Oct 27, 2016 (TM)
Em không biết lâu ngày rồi chị có còn nhớ món ăn ni của Huế không?
Thời tiết Huế mưa mưa nắng nắng , làm em cũng bị lây theo.
Thúy Anh
CÓ MỘT MÓN ĂN RẤT HUẾ NHƯNG ĐÃ BỊ RƠI VÀO QUÊN LÃNG
Lương Thúy Anh
Những ngày Huế sang Thu, trời mát dịu, tôi bỗng nhớ có một món ăn rất Huế, nhưng dường như đã bị quên lãng từ lâu.
Đã có dự định, nên từ hôm qua tôi đã đi chợ Đông ba, mua sẵn các thứ.
Suốt một sáng hôm nay, tôi bắt đầu loay hoay, luộc ½ kg tôm bạc, vớt ra để ráo nước và chờ nguội, nước luộc tôm đừng vội đổ, vì sẽ tận dụng. Tôm nguội, tôi giã nát rồi cho lên bếp chà bông lên, người Huế gọi là tôm chấy, nhưng không chà quá nhuyễn để vẫn có thể nhìn thấy …thấp thóang dáng hình tôm. Đậu xanh đem đãi bỏ vỏ xanh bên ngoài, cho vào nồi nấu nhừ với một lượng nước xâm xấp, sao cho khi chín mềm thì đậu còn đặc hơn chè xanh đánh là được. Đậu vừa chín mềm, để nguội một lát, lại cho dầu vào chảo, khử hành tỏi cho vàng thơm lên rồi cho đậu vào xào, nêm nếm vừa ăn, đảo đều.
Các khỏang linh tinh lâu lắc nhất tạm xong, tiếp theo tôi nướng hai chiếc bánh tráng gạo cho vàng đều. Rồi trải tấm bánh tráng đã nướng chín lên mâm, tôi xếp lên bánh tráng một lớp bánh ướt mua sẵn ở chợ, rải cho kín, trên lớp bánh ướt, tôi chà lên một bề dày độ 0,5 cm, lớp đậu xanh đã xào chín thơm phức, cũng kín mặt bánh, trên lớp đậu xanh, phủ thêm lớp tôm chấy, cũng cho đều lên lớp đậu xanh, trên cùng rải thêm một lớp bánh ướt nữa, và cuối cùng là đặt chiếc bánh tráng nướng thứ hai lên cho kín mí với lớp bánh dưới, và che các thứ vừa trải. Hình thức cuối của bánh là hai lớp bánh tráng gạo ôm ở giữa 2 lớp bánh ướt, giữa hai lớp bánh ướt là một lớp đậu xanh và thêm một lớp tôm chấy.
Đã đến lúc tôi phải dùng …vũ lực rồi đây, một cái búa nho nhỏ, rửa sạch, hay là cái chày vừa mới giã tôm cũng được,( hồi trước tôi thấy các O đi bán món này, thường dùng một viên đá lớn, chắc chắn đã được vệ sinh sạch sẽ), tôi …không thương tiếc đập lên tấm bánh vừa nâng niu xếp các lớp ấy, sao cho hai lớp bánh tráng bể ra, vì đã có lớp bánh ướt ở trong che chở nên các thứ sẽ vẫn giữ được bên nhau, dựa nhau mà vẫn không bị tách rời, vẫn giữ thành một tấm bánh dày và tròn, tuy vỡ ra trên lớp bánh tráng nhưng vẫn liên kết nhau, và tỏa mùi thơm phức của tôm chấy cùng đậu xanh quyện lẫn.
Giai đọan cuối là tận dụng chén nước luộc tôm, hòa vào 2 muỗng canh nước mắm ngon, thêm khỏang 1 muỗng canh đừơng, một chút bột ngọt, nấu lên cho sôi, đợi lúc nước mắm nguội, vắt vào một lát chanh, và một ít ớt tỏi băm nhuyễn, cay đắng thế nào tùy khẩu vị.
Cuối cùng…
Nghiệm thu thôi… bẻ rời tấm bánh ấy ra, bỏ vào chén và chan chút nước chấm ấy vào…thưởng thức.
Tôi chỉ làm theo trí nhớ, bởi không có người cùng đối ẩm nên tôi không thể biết được mình làm có giống ngày trước hay không. Món này chỉ có các Bác, các Cô, các anh chị lớn, hoặc đồng trang lứa tôi thì đã có ăn qua, các em sau này hình như không hề biết đến, ngay cả hình ảnh trên internet cũng không tìm được, chỉ có vài hình tường tự,
Một món ăn rất Huế, rất dễ đi vào…lòng người, nhất là vào những ngày trời Huế mát dịu như hôm nay, nhưng dường như thời gian đã bỏ quên, rất lâu rồi tôi không thấy bán, ngay cả ở những quán chuyên bán bánh Huế cũng không có.
Chẳng lẻ người Huế lại nở để một món ăn như vậy đi vào quên lãng…tuyệt chủng hay sao?
Đó là món “Bánh tráng đập dập”.
Huế, tháng Mười 2016
O Mai:
Ở Huế mình anh nhớ là ” Bánh Đặp” chớ không kêu là ” Bánh Tráng Đặp”
Mấy món ni thì chỉ có mấy bà làm ở nhà cho Mệ Văn ăn thôi!
Như cuốn diếp ( thịt phay ba chi một lát trên mình ẳm 1 em tôm chua do dỏ, nằm trên bún nhỏ, rau muống chẻ, rau thơm và một em khoai lang do dỏ!! Và cuộn tròn bằng bánh tráng mỏng rồi được cắt từng miếng vừa
bằng một lủm: lủm cả con tôm với miếng thịt phay!
Ui chao nó đã làm răng tê!!