nhất là khu đô thị mới, phía bên kia sông Hàn. Cao ốc, cao ốc và cao ốc nối đuôi nhau mọc lên như nấm. Tuy chưa ngột ngạt như bãi biển NhaTrang hiện nay, nhưng đã có dáng dấp như một thành phố du lịch Âu châu, NamMĩ …

Những ngày ở Sàigòn đã liên lạc với TTDu và NgHuế, nhưng không gặp được Huế, TTDu thì bao giờ cũng rôm rả, ào ào:

Ờ! Ờ! Khi mô ra? … Ừ! Ừ! Cứ ra đi … Khi mô ra thì nhắn tau hí! …

Đến Đànẵng gọi NgHuế, vẫn không gặp, gọi Mệ Du … Ra rồi đa hớ? Ừ, tau tới liền … Năm phút sau đã thấy Mệ Du cỡi Honda tới rồi, sốt sắng:

Mi ăn chi chưa?

Chưa! Ừ mình kiếm cái chi ăn đi.

Được, để tau chở mi đi ăn phở. Phở chổ ni ăn được lắm.

Gần 12:00 trưa TTDu chở đi ăn phở, hàng quán đóng kín cửa, không như Sàigòn, ở Đànẵng không ai bán hàng quà sáng giờ này nữa. Hai thằng cõng nhau Honda chạy một hồi mới kiếm được một quán phở còn mở cửa bán buổi trưa. Mệ Du gọi tô nhỏ „tau ăn sáng rồi, ăn chung với mi cho vui“. ‚Cai Hoằng‘ chơi một tô standard …

Răng gọi NgHuế hoài mà không gặp

Hắn ở nhà chơ mô. Về hưu rồi. Có làm chi mô. Thôi để ăn xong tau chở mi tới thẳng nhà hắn luôn …

Tới nhà, bấm chuông, không có NgHuế … À! Thằng ni chắc ở ngoài bờ sông Hàn rồi! …

Đúng y. O con gái Út mở cửa chạy xuống, lễ phép chào hai bác, cho biết là Ba con ra ngoài bờ sông Hàn đi bộ rồi đi uống cafee hồi sáng sớm lận

Răng bác gọi đt di động hoài không gặp?

Dợ! Ba con để đt di động ở nhà

??? …

Thì ra dân hưu trí Đànẵng hiện nay có một sinh hoạt định kì hằng ngày. Sáng sáng ra quán cóc, một cử cafee, xong đi dạo (bên Mĩ kêu là exercise?) bên bờ sông Hàn, đang lúc đi dạo có thể bỏ ngang xương, hoặc dạo xong rồi thì có thể tấp vô rất nhiều bàn cờ tướng dọc đường làm thầy ‚dùi‘, đánh cờ miệng. Hoặc bắt cá độ vài ‚ve‘ (la bière).

Chạy dọc bên bờ sông Hàn ghé nhìn vào gần chục ‚bờ sông Hàn challenge‘ vẫn chưa thấy NgHuế. Du đề nghị – Thôi, kệ hắn, mệt rồi, tau chở mi đi uống ly cafee rồi kêu hắn ra sau.

Cuối cùng thì cũng gặp được nhau. Ngồi quán cóc vĩa hè, theo Du cho biết là ngon nhất Đànẵng. Chả biết cafee có ngon không. Riêng mình nghĩ thầm: được gặp lại bạn xưa, ngồi đấu láo, hàn huyên,

không có chi ngon bằng. Uống xong cử cafee, TTDu xin kiếu – Tau phải về lo ít việc ma chay trong phường. Thì ra chàng hiện là tổ trưởng dân phố.

Oai rứa. Làm tới tổ trưởng dân phố lận?

Ừ! Ăn cơm nhà vác ngà voi. Nhưng mà có việc làm cho vui.

NgHuế tình nguyện đưa LCHoằng về khách sạn. Hoằng đề nghị … Kiếm chổ mô uống lon bia hè …

Hai thằng tấp liền vô một ‚ristorante lộ thiên‘ ngay ngã tư đầu đường bên cạnh. Nhìn bốn góc, góc nào cũng có một hàng quán gần gần giống hệt nhau. Một chiếc xe đẩy, nhìn như một thùng hàng khổ chừng 2m x 1m, cao ngang vai, bằng nhôm hay sắt gì đó với bốn bánh xe. Chứa hàng trăm thứ bên trong và bên trên, nào nồi, nào niêu, nào soong, nào chảo, chén đũa, muỗng nĩa .. vân .. vân … chưa nói tới lương thực, không biết cơ man nào mà kể. Tối đến phải chất thêm bàn ghế lên tuốt trên. Ngồi nhìn mà phục lăn. Mỗi quán có ước chừng hơn chục cái bàn con, mỗi bàn có bốn (hoặc sáu) ghế, vậy là dư sức chứa được năm sáu chục bợm nhậu. Hai thằng kéo ghế ngồi sà xuống một bàn con, không ngờ cái ristorante dã chiến này mà có đến hàng chục món ăn, đủ thứ, từ lẩu tới xào, tới chiên, hấp không chừa thứ chi, càng phục lăn phục lóc … hai thằng gọi một đĩa mực tươi hấp và vài lon bia, xong lôi đt ra gọi TTDu

Ở mô rứa? Xong việc chưa?

Xong rồi!

Chạy qua Mỹ Khê uống bia?

Ừ! Ừ! Tau qua lien

Lại ngồi với nhau, lại kể lể chuyện xưa, cười vui đàu cho tới khi quán lên đèn. TTDu hẹn sáng hôm sau sẽ ghé qua, gặp nhau lần nữa trước khi LCHoằng tạm rời Đànẵng. NgHuế thì bận, bảo có lẽ không tới được và tạm chia tay.

Về khách sạn, tắm xong thấy chiều về đêm còn dài, bát bộ ra biển dạo cát cho thoả, nghe sóng gầm và hít thở mùi mặn muối biển. Chân đất đi giữa triền sóng, mát lạnh và có cảm giác được biển gột sạch những bụi trần lâu nay đã bám chặt giữa những kẽ chân. Đất nước mình tuyệt đẹp, biển Mỹ khê chạy dài chỉ riêng chặng từ Sơn Trà cho đến Ngũ Hành Sơn có lẽ cũng gần 20 km, bãi biển chưa bị xây bít kín như những thành phố biển khác. Còn rất nhiều không gian cho người đi bộ.

Sáng mars 02: Khám phá HàNội – sửa soạn bay ra NộiBài. Xin khách sạn bình trà xanh ngồi nhâm nhi và để cho thời gian thong thả trôi. Chà có việc gì làm nên chả vội. Đứng lớ ngớ trước khách sạn bỗng thấy một coureur xe ‚đợp‘ đâm sọc ngay vào cửa, thắng ngay trước mặt mình. Nhìn rõ ra thì:

Răng mà đi mô cũng gặp mi cả rứa?

Ủa! Anh Thanh Hải. Đang ở Việtnam à? Anh về một mình hay hai? Chị An mô?

Tụi này về chung với nhau. Ở đây gần ba tháng rồi. Bữa ni thì

bà đi chơi với bạn bà, mình đi chơi với bạn mình !!!

Thêm một nhận xét về Đànẵng là dân thành phố này đặc biệt chịu khó chạy xe ‚đợp‘ khá nhiều. Và dân hưu trí gốc Đànẵng về thăm quê hoặc về thường trú khá nhiều.

Chuyến bay DNG – HAN bị trể hơn một tiếng. Trước giờ bay vài ba tiếng Air Vietnam gởi SMS vào cell phone nhắn tin có thay đổi. Tưởng tin ‘vịt’ nên gọi lại travel agency để xác nhận. Tin báo đúng. Dẫu sao thì cũng nên khen cái dịch vụ ni một xíu. Hết sẩy! Ít nhất thì cũng phài có một vài điềm hay hay nào đó chơ. Thật tình mà nói, xứ du lịch Việtnam hiện nay đi đâu cũng nghe thiên hạ và du khách mắng vốn. Mang tiếng xấu nhiều hơn tốt.

Dù trễ vậy cũng đáp xuống NộiBài sớm hơn MNguyệt và TMai, từ Sàigòn bay ra, hơn một tiếng. Đành ngồi chờ vậy.

Đón MNguyệt và TMai xong, ba đứa lấy taxi về HàNội. Xe rời sân bay lấy xa lộ chạy được một đoạn, TMai ngồi băng ghế sau với MNguyệt và thấp thỏm không yên. Đưa mắt nhìn Mai có í dọ hỏi, Mai cho hay taxi này có dấu hiệu chạy gian dối. Mai đi khá nhiều nên biết, cước taxi NộiBài – HàNội thường chỉ chừng 300.000 VND (15$), taximeter trong xe lại nhảy lên quá 300.000 mà vẫn chưa thấy trung tâm.

Lần đầu tiên ra HàNội nên lòng không khỏi có một ít nao nức, vậy mà được HàNội đón chào người mới không đẹp, không văn minh. Một thoáng thất vọng. Hên!!! Xui!!! Mình tưởng nghĩ, thủ đô một đất nước, tự hào khoác lên mình là một thành phố du lịch, mang bề dày văn hoá xưa và sâu. Không nên để điều này xảy ra.

Việc trước tên là đòi đi thăm cho được HàNội 36 phố phường, những con phố lịch sử nổi tiếng, đề tài một thời của nền văn chương lãng mạn, hầu hết những cây bút lớn, nhỏ, đại thụ, không ai không ca

ngợi và có phần thi vị hoá thêm. Lại thất vọng! Khu phố cổ nhỏ, chật hẹp, chẳng có gì đặc biệt, cửa hàng bán đồ lưu niệm và hàng ăn uống san sát cạnh nhau, những ngõ phố nhếch nhác trông hệt như những con đường trong khu du lịch Patpong tại Bangkok xa xưa từ những thập niên trước. Uổng thật! Nhìn khu phố cổ thấy cuộc sống HàNội hối hả quá, hình như muốn vội chạy theo cho kịp tốc độ vùn vụt của thế giới, quên bén đi nhiệm vụ phải bảo tồn giữ gìn những di tích, những nề nếp, những truyền thống xưa cổ in đậm từ hàng trăm năm, ngàn năm!!! Không riêng gì tại HàNội, sự thể này có thể nhận thấy được bất cứ nơi đâu trên đất nước.

Nhưng bù lại HàNội cũng để lại cho riêng mình rất nhiều ấn tượng, nhiều hình ảnh đẹp. Hồ Gươm, tháp Rùa, đi hoài không chán. Rất nhiều di tích để thăm viếng và nhiều nơi để khám phá. Một buổi cuốc bộ một mình từ Nhà hát thành phố lên Quốc tử giám. Thật cũng không ngoa nếu nói rằng nơi đây chính là cái nôi văn hoá của dân tộc.

Rồi Hồ Tây trong sương mù, đường Hoàng Diệu, đường Phan Đình Phùng, những con đường cây cao bóng rợp ngợp người, những con hẻm nhỏ ẩn nấp nhiều bất ngờ thú vị, theo lối đi vào mới khám phá ra rằng những hẻm nay mang nhiều sinh hoạt nào là ẩm thực, nào là văn hoá nho nhỏ hay hay.

O phó nhòm TMai hể rảnh giờ nào là i như rằng ôm máy ảnh chạy đi săn hình giờ đó.

Thời gian dừng lại HàNội quá ngắn, nhưng may mắn thay TMai sắp xếp được và rủ tháp tùng theo một ngày đi chơi HạLong. MNguyệt muốn lấy một ngày riêng để đi thăm gia đình, thành thử chỉ có TMai và LCHoằng, sáng đi chiều về. Xe khởi hành từ sáng sớm, đâu như từ 5:00 sáng thì phải. Đoạn đường nghe nói tròm trèm 250 km và phải chạy mất 4 tiếng. Đó là đi xe nhỏ, nếu đi bus thì không biết phải mất bao lâu. Vì vậy thời gian rất giới hạn, chuyến đi do đó khá hấp tấp. Thêm vào đó giữa chặng đường trời chuyển sương mù, khi đến HạLong thì có mưa nhẹ. Nhưng đã có một cô hướng dẫn du lịch xinh xắn, rất dễ mến lên đón tiếp (không đủ nội công là rơi mất trái tim như chơi!), được ăn sáng một tô bún nước đặc biệt với món hải sản thuần tuý Hạ Long (đến giờ lại quên mất tên gọi), nên bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết. Uống vừa xong tách trà thì lại phải vội ra bến tàu, nguyên cả một chiếc tàu đợi sẵn, đưa chỉ ba khách ra khơi.

Tuy trời mưa và ẩm ướt nhưng chuyến đi rất thú vị.

Cô bé hướng dẫn du lịch nhìn rất trẻ, trông người mà đoán thì nghĩ chắc chỉ khoảng đâu 22 – 23 tuồi là cùng, ai ngờ sau này hỏi ra mới biết đã gần trên dưới ba mưoi.

Tàu, trực chỉ đảo Canh độc. Thăm động Thiên Cung và ngắm cảnh, chung quanh nhìn đâu cũng thấy đầy rẫy du khách Tàu, ồn ào. Hang động nhỏ không lớn, được thắp sáng bằng đèn màu xanh đỏ tím vàng, như một sân khấu hát chèo. Người đông nên đi một hồi thấy ngộp, không biết phó nhòm TMai đã săn được bao nhiêu ảnh, đến gần cuối động LCHoằng bỏ nhỏ xin ra. Bên cạnh động Thiên Cung có một động nhỏ, ngay trên cửa động có bảng đề: „Động Đầu gỗ“. Nhưng cô hướng dẫn du lịch giải thích rằng, động tên thật là ‚Giấu gỗ‘ chính là nơi viên tướng lừng danh nhà Trần đã giấu những thớ gỗ lim lớn để mang về dựng cọc cho trận Bạch Đằng anh hùng, đã gây cho quân Nguyên Mông siết bao hãi hùng. Nhóm quyết định không vào động ‚Giấu gỗ‘ nữa, lên tàu chạy tiếp ra khơi xa, thăm hòn Gà chọi, hòn cánh Buồm, … tàu đảo quanh một vòng các hòn khác và quay đầu về lại bờ. Nhìn đồng hồ chưa đến 12:00. Sớm quá! LCHoằng đề nghị, hay mình ghé vào thành phố Hạlong thăm cho biết. Cô bé hướng dẫn bảo về ăn trưa rồi hãy tính.

Buổi cơm trưa vừa gần xong thì chú tài xế bỗng đưa í kiến:

Nếu anh chị muốn ghé làng Đường lâm thì em đưa đi. Mà phải đi ngay mới kịp thì giờ.

Mai mừng rỡ:

Ôi! Vậy thì tuyệt quá. Còn gì bằng. OK! Mình đi liền đi

Vậy là lại vội vã, lần này thì rõ ràng không cón thì giờ để uống hết tách trà.

Số là trên chặng đường xe ra Hạlong, thỉnh thoảng TMai hoặc LCHoằng bắt chuyện nói với chú tài xế, thứ nhất muốn tạo không khí thân mật giữa nhau, sau nữa có chuyện trò thì tài xế cũng bớt buồn ngủ … TMai:

Đâu đây ở gần HàNội có một làng cổ, còn giữ được rất nhiều nhà xưa, cảnh quan đẹp, du khách đến thăm rất nhiều. Tiến (tên chú tái xế) có biết không?

Biết chứ! Cái làng Đường lâm ấy mà. Ôi! Gì chứ cái đó thì em đưa khách đi thăm mãi ấy mà!

Nằm đâu vậy Tiến?

Nằm phía Tây, thuộc Sơntây đấy, cách HàNội có một xịu thôi, đâu chừng vài chục kilômét, nhưng hôm nay mình đi thế là ngược hướng rồi. Có dịp khác em sẽ đưa anh chị đi.

Hôm nay đi không kịp hở?

Thưa không!

Tiếc nhỉ!!! …

Không ngờ vậy mà mơ ước của TMai thành hiện thực.

TMai nhanh như con sóc, nhìn quanh nhìn quất đã thấy O Mai biến mất tiêu, LCHoằng vừa đi vừa nhảy mấy bậc cầu thang xuống. Vừa mở cửa xe thì đâ thấy TMai ngồi sẵn trên hàng ghế sau rồi! Từ giã vội vàng những ân nhân đã tặng cho mình một buổi sáng trọn vẹn tuyệt vời, phóc lên xe.

Chú tài Tiến phóng nhanh một lèo đến Đường lâm, gần đến nơi, vừa rời đường cao tốc để chuyển hướng vào làng thì bỗng đâu hai chiếc Môtô rà tới chặn đầu xe lại. Cảnh Sát Giao Thông …

Hai mạng TMai và LCHoằng ngồi trong xe nhìn ra, thấy chú tài Tiến đứng đáp trả với hai tay CSGT, trở về xe lấy giấy tờ, rồi trở lại. Có đến hai lần. Cả hai hơi sốt ruột, sự việc dây dưa e hơn 15 phút. Cuối cùng Tiến về xe cho máy nổ, chạy tiếp

Có chuyện gì vậy?

Chúng nó phạt

Sao mà phạt, mình có làm gì lỗi đâu?

Chúng nó bảo là xe cán lên lằn chỉ trắng, cấm vượt qua. Ôi! Chúng nó bảo thế thì mình hay thế chứ biết nói sao giờ!

Vậy thì bị phạt bao nhiêu?

300.000. Nó bảo viết trát bắt em đến sở đóng tiền. Mà ôi thôi, nhiêu khê lắm, mình thì – thì giờ đâu – em giao hẳn cho chúng nó nhờ chúng nó đi đóng hộ.

…???…

TMai và LCHoằng nhủ thầm nhau sẽ gánh khoản tiền phạt cho chú tài.

Nhưng đến được Đường lâm thì bao nhiêu bực dọc tiêu tan. Cũng may là trời chưa tắt nắng, nếu không thì rõ là công cốc.

Vừa kip mua xong vé tham quan thì cửa quầy vé cũng vừa khép lại. Hú hồn!

Một ngôi làng yên ắng như trong sách vở mô tả, con đường đất, một cổng làng, nằm cạnh cổng làng một ao rau muống chả biết rau gì, lẩn vài ngó sen ngó súng chen chúc. Mùi trâu, mùi bò, mùi rơm rạ … cả hai đứng ngẩn người.

Riêng LCHoằng có cảm tưởng mình đang ở trong một khung thời gian nào đó hoàn toàn xa lạ, trái ngược với Sàigòn , với HàNội có 36 phố phường, có đầy xe Honda, Vespa … có ầm ĩ đầy tiếng động, tiếng cói xe inh ỏi không dứt … Ở đây nghe được tiếng gió rì rào của cây cỏ, nghe được tiếng thong thả của dân làng đưa trâu nghé về chuồng

00000

000

Bay hơn một tiếng thì đáp xuống Phú Bài, phải khen Air ViệtNam bay khá đúng giờ.

Phú Bài bao năm qua vẫn không thay đổi nhiều, nói thẳng ra là chả có gì thay đổi. Vẫn y chang như Huế vậy, nhỏ nhỏ bé bé, Phú Bài vẫn nằm khiêm nhường giữa cánh đồng lúa xâm xấp nước.

Huế đầu tháng ba, một tháng sau Tết, vẫn đương còn ngái ngủ, có chút nắng hanh nhè nhẹ, mây che kín trời, khí hậu mát và dễ chịu.

Trần Đức Thái, một người bạn của MNguyệt ra đón, người vui tính, ăn có to không thì không biết chứ rõ ràng là thuộc loài nói lớn và qua dịp này có duyên làm quen thêm một người bạn dễ mến.

Về quê đã không biết bao lần, nhưng lần nào cũng vậy, đi đoạn đường Phú Bài –An Cựu lòng vẫn thấy nao nao, ngồi trên xe đưa mắt nhìn dáo dát hai bên, lúc nhìn về trái mắt hóng theo đường xe lửa, lúc nhìn về phải, những dãy ruộng đang lên mạ non nối nối nhau chạy theo hông xe, xem thử có gì đổi thay trên quê nhà.

Chưa đến cầu An Cựu, Thái rẽ phải, chạy ngang để chỉ cho biết cái ‚satellite town‘ mới của Huế, với vài khu nhà trệt và vài chung cư cao tẩng, lát đát một số gia đình sinh sống. Vắng và buồn tẻ. Thái chí tấm bảng góc đường, giới thiệu nửa đùa nửa thật

Đây nì ‚AnCựu City‘ nì, Huệ miềng chừ đã có khu phố Mẽo rồi đọ nghe! Có tên ‚Ăn gờ lê‘ đàng hoàng. Không thua ai mô nợ!

Trên tấm bảng có ghi hàng chữ ‚ANCUU City‘ thật.

Từ đó xuyên về Đập Đá, chạy ngang những con đường mới rất rộng rãi, hai bên đường nhà cửa quán sá san sát nhau không nhận ra được ở đâu. Về Huế bao lần mà chưa đặt chân đến khu này. Nguyên xưa kia là cánh đồng An Cựu, hình như là nơi từng gieo trồng giống gạo hẻo rằng, gạo ruộng nổi tiếng một thời cung cấp cho dân cư Huế, nay đã bị san lấp thành đất thổ cư. Có lẽ gạo ruộng nay khó kiếm đâu ra cũng vì vậy.

Về tới Huế ngày vẫn còn sớm, đến ngã ba Phạm Ngũ Lão/Lê Lợi –‚khu Tây ba lô‘ – Thái thả LCHoằng xuống, sau đó

đưa TMai và MNguyệt về Morin.

TĐLộc và ÔnMệ Huỳnh&Cúc đã có mặt ở Huế từ chiều hôm qua.

Lấy phòng, tắm gội, thay đồ xong, tản bộ lên Morin. Lên gỏ cửa phòng TMai và MNguyệt, được mời vào đứng ở ban công. Từ Morin nhìn thẳng ra sông Hương. Mùa này nước sông Hương chảy êm đềm nhẹ nhàng. Sông Hương vẫn vậy, qua một mùa lũ trở lại phẳng lặng bình yên. Từ lâu rồi đã không còn những vạn đò sống trên sông, không biết vậy là hay hoặc dở, nhìn đám thuyền rồng đủ màu xanh xanh đỏ đỏ diêm dúa, giả tạo, nửa đười ươi nửa khỉ, đậu bến trước mặt nhà kèn mà chán nản, thầm nghĩ nếu thay vào đó tổ chức những thuyền đò gỗ mộc mạc, đơn giản như xưa, đi lại sinh hoạt trên sông theo một mô hình nào đó, lành mạnh, ghe đò gìn giữ tươm tất sạch sẽ, biết đâu sẽ trở thành một hình thái đặc trưng của địa phương, sẽ thu hút du khách. Nhìn xuống đường Lê Lợi, thấy căn nhà Đài phát thanh cũ, ngay trước mặt, không biết hiện nay dùng làm gì, chẳng thấy bóng người ra vào, cuộc sống Huế vẫn chậm rãi thư thái, không đi mô mà vội.

Đường phố Huế phía hữu ngạn sạch sẽ và khang trang, công tâm mà nói hai bờ sông Hương nay đẹp và khang trang hơn thời chiến tranh nhiều. Tuy thấy đó là một điều tích cực, đáng khen nhưng lòng không khỏi nhủ thầm. Dĩ nhiên! Sau gần bốn mươi năm chẳng lẽ không làm được một việc cỏn con như vậy sao?

Chợt nhớ phải gọi báo tin cho TĐLộc và THuỳnh … Huỳnh&Cúc hôm nay bận việc gia đình, chỉ có TĐLộc, đang ‚grass widow‘ (mới tiễn vợ trở về lại Đức hôm kia), là bao giờ cũng không những sẵn sàng mà còn nôn nóng

Ra Huế rồi đa hớ! (và .. phán liền …) Chừ làm chi đây? Trưa ni đi ăn chung nghe!

Ở mô? Khi mô?

Lộc rủ đi ăn cơm chay, tiệm tên Liên Hoa thì phải, nằm trong khuôn viên Cercle sportif cũ, nay là căn nhà Festival, đối diện Thư viện Đại Học. LCHoằng lội bộ đến quán trước, từ Morin đến Cercle mất chừng ba phút cuốc bộ. Giờ xế trưa tiệm thưa người, khách ngồi lác đác hai ba bàn, chọn bàn ngồi gần khóm hoa. Một lát sau TĐLộc lò dò chạy Honda đến. TMai và MNguyệt đi bộ đến sau. Sau những ngày ngang dọc, bữa ăn đầu tiên ở Huế thanh cảnh, rất ngon miệng. Cơm chay. Cũng đầy í nghĩa và hợp tình. Bốn đứa con xa xứ hôm nay về đây, dọn lòng thanh tịnh để cùng ra mắt quê nhà.

Ăn xong mần chi hè?

Đi chợ Đông Ba đi hay là dạo quanh Huế một vòng cũng vui!

TĐLộc phải về lại nhà, đổi xe khác … xe ni chạy phanh không ăn, nguy hiềm quá!

Bộ ba MNguyệt, TMai và LCHoằng lại theo đường Lê Lợi cuốc bộ về, TMai và MNguyệt ghé vào khách sạn, hẹn lát nữa gặp nhau, LCHoằng cuốc tiếp về Đập Đá, ghé tạt qua chào và thăm hỏi O Liên, một O em gái ‘rất Huệ’ có dịp quen thân từ mấy năm nay, ở đầu đường gần khách sạn, nhắn lát nữa có thấy O bán bánh canh Nam Phổ lên thì kêu giùm O gánh qua khách sạn ngồi chờ. Và không quên mượn O Liên luôn cái Honda

Dạ được! Anh cứ lấy xe mà đi cho xong công việc (? – chả có công việc chi ngoài công việc đi chơi!) Còn bánh canh để em kêu cho, không can chi mô. Nhưng mà mấy anh mấy chị phải cho biết khi mô ăn, không thôi người ta chờ lâu tội nghiệp.

Chừng mấy giờ thì mấy O nớ bắt đầu gánh lên bán?

Chừng độ ba bốn giờ.

OK! Anh sẽ gọi lại sau.

Trời bắt đầu lất phất mưa, cái mưa phùn muôn thuở của xứ Huế, không thấy mưa đâu cả nhưng thơ thẩn một hồi tóc sẽ li ti điểm đầy bụi nước. TĐLộc đèo và MNguyệt, LCHoằng đèo TMai qua chợ Đông Ba.

Cách đây khoảng năm sáu năm có một lần đi cùng thằng con út, ghé vào chợ định mua mấy đôi dép cói, mấy o bán hàng hú 25.000 / đôi, ông già liền lên mặt dạy đời thằng con … đi chợ Việt nam và nhất là Đông Ba ni người bán hàng thường nói giá gấp hai gấp ba lần, mình phải trả giá … và mạnh miệng làm luôn … 10.000 / đôi, được không? Mua hai đôi luôn … O bán hàng không chịu, hai cha con vừa mới dợm bước bỏ đi thì bị nắm đầu lại liền. Chìa 20.000 hí hửng ôm hai đôi dép về, bị bà chị, vợ ông anh họ la quá trời

Ui chao ơi, mua chi mà mắc rứa, chú bị nói thách rồi. Dép ni cọ hai ba ngàn một đôi thôi.

… !!! …

Thằng con nghe xong chưa hiểu, khi được giảng nghĩa ôm bụng cười bò … Lần ni chắc chắn sẽ không mua sắm gì trong chợ. Bốn khuôn mặt ngáo ộp đảo tới đảo lui hai ba vòng chợ, dòm dòm ngó ngó, thấy gì hay hay lại thò tay rờ rờ nắn nắn. TMai thì ôm máy hình bấm lia lịa. Mới đầu còn có nghe tiếng mời

Cô mua giùm con! … Chú mua giùm con! … Anh ơi! … Chị ơi! …

Một lát sau nghe được loáng thoang sau lưng … Ôi chào ơi! Cái đám Việt kiều đọ, mấy thứ nớ chỉ đi dạo dạo, ngắm ngắm, nghía nghía chơ không mua chi mô. Đừng mời mọc chi cho mệt, mất công! …

Rảo tầng dưới chán, MNguyệt rủ lên tầng trên, chuyên bán vải vóc, áo quần. MNguyệt trúng tủ! O Nguyệt đảo qua đảo về, lăng xăng tới lui, mặt hớn hở tươi như hoa (thật ra thì mặt MNguyệt bao giờ cũng tươi như hoa!), náo động khu hàng vải chợ Đông Ba.

Mai ơi! … Lộc ơi! … Hoằng ơi! … Úi chào tấm vải ni đẹp! Lên áo dài chắc đẹp lắm! … Coai dùm có hợp với Nguyệt không?

TĐLộc miệng câm như hến. LCHoằng cũng ngậm tăm luôn, sa lầy trong khu này thì chết cả lũ, hết thì giờ đi chơi. Cuối cùng cũng kéo O Nguyệt ra khỏi vũng lầy ‘Au Bonheur des Dames’ nầy. Mừng quá!

Mưa bắt đầu nặng hạt nhưng không lớn. Cả bọn vẫn giữ í định cũ, làm một cuốc Honda thăm Thành Nội. Chạy một vòng xuống Huỳnh Thúc Kháng vô cửa Đông Ba, dọc đường Mai Thúc Loan, ngang lầu Hoà Bình đảo một vòng quanh Đại Nội xong quẹo ra cửa Sập, xuống lại cầu Trường Tiền băng về khu ‘Tây ba lô’.

Về tới khách sạn thấy gánh bánh canh Nam Phổ đã ngồi chờ sẵn trước thềm. TMai không kịp cởi áo mưa, ngồi sà ngay xuống đôi quang gánh, cả đám bu theo vô luôn. Một bên đầu quang gánh chễm chệ nồi bánh canh thơm phức liu riu trên bếp than, O Cháu mở nắp nồi khoe lớp váng gạch đỏ chao chao trên mặt nồi. LCHoằng nhớ không lầm thì mỗi người quất ít nhất hai tô. Hỏi thêm phía đầu quanh gánh kia đựng thứ gì, thì ra là nào bột lọc, nào bánh bèo, nào bánh ít ram . vân .. vân … Rồi! … Gọi thê mỗi thứhai ba đĩ cho đủ bộ.

O Liên ghé qua hỏi thăm

Mấy anh chị ăn có vừa miệng không?

Ai cũng chỉ cười hể hả thoả mãn. Ngày đầu tiên ở Huế

Ngày đầu tiên ở Huế chưa trôi qua hết mà đã … phải nói là ‘vượt chỉ tiêu’. TĐLộc lại hỏi

Ăn xong mần chi?

Về khách sạn nghỉ xíu đã.

Nghỉ xong, chiều tối mần chi?

Ừ hè!

O Liên góp í … nhà thầy Châu Phan (Nguyễn Hữu Châu Phan) mới mở quán Café dễ thương lắm, mấy anh mấy chị tới đó cho biết … Hẹn xế chiều ni lại gặp nhau café Hoàng Hạc. Hai xe ‘ôm’ TĐLộc và LCHoằng chiều nay có nhiệm vụ ghé Morin sớm đón hai O đi.

Trong trí óc vẫn còn nhớ căn nhà Châu Phan nằm đường Nguyễn Huệ, khoảng giữa Trần Thúc Nhẫn và đường Nam Giao (nay là Điện Biên Phủ), có thể gọi đó là một biệt thự cỡ nhỏ, ngôi nhà được xây đâu từ thập niên 60 với kiến trúc so với thời đó rất modern, có một mái bêtông lớn nằm xéo lơ lững che mát hàng hiên và một khoảnh sân trước với sân cỏ xanh, trông khá lạ mắt. Dân Huế thời đó khen nhà ni xây có ‘goût’.

Ghé đến café Hoàng Hạc trời vẫn còn chút nắng, Huỳnh&Cúc còn bận việc nhà nên tới trễ. Cả bọn ngồi ngoài sân, gọi đồ uống, tán gẫu và đập muỗi!!! … đợi Huỳnh&Cúc.

Đèn đường vừa lên thì cũng vừa nghe điện thoại reo, nghe giọng THuỳnh thỏ thẻ (có lẽ vì sợ bị la?) … Café nằm chỗ mô rứa? … Đúng là thứ dân Huế xa quê lâu ngày.

Chào nhau, thăm hỏi nhau ・mừng mừng tủi tủi・ quên mất là vừa mới gặp mặt nhau ở Sàigòn!!! Bàn tiếp chương trình mần chi? Đi mô? Khi mô đi? Chuyến Buôn Mê Thuột không thực hiện được đông đủ như dự tính. Nay chỉ có Huỳnh&Cúc cùng MNguyệt hẹn với cư dân Buôn Mê Thuột sau cuộc vui sum vầy ở Huế sẽ ghé lên xứ ・má đỏ môi hồng・ thăm Quyết&Lan và ThanhHải&Dung. Thôi vậy là vẹn toàn, quá mừng, bớt áy náy, nếu không thì không biết ăn nói mần răng với bè bạn trên nớ. Cũng vì LCHoằng buộc phải thay đổi chương trình trong giờ chót mà ra cớ sự. Qua đây gởi lời xin lỗi ChiLan&Quyết và ThanhHải&Dung một lần nữa.

Theo dự tính của Khải&Hà thì ÔnMụ ni chiều mốt, July.07, mới đáp xuống Huế, và theo í hai ÔnMụ ni thì … Phong Nha, Thiên Đường ai đi thì cứ đi cho biết, tụi ni đi rồi, biết rồi, khỏi tính vô! …

Vậy thì quá tiện. Giờ thì chỉ lo lên khuôn trước tiên cho chuyến đi động Thiên Đường, Quảng Bình. MNguyệt cho hay TĐThái đề nghị lấy xế hộp riêng đưa nhóm đi tham quan động, thì ra anh chàng tưởng nhóm tụi mình chỉ có bốn mạng. Tiện dịp báo luôn cho TĐThái biết là con số dân ham chơi có tới 6 mạng ‚lận‘, cám ơn và cù TĐThái cùng tháp tùng cuộc vui luôn.

Ngày 07 đi động Thiên Đường, Quảng Bình, qua ngày July 08-09 hốt ÔnMụ Khải&Hà cùng đi Túy Vân, Bạch Mã, Hội An – Đà Nẵng luôn thể. Là vửa đẹp!

Xe cộ răng rồi? Ai lo? Xe chi? Có chưa? Chắc chắn không?

Hồi sáng có hỏi hai ba chỗ, chưa thấy ai trả lời …

Coi chừng đọ nghe, hỏi cho kĩ, dạo ni nhằm trúng dịp 8 tháng 3, ngày Quốc tế Phụ nữ, thiên hạ bon chen đi chơi dữ lắm đọ nghe! Phiêu lắm chơ không chơi mô! ‘Cháy’ xe như chơi!

Mà thiệt! Cháy xe thiệt! Gọi hỏi quanh một hồi không có chợt nhớ về Khách sạn ‘nhà’ đang ở, gọi hỏi thử xem, biết đâu!!! Gặp cô bé tiếp tân. May quá

Dạ có. Chú cần xe mấy chỗ?

Đi tất cả bảy người, nhưng kiếm giùm chú xe 12 hoặc 16 chỗ cho rộng rãi.

Dạ. Có xe Mercedes 16 chỗ, đầu vuông (???), đời mới, con sẽ liên lạc lại rồi báo cho chú hay liền. Chú cho họ biết khi mô đi? Với lại đi mô, sớm sớm chú hí, để họ còn giữ xe cho mình. Dạo ni người ta đi chơi nhiều, ‘hút’ xe lắm.

Vậy là khá yên tâm. Dặn cô bé giữ xe cho ngày mốt.

Hình như cả bọn chưa ăn tối, nhưng mấy tô bánh canh và ba cái bánh bèo, lọc, ít ram hồi xế chiều vẫn còn lưng bụng, chả ai đói, chia tay về nghỉ ngơi. TMai và MNguyệt mời tất cả ngày mai ghé Morin ăn điểm tâm.

Trên đường về ghé tiệm tạp hoá mua mấy chai nước khoáng, không quên ‘bốc’ theo vài lon ‘HuDa’. Về Huế có bia HuDa là uống được, nhưng phẩm chất ngày càng xuống không bằng những năm trước, thời hãng mới thành lập. Trong các thứ bia nội địa hiện nay, mình chỉ thấy bia HàNội là đậm đà, uống hợp khẩu vị nhất, nhưng thứ này không phải nơi nào cũng có, chỉ bán ở Hà Nội và một ít vùng chung quanh.

Còn sớm chưa ngủ được, ngồi thẩn thơ ở khách sạn, bỗng điện thoại reo vang. Nghe giọng TĐLộc

Làm chi đó?

Mông mục, ngồi không. Đang ở mô rứa?

Để tau chạy qua rủ mi đi ăn bún bò đêm với tau. Chỗ ni chuyên bán bún từ chạng vạng cho tới khuya. Cực kì ngon.

Xuống đứng chờ trước khách sạn, năm phút sau đã thấy anh Ngọc, người cậu ruột TĐLộc, hai cậu cháu đèo nhau tới. Thì ra quán bún bò ni năm trước đã có lần mấy đứa cháu đã rủ đi ăn rồi, quán hiệu Mỹ Tâm, nằm trên lề đường, ngay góc Trần Cao Vân và Hà Nội. Khá ngon. Đến đứng trước nồi nước bún và một quầy hàng lộ thiên, bày biện đủ loại thịt, khách có thể ngắm, chỉ và chọn thịt cho tô bún mình ưa thích. Không những bún bò, quán còn có bún cua gạch, có đuôi bò, nghe nói có cả ngầu pín, … nhìn quanh, ngoài những thực khách bún bò cũng thấy lác đác một hai bàn khách ngồi nhậu lai rai.

Tập quán ăn uống của dân Huế ngày càng thay đổi, không biết vậy là tốt hay xấu. Thời buổi này thiên hạ đi ăn hàng quà ngoài đường rất nhiều, khác với thuở xưa. Dân Huế nói chung, ít gia đình nào đi ăn nhà hàng, có chăng thì cũng năm thì mười hoạ, thường thì sáng cơm nhà, trưa cơm nhà, tối cơm nhà. Nếu phải gọi hàng ăn sáng hoặc ăn quà chiều (dân Huế kêu là ăn vặt) hoặc quà tối đều gọi nguyên gánh vào để cả nhà cùng ăn chung. Gia đình mình thuộc giới trung lưu nhưng được đi ăn tiệm là một chuyện hiếm hoi, hàng năm những lần được Ba Má đưa đi ăn tiệm đếm trên đầu ngón tay. Vả lại hàng quán cũng không nhiều, chỉ tập trung vài chỗ ở khu cửa Đông ba, đường Phan Bội Châu, Chi Lăng, và cửa Thượng Tứ, và rải rác vài quán bún hoặc quá cháo lòng ở ven đô như ở cửa An Hoà, ở gần đàn Nam Giao, ở dốc Bến Ngự … Không so được với thời nay, đi đâu, nhìn đâu cũng thấy hàng quán tràn ngập.

Ba cậu cháu, mỗi người một tô bún và một lon ‘HuDa’.

Thoả mãn. Về khách sạn lên giường đánh một giấc tới sang.

Thức dậy khá sớm mặc dầu vẫn còn trái giấc không ngủ được nhiều, cơ thể vẫn còn ảnh hưởng ‘jetlag’. Nhìn xuống đường đã thấy có người đi lại.

Buổi sáng của ngày thứ nhì ở Huế!

Nhớ ra hôm qua TMai có rủ đi dạo sông Hương buổi sáng sớm, bốc điện thoại gọi cho TMai. Thì ra O Mai đã ra bờ sông đi dạo từ hồi tinh mơ, đâu chừng lúc 5 giờ. Hẹn TMai ở chân cầu trước Morin. Từ Hàng Me băng qua đường tà tà dọc bờ sông Hương lên Trường Tiền, dãy bờ sông từ con đường Đội Cấn cho đến Nhà Kèn là một vườn hoa khang trang, có lối đi xây bằng xi măng, được giữ gìn khá sạch, rãi rác đây đó tự nhiên nằm chình ình một tượng nghệ thuật bằng xi măng, bằng đá ??? chả biết theo hướng nghệ thuật nào, trường phái gì, nhìn buồn cười trông chẳng giống ai … âu cũng là một cách ‘điệu bộ làm dáng’ của Huế miềng. Ngày chưa lên mà đã thấy vài gánh hàng xén bày bán ven đường, người người đi lại nhộn nhịp. Và thấy khá đông người, trẻ có già có xồn xồn có, đi tập thể dục đâu từ sáng sớm, từng nhóm, từng nhóm kéo nhau đi ngược về. Gần đến chân cầu, qua màn sương sớm, thấy bên kia chân cầu TMai đang loay hoay với máy chụp hình.

À! … Thì ra O Mai lại đang săn hình.

Cùng TMai đi dọc bờ sông ngược lên cầu Mới. Con đường dọc bờ sông từ sau đài Phát thanh ngược dòng đi lên cấm chạy xe, sạch sẽ thông thoáng. Chỉ giữa một quãng ngắn mà đếm được hai ba quán café vĩa hè, chưa tới bảy giờ mà thấy quán nào cũng lác đác khách đứng dậy ra về, dân Huế có tục đi uống café từ sáng sớm. …

Đến khuôn viên của Cercle thì vòng ra Lê Lợi, quay ngược về Morin, TMai bảo … Về cho kịp hẹn ăn sáng, sợ bạn bè đến sẽ không gặp mình

Về Morin vẫn chưa thấy ai đến. Khu ăn sáng được bày ở sân chính, một khuôn viên nằm giữa khách sạn, xưa là sân lớn của ĐH Khoa Học, rộng thoáng có nhiều cây xanh che bóng, yên tĩnh và mát mẻ. Chọn một bàn lớn ngồi đợi, rồi từ từ MNguyệt và TĐLộc và cuối cùng Huỳnh&Cúc lục đục đến. Thức ăn phong phú và ngon miệng. Riêng LCHoằng tự thưởng cho mình một ly espresso dopio, nhâm nhi ly nước đắng và rút tẩu thuốc ra nhồi một vồ. Đây là lần thứ hai được nhấm nháp ly café ngon ở Việt Nam, ly đầu tiên uống ở Hà Nội, tại khách sạn.

Hôm nay là ngày tự do, không có chương trình sinh hoạt chung, ‘ban tổ chức tuyên bố … hồn ai nấy giữ … ‘ và như vậy mỗi người có riêng một ngày cho mình. LCHoằng hỏi

Sáng ni tau đi lên vườn thăm mộ. Lộc định đi mô không? Hay là có rảnh thì đi theo với tau luôn. Còn Mai, Nguyệt làm chi?

TMai sẽ ghé qua nhìn căn nhà cũ và thăm mộ Ba.

Chắc Nguyệt cũng về qua Vỹ Dạ, ghé thăm O của Nguyệt một xíu xong lên chị Bé, nhờ chị chở đi may áo dài cho kịp cái đã.

Ưu tư trăn trở của MNguyệt từ hôm qua, lúc mua xong được mấy thước vải ‘hết í’ nay đã được giải quyết ổn thoả, chị Bé, chủ khách sạn LCHoằng trú ngụ mỗi lần về Huế, người rất dễ thương (nói chung người Huế ai cũng dễ thuơng cả! hì!hì!hì! …), lát nữa sẽ đưa MNguyệt cùng mấy xấp vải đi đo may lấy liền để MNguyệt còn kịp diện chụp hình ngay trong ngày.

Hết sẩy! Vậy là ai đều có việc nấy để lo.

Chạy về gặp O Liên mượn lại chiếc Honda, đèo TĐLộc lên Vạn Niên, … Vạn Niên là Vạn Niên nào! … Khu vườn hương hoả của gia đình nằm dựa lưng vào thành sau lăng Tự Đức nhưng lại hướng mặt về con đường chính Lê Ngô Cát, thành thử trước khi đến lăng thì đã đến vườn. Mảnh đất vườn xưa chứa nhiều kỉ niệm này vốn là nơi sinh trưởng của ông Nội, là nơi lớn lên của các Bác các Chú các O và đấng sinh thành ra mình. Từ những năm cuối thập niên 50 mươi (thiên kỉ trước – dĩ nhiên), tuần nào ông già cũng lái xe đưa cả nhà lên thăm ông Nội, đất đai vùng này sỏi đỏ nhiều hơn đất nên chả có cây ăn trái nào mọc được ra hồn, khu vườn gần một mẫu tây mà chỉ có toàn vả, chè xanh (gậy đội Sóc thiếu đoàn MAT là một gốc chè xanh vườn này) hai gốc nhãn to đùng nhưng ít trái mà trái lại bé tí, hai ba cây dâu cũng thưa trái, một hai cây bần quân và nhiều cau với trầu leo quanh … dẫu vậy nhưng cứ mỗi lần lên vườn là một lần thích thú. Mấy đứa con nít tha hồ vui đùa chạy nhảy leo trèo suốt ngày. Khuôn viên vườn sau là khu nghĩa trang gia đình gồm mấy chục căn mộ.

Thăm mộ xong hai thằng rủ nhau ghé thăm Diệu Trang, hiện nay đã có cháu nội, ngoại đầy đàn. TĐLộc có điện cho DTrang nhưng không ai nhấc máy

Thôi cứ chạy liều tới cho rồi

Tau quên nhà rồi

Tau nhớ sơ sơ. Cứ đi đại, tới đó hỏi dò thêm sau

Nhà DTrang nằm sau Cung An Định, căn nhà xin xắn trong hẻm nhỏ yên tĩnh, dừng xe bấm chuông, thấy một khuôn mặt trẻ ẳm con nhỏ hóng nhìn từ cửa sổ.

Có phải nhà Diệu Trang không?

Dạ phải. Me con vừa mới đi ra chợ. Xíu nữa về liền đó. Mời hai bác vô nhà

Cậu trai trẻ nhanh nhẹn chạy ra mở cổng

Con là chi của me Trang

Dạ, con là rể út

Có chắc me sắp về không? Hay là con gọi cho me đi! Me có điện thoại di động không?

Dạ có! Dạ để con gọi nhắn me về

Chưa tới nửa phút sau, chú rể út chạy từ phòng trong ra

Me đi mà không đem điện thoại theo à nơi!!!

Hai bác nín cười

Rứa thì sắm điện thoại di động mần chi???

TĐLộc và LCHoằng để số điện thoại lại, bảo với chú rể út nhắn lại cho me là có hai bác từ bên Đức ghé về thăm, lát nữa me về thì gọi cho hai bác, xong chào từ giã. Hai thằng đi kiếm quán café ngồi giết thì giờ. Khoảng hơn nửa tiếng sau DTrang gọi nhắn đã về nhà. Lại quay trở lại nhà DTrang. Gặp nhau mừng rỡ, hàn huyên đủ chuyện, thăm hỏi chuyện nhà, chuyện gia đình con cái … đủ thứ chuyện trên đời! Rủ DTrang đi ăn trưa

Ăn mô? Trang ít khi đi ăn ngoài lắm! … (À! thì ra cũng còn giữ nòi dân Huế xưa!!!)

Kiếm chỗ mô cũng được. Ngồi nói chuyện cho vui …

DTrang gọi O con gái út, vừa mới đi làm về, nghỉ giấc trưa, hỏi quán ăn mô ‘ăn được’, giải thích chỉ dẫn quanh co một hồi … Thôi! Để con chạy xe dắt me với hai bác đi cho nhanh cho rồi … Vậy mà cũng chạy vòng vo một hồi lâu mới kiếm ra được quán ăn quen thuộc. Quán bán cơm niêu, nằm ở 38 Nguyễn Lương Bằng, sạch sẽ và ngon miệng, có đủ các món Huế, từ canh thập tàng, cá bống thệ kho khô cho tới thịt luột mắm tôm chua, … đặc biệt có món mực con chiên dòn, lai rai với ‘HuDa’ là tuyệt vời. TĐLộc nhắc nhở

Ê! Mình ghi cái địa chỉ lại, mai mốt rủ nhóm mình tới đây ăn một bữa

Về lại khách sạn định nghỉ một lát, nằm chưa nóng lưng, TMai nhắn rủ đi chùa Châu Lâm. Phóc ngay dậy tản bộ lên Morin. TMai nhắn cù thêm TĐLộc đi cùng. TMai, Thông – một người bạn của TMai ở Huế, TĐLộc và LCHoằng sau khi bàn bạc lại với nhau, phát nguyện một buổi chiều đi thăm chùa. LCHoằng đề nghị ghé Thuyền Lâm trước vì chùa nằm trên đường lên Từ Hiếu. Thuyền Lâm là một chùa nhỏ dọc đường Nam Giao, nằm phía tay phải, quá Từ Đàm một quãng ngắn, xưa nay bị lãng quên, ít ai biết đến. Chùa có chính điện và nhà trai kề bên là hai căn nhà rường cổ còn giữ nét cổ kính và còn được chăm sóc giữ gìn chu đáo, dẫu nằm sát ngay trục đường vẫn mang phong thái trang nghiêm, tĩnh lặng của một ngôi chùa Huế.

Lên xe đi đến Từ Hiếu. Nhắc đến Từ Hiếu là nhắc đến một khung trời kỉ niệm của không biết bao nhiêu dân Huế. Chùa vẫn cổ kính toạ lạc giữa thung lũng bên chân rừng thông, trầm lắng trong không gian tĩnh mịch của thiên nhiên, núi đồi. Hồ sen, cổng Tam quan, đặt bước vào đã thấy lòng thanh thản nhẹ nhàng. Phong thái chùa chiền Huế không dễ đi đâu mà tìm thấy được nét đặc trưng tương tự.

Gọi điện thoại cho MNguyệt, thì ra bác TĐThái đang đưa O ni đi chụp hình.

Hẹn với MNguyệt và TĐThái gặp nhau ở chùa Châu Lâm bởi Thông đang trên đường đưa tụi này đến vãn cảnh Châu Lâm. Theo Thông giới thiệu, chùa vừa mới được xây cất lại. Chánh điện là một toà nhà đồ sộ theo kiến trúc xưa với đá tảng và những cột gỗ lớn, trông rất hùng vĩ nhưng đã đánh mất đi nét cổ kính của Châu Lâm nhỏ nhắn thanh cảnh ngày xưa. Khuôn viên chùa lớn, trồng nhiều cây cảnh. Cả nhóm bốn người được phép đi sâu vào hậu điện, thấy có nhà uống trà, vườn địa lan , vườn phong lan, … chùa không cho mình cái cảm giác thư thái, không hiểu vì sao? …

Không biết nguồn tiền từ đâu mà thấy hiện nay chùa nào cũng trùng tu, đại tu, có chùa cho đập phá hết để xây dựng lại hoàn toàn mới, rất đồ sộ. Chùa chiền ở Huế cũng không tránh khỏi làn sóng này. Không biết làm vậy có nên chăng?

Trời ngã bóng. Rời khỏi Châu Lâm vẫn chưa thấy bóng dáng MNguyệt. Gọi điện thoại cho MNguyệt một lần nữa, hẹn nhau ở quán cơm chay Thiện Tâm do TĐLộc giới thiệu, tay này đặc biệt của ngon vật lạ ở chốn nào cũng biết … Lên một khúc nữa, xa lắm gần lăng Tự Đức lận … thì ra quán nằm ngay trước mặt vườn nhà mình mà xưa nay không hề biết. Quán có nhiều món lạ: bánh bèo, bánh nậm bột gạo lức … nhưng ngon miệng nhất hôm nay là cái duyên ăn nói của TĐThái. Buổi ăn tối cơm chay hôm nay mọi người có một trận cười hể hả, bổ ích gấp vạn lần thức ăn.

Ăn xong mần chi hè? Còn sớm quá mờ!

Đi mần cử café nữa là hợp lí nhứt!

TMai than mệt, Thông đưa TMai về trước. TĐThái chở MNguyệt, TĐLộc và LCHoằng về café Phương Nam ngồi ngắm sông Hương về đêm … thật lâu, và thật lâu sau bỗng một ai lên tiếng

Thôi đi về nghỉ, để sức mai còn đi chơi sớm

 

 

Leave a Reply