Nghệ Thuật Trong Tưởng Niệm 9/11 – Nguyễn Khôi Vũ

Oct 4 2017 (TM)

Tôi đăng vào đây bài photo essay rất cảm động của một người bạn nhiếp ảnh của tôi trong hội Nhiếp Ảnh Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn (VNPS).  Lúc tôi đến đài tưởng niệm 9/11 ba năm trước, các mô hình tả trong bài chưa hoàn tất nhưng tôi đã lặng người khi nhìn xuống hồ nước vô đáy như hút ta xuống vực sâu mà nghe ngàn linh hồn vô tội đang lay lắc ngơ ngác dưới kia.

Tống Mai
(Cám ơn Khôi Vũ đã gởi photo essay này cho chị)

 

 

Nghệ Thuật Trong Tưởng Niệm 9/11
Nguyễn Khôi Vũ

 

Trong tất cả các hình ảnh và nghệ thuật được triển lãm tại Bảo Tàng Viện 9/11, có lẽ In-memoriam Hall gây cho tôi ấn tượng mạnh nhất. Tôi không khỏi cảm thấy được sự hoang mang của các gia đình nạn nhân khi họ đi kiếm tin tức thất lạc của người thân bằng cách dán các tấm hình của nạn nhân tại các trạm xe điện. Tôi tự hỏi mình có nên làm bài luận văn về cuộc khủng bố 9/11 hay không? bởi vì có gì là đẹp hay nghệ thuật khi phải nói về khủng bố và chết chóc. Nhưng tôi cũng đã khám phá ra rằng có rất nhiều nghệ nhân là nhân chứng khi hai tòa nhà cao ốc World Trade Center 1 và 2 sụp đổ. Họ đã bị ám ảnh từ cái chết tập thể của hơn 2,600 người và nỗi ám ảnh đã thúc đẩy họ sáng tạo các nghệ thuật tưởng niệm các nạn nhân. Bài văn bằng hình ảnh của tôi ghi nhận lại các thiết kế kiến trúc và nghệ thuật trong tưởng niệm biến cố xảy ra ngày 11 tháng 9, 2001.

 

In-Memoriam Hall.  Photo: KhoiVu Nguyen

 

Sau biến cố khủng bố ngày 11 tháng 9, dự án tái thiết khu Thương Mại Quốc Tế (World Trade Center) đã được hoạch định song song với công trình dọn dẹp các đống gạch đổ nát. Sự sập đổ của hai tòa nhà World Trade Center (WTC) 1 và 2 đã gây chấn động và làm rạn nứt 5 tòa nhà chung quanh (WTC 3 – WTC 7); cho nên Hội Đồng Thành Phố New York phải quyết định đập đổ luôn 5 tòa nhà này. Vì thế, dự án tái thiết của khu World Trade Center lúc ban đầu gồm có dự án xây lại 7 tòa nhà cao ốc (WTC 1 – WTC 7), Bảo Tàng Viện 9/11, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, Đài Tưởng Niệm 9/11, và một trung tâm giao thông xe điện ngầm (subway). Tổng cộng diện tích của khu WTC là 16 mẫu. Trong dự án ban đầu của kiến trúc tổng thể (master architecture plan), thì diện tích dành cho Đài Kỷ Niệm 9/11 rất nhỏ và là một phần của Bảo Tàng Viện 9/11.

Khi Ủy Ban Xây Dưng WTC mở cuộc đấu thầu về mô hình kiến trúc cho Đài Tưởng Niệm 9/11, thì có hơn 6,000 dự án dự thi xây cất Đài Tưởng Niệm 9/11. Nhưng dự án của kiến trúc sư trẻ gốc Do Thái tên là Michael Arad được chọn. Michael Arad đề nghị dời công trình xây cất hai tòa nhà WTC  1 và WTC 2 và trung tâm biểu diễn nghệ thuật qua bên cạnh để thay vào chỗ cũ là hai hồ nước lớn để bảo tồn biến cố lịch sử của sự sụp đổ hai tòa nhà cao ốc này. Giữa hai hồ nước là một cái hồ nhỏ không nhìn thấy đáy để tượng trưng cho vực thẳm đã cuốn hút gần 2,600 nạn nhân. Nước chảy vào vực thẳm cũng giống như lực ly tâm của trái đất hút hết nạn nhân và hai tòa cao ốc xuống mặt đất thành tro bụi.

Thiết kế kiến trúc của Michael Arad đã phá bỏ hầu hết những điều kiện, yêu cầu và hạn chế của cuộc đấu thầu. Nhưng khi Ủy Ban Xây Dưng WTC chọn thiết kế kiến trúc của Michael Arad , Ủy Ban Xây Dựng WTC phải đổi ý định không tái kiến thiết hai tòa nhà WTC 6 và 7 để lấy 8 mẫu đất dành cho Đài Tưởng Niệm 9/11.

Michael Arad đặt tên cho thiết kế kiến trúc của hai hồ nước là “Thiết Kế Phản Ảnh của Trống Vắng” dựa trên nguyên tắc của thiết kế tối giản (minimalist design). Khi người du khách đến thăm, họ sẽ chỉ thấy hai hồ nước lớn, nhưng sự tương phản của hai hồ nước sâu với các tòa nhà cao ốc chung quanh sẽ giúp người du khách liên tưởng lại được hai hình ảnh của hai tòa Tháp Đôi (Twin Tower) vốn là một biểu tượng cho những tòa nhà chọc trời của thành phố New York.

 

Reflecting Absence Void.  Photo: KhoiVu Nguyen

 

Nước là một biểu tượng của sự sống và sự tuần hoàn của tạo hóa. Cũng giống như World War II Memorial, nước là một thành phần chính trong thiết kế Phản Ảnh của Sự Trống Vắng. Các tia nước nhỏ chảy vào hồ nước là tượng trưng cho các nạn nhân và khi các tia nước này hợp thành một khối nước chảy vào cái hồ vuông nhỏ nhìn không thấy đáy là biểu tượng cho cái chết tập thể của hơn 2,600 người.

 

Element of Life – Biểu tượng sự sống và chết tập thể.  Photo: KhoiVu Nguyen

 

Giống như Bức Tường Đen Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam ở Washington DC, tên của nạn nhân được khắc lên thành của hồ nước. Mỗi ngày một bó hoa được đặt bên cạnh tên của đội Cứu Hỏa thành phố New York để vinh danh sự hy sinh của 343 nhân viên cứu hỏa của thành phố New York khi họ chạy vào hai tòa nhà cao ốc để cứu những người còn kẹt lại trong đó.

 

Daily Ritual (Lễ Truy Niệm Mỗi Ngày).  Photo: KhoiVu Nguyen

 

Kiến trúc sư Michael Arad và Peter Walker thiết kế phong cảnh dựa trên thiết kế bàn tính Abacus của người Trung Hoa. Nếu bạn đứng nhìn công viên từ phía Bắc hay Nam, cây nhìn thứ tự và thẳng lối. Nhưng nhìn từ phía Tây hay phía Đông, cây được bố trí lộn xộn giống như một rừng cây hoang.  Cũng như khái niệm về nước, cây là biểu tượng cho hy vọng, phục hồi, đời sống và xã hội. Thiết kế phong cảnh của Công Viên 9/11 là sự diễn tả sự trật tự của một xã hội tự do dân chủ nhưng cái chết xảy ra một cách ngẫu nhiên.

 

Khái niệm trật tự trong thiết kế phong cảnh của Công Viên Tưởng Niện 9/11.  Photo: KhoiVu Nguyen

 

Công viên 9/11 có tất cả 400 cây Swamp White Oak. Cây này được chọn trồng tại Công Viên Tưởng Niệm vì một đặc điểm: khi trưởng thành, các cây Swamp White Oak sẽ không cao đều nhau và tàng cây cũng sẽ không rộng bằng nhau, giống như xã hội loài người có người cao hay thấp, người mập hay gầy. Vào mùa thu, lá cây Swamp White Oak có mầu vàng hơi khác nhau và không vàng cùng lúc. Cây Swamp White Oak được chọn để biểu tượng sự khác biệt giữa các cá nhân nhưng lại chịu chung một định mệnh.

 

Khái niệm ngẫu nhiên trong thiết kế phong cảnh Công Viên Tưởng Niện 9/11.  Photo: KhoiVu Nguyen

 

Bảo Tàng Viện 9/11 nằm ngầm ngay dưới công viên 9/11 và chiếm 110,000 square feet nhằm bảo tồn dữ kiện lịch sử về biến cố liên quan tới ngày 11 tháng 9 qua các phương thức đa dạng như video, audio, thâu thanh phỏng vấn, triển lãm nghệ thuật, v.v. Các hướng dẫn viên đều do các tình nguyện viên và là các thân nhân của các nạn nhân, người sống sót hay các nhân chứng của biến cố 9/11. Họ kể chuyện người thân của họ đã sống và chết thế nào hôm 9/11/2001. Muốn vào thăm, bạn phải mua vé vào cửa. Vé bán cho từng giờ với mục đích duy trì số người cố định vào xem triển lãm.

 

Du khách xếp hàng vào Bảo Tàng Viện 9/11.  Photo: KhoiVu Nguyen

 

Khi các nhà thầu dọn dẹp gần xong “Ground Zero”, họ tìm thấy một cây cột thép còn sót lại trong đám gạch đổ nát. Thị Trưởng thành phố New York là ông Micheal Bloomberg quyết định giữ cây cột thép cuối cùng này làm di tích lịch sử.

 

The Last Column – Cột Thép Cuối Cùng.  Photo: KhoiVu Nguyen

 

Một trong những mục đích tái thiết khu World Trade Center là để phục hồi nền kinh tế cho vùng này vì có khoảng 55,000 người làm việc trong 7 tòa nhà WTC. Hơn nữa, Ủy Ban Tái Thiết WTC ước lượng sẽ có hàng triệu du khách đến viếng Đài Tưởng Niệm và Bảo Tàng Viện 9/11. Phần lớn các nạn nhân làm việc ở trong hai tòa nhà WTC sống bên kia bờ sông Hudson (New Jersey), và để bảo đảm phương tiện giao thông tốt phục vụ du khách, chính quyền thành phố New York quyết định xây cất một khu trung tâm xe điện ngầm Metro (subway) để đưa người đi làm từ New Jersey đến làm việc tại trung tâm tài chánh WTC hay đưa du khách đến thăm Đài Tưởng Niệm.

 

Thiết kế ngoại thất của khu trung tâm giao thông Occulus.  Photo: KhoiVu Nguyen

 

Thiết kế ngoại thất của khu trung tâm Occulus có hình dáng của con chim Bồ Câu là biểu tượng của Hòa Bình và Tình Thưong. Occulus cũng là một trung tâm mua sắm (shopping mall). Hai hình kế tiếp là Thiết kế nội thất.

 

Buổi sáng giờ cao điểm.  Photo: KhoiVu Nguyen

 

Cảnh mua bán nhộn nhịp tại khu trung tâm mua sắm Occulus.  Photo: KhoiVu Nguyen

 

Khi hai tòa nhà Tháp Đôi (Twin Tower) bị sụp đổ, giấy vụn bay đầy bầu trời xanh. Hai nghệ nhân, Tom Joyce và Spencer Finch đã diển tả cảnh tượng này trong bức hình “No Day Shall Erase You from the Memory of Time”. Mỗi một ô vuông tượng trưng cho một nạn nhân. Màu sắc của các ô vuông là xanh đậm nhạt của bầu trời khi biến cố xảy ra. Cũng giống như lửa đã đươc dùng để nấu chảy thép vụn làm thành các chữ trong câu “No Day Shall Erase You from the Memory of Time”, lửa đã đốt cháy thân xác nạn nhân thanh tro bụi và chuyển hóa họ vào lịch sử. Chúng ta sẽ không bao giờ quên bài học lịch sử ngày 11 tháng 9, và chúng ta sẽ không bao giờ quên họ vì họ là di tích của lịch sử.

 

You are history – Lịch Sử Không Bao Giờ Quên.  Photo: KhoiVu Nguyen

 

Nguyễn Khôi Vũ
(VNPS – Class of 2017 – Photo Essay)

 

14 thoughts on “Nghệ Thuật Trong Tưởng Niệm 9/11 – Nguyễn Khôi Vũ

    1. Mai chỉ đến một lần vì dẫn người bạn lên New York và không dám trở lại ever since .

      Mỗi lần nghe bài Fragile của Sting là nhớ đến 9/11:

      Nếu máu chảy khi thịt da và vũ khí hòa một
      Rồi khô đi trong ánh mặt trời chiều
      Ngày mai mưa sẽ rửa sạch vết nhơ
      Nhưng liệu có rửa được lương tâm

      Nhắc cho ta
      Rằng bạo lực không giải quyết được gì
      Hởi những kẻ sinh ra dưới ngôi sao cuồng nộ
      Xin đừng quên chúng ta rất mong manh

      Mưa tiếp tục rơi
      Như nước mắt của sao trời
      Ôi, nước mắt của sao trời
      Rơi và rơi
      Như nhắn nhủ sự mong manh của con người
      Như nhắn nhủ sự mong manh của con người

      Nothing comes from violence and nothing ever could

      Tống Mai

  1. Hình ảnh “Nước” trong một không gian bao la hiền hòa đang rửa sạch nhũng khổ đau, nhơ bẩn của cuộc đời, dòng chảy bất tận của nước như đang cuốn đi những xấu xa, đen tối của lòng thù hận về nơi không cùng. Tôi thich nhất ảnh The Last Column, một góc nhìn và ánh sáng độc đáo, một chứng tích của sự vô nhân để nhắc nhở đời sau.

    Tất cả sau cùng được phủ bởi màu xanh lục tươi mát và hòa bình.

    Cái nhìn perspective của tác giả rất hay. Cái point de vue tụ điểm vào đúng chủ đề.
    Cám ơn tác giả Khôi Vũ và cám ơn Mai đã post bài này.

    N.H.

  2. Chị Mai dịch bài bài thơ Fragile của Sting hay quá và rất đúng với tâm trạng của Tom Joyce & Spencer Finch trong búc tranh “No Day Shall Erase You from the Memory of Time”.

    Có lẽ năm tới KV sẽ làm một bài luận văn bằng hình dựa trên bài thơ Fragile!

    Cám ơn các độc giả Bà Tám & N.H. đã đọc và khen thưởng bài luận văn này.

    Khoivu

    1. Một bài luận văn bằng hình dựa trên bản nhạc “Fragile” là một ý tưởng lạ và bạo nhưng hay lắm Khôi Vũ. Mới đi vào đề đã thấy khó:

      If blood will flow when flesh and steel are one
      Drying in the color of the evening sun

      Nếu máu chảy khi thịt da và vũ khí hòa một
      Rồi khô đi trong ánh mặt trời chiều

      Những câu sau càng khó hơn vì trừu tượng. Nhưng thực hiện được thì rất ý nghĩa. Bản nhạc như một lời hát ru cho tim mềm.

      chị TốngMai

    2. Ảnh của Khôi Vũ vẫn còn lôi cuốn tôi xem, Có 3 ảnh tôi thích
      – Buổi sáng giờ cao điểm – Một kỷ thuật chụp long exposure rất khá, cộng với khung màu trắng rất mượt mà (khó chụp) tạo cho ảnh rất sống động.
      – Xếp hàng vào Bảo tàng… và Mua săm nhộn nhịp, tác giả có kỷ thuật chụp architecture rất đẹp và nghệ thuật, Xem ảnh làm tôi nhớ lại nhưng maquettes kiến trúc đã làm thời còn trẻ.
      Lần nữa khen Khôi Vũ.
      N.H.

  3. Khi làm bài luận văn này, Khoivu tính làm một bộ hình về khái niệm vì kỳ vọng học được conceptual photography từ thầy Dũng, nhung sau KV chỉ chú trọng về nhiếp ảnh thuần túy mà thôi (giản lược v/d photoshop). Nếu khoivu hiểu đúng về nhiếp ảnh khái niệm thì ý tưởng hay khái niệm là chính chứ không phải là hình ảnh máu chảy thịt rơi. Khoivu rất thích những tấm ảnh về khái niệm tại Hisrshhorn Museum là các bức hình diễn tả tầm ảnh hưởng và các tội ác của các bạo chúa Hitler, Stalin, v.v…

  4. Hello Hai, Rất vui khi Hải vào thăm Khung Cửa Hẹp. Hải sẽ kiếm thấy ở đây nhiều bài vở hay về Cố Đô Huế. Hôm qua vô tình thấy một bài nói về các từ tiếng Huế. Đang tính gọi cho Hải để nhờ Hải chỉ cách nói tiếng Huế vì mình cũng có chut máu hay DNA về Huế.

  5. Hello cháu Khôi Vũ,
    Đề tài rất hay, hình ảnh đẹp, nhiều ý nghĩa và đầy cảm động!
    Cô không thể nào quên được ngày September 11, 2001.
    Hôm ấy cô được off và vặn TV lên để nghe tin tức. Một cảnh tượng khủng khiếp diễn ra! Cô nhìn thấy cảnh lửa ngùn ngụt khắp nơi WTC, những người Cứu Hoả xông vào lửa để cứu người, những người bị kẹt trong đám lửa vô vọng nhảy từ trên cao nhảy xuống với tia hy-vọng mỏng-manh sẽ sống sót…
    Cô không cầm được nước mắt chảy như suối!
    Cảnh quá thảm thương!
    Cảm ơn cháu đã trình bày đề tài nầy rất ý nghĩa.
    Linda

  6. ” Những hình ảnh ghi nhận lại các thiết kế kiến trúc và nghệ thuật trong tưởng niệm biến cố xảy ra ngày 11 tháng 9, 2001.” như Khôi Vũ viết.
    Ở đây , khi xem các bức ảnh mà Khôi Vũ đã nhìn ngắm để chụp , ngoài những hình ảnh với sắc xám của niềm đau , nỗi buồn và sự trang nghiêm còn có nhiều ảnh với không gian thoáng đãng và các màu xanh tươi sáng. Có phải tác giả muốn gửi gấm đến mọi người một niềm hy vọng và sự bình an trong tương lai.
    Cám ơn Khôi Vũ những tấm ảnh nghệ thuật đẹp , làm xúc động người xem.
    Cám ơn Mai đã post đề tài này.

  7. Bài viết cảm động và hình ảnh đẹp quá. Đẹp là nhờ sự chọn lựa góc cạnh. Thích nhất là những hình màu trắng gợi lên sự thanh thoát và trang nghiêm.

    Xin gởi tặng anh Khôi Vũ 5 sao trời !

    TH

    1. Oh, một sao cũng đã rất vui rồi mà còn được tới 5 sao nữa thì quá là vui, cám ơn Tống Hanh.

Leave a Reply