Áo vách núi, áo núi đá, áo núi lam – Tống Mai

Tối qua thắp hương bàn Phật, mặc áo lam vào tôi bỗng nhớ chiếc áo đã ba năm tôi chưa hề đem giặt vì sợ mất đi mùi hương trầm trong đó. Sáng nay, giở lại bài viết năm trước mà bồi hồi. Chiếc áo tôi vẫn quí như ngày nào mới có. Tôi đưa bài viết vào lại đây, cùng với cái màu lam vẫn luôn là một màu khiêm tốn thanh đạm của tâm hồn.

Tống Mai
Aug 22, 2017

 

Con có thể gọi chiếc áo tràng ấy là áo vách núi,
áo núi đá, hoặc áo núi lam

 

Tôi đọc được câu trên của một thiền sư và thương ngay sự mộc mạc, khiêm cung của tên áo nên đem nó đặt tên cho chiếc áo lam của mình, “Áo núi lam”, mà bấy lâu nay tôi vẫn gọi là áo tràng.

Tôi không có thói quen đi chùa mặc dù nơi tôi ở có rất nhiều chùa, có cả chùa của người Huế. Ngôi chùa của tôi nằm ngay trong nhà tôi, nơi tôi thành kính mỗi đêm giữa mùi nhang và hương trầm tôi thích đốt trong nỗi im lặng của căn phòng tôi dùng để thờ Phật.  Biết rằng Phật ở trong tâm chứ không đâu khác, nhưng bóng dáng của những pho tượng trong nhà cho tôi cảm giác bình yên.  Cũng như bất cứ ai, tôi luôn tìm yên ổn, nên tôi thỉnh nhiều tượng Phật về nhà, góc nào, phòng nào cũng có để đi đến đâu tôi cũng chỉ thấy sự hiền lành.

Hôm nay, tôi muốn viết về chiếc áo tràng của mình như một lời tri ân người đã tặng nó cho tôi. Thuở nhỏ,  tôi đã ước ao có được một chiếc áo tràng.  Tôi hay qua chùa Hải Hội bên kia đường đối diện với nhà mình ở Bến Ngự để học bài và chơi với các chú tiểu mỗi chiều sau khi học xong. Thấy các chú tiểu thoải mái an nhiên trong chiếc áo nhật bình của họ, tôi thầm ước mình cũng có được áo giống những người bạn thiếu thời này.  Có cái gì thanh sạch thoát ra từ chiếc áo vải thô màu lam đó. Lớn lên khi bắt đầu đi phật tử ở chùa Từ Đàm, tôi tiếp tục chú ý đến những chiếc áo tu của các tăng ni trong chùa.

Thế nhưng, mãi đến bây giờ tôi mới có được chiếc áo tràng đầu tiên trong đời khi được bạn tôi tặng cho.  Tôi còn nhớ như in những gì bạn tôi kể sau khi tìm được chiếc áo tràng ở một ngôi chùa sư nữ trong một buổi chiều cô quạnh nơi quê nhà.  Vì muốn chú niệm chiếc áo đó cho tôi nên bạn tôi đã xin phép các ni cô được đem áo đến chùa để lễ Phật.  Các ni cô đồng ý và đề nghị bạn tôi đến lúc 7 giờ sáng khi có các đạo hữu khác cùng làm lễ.  Nhưng không, vì không muốn sự đông đảo ồn ào nên bạn tôi xin được đến sớm hơn, ni cô giữ cổng chùa đồng ý cho đến lúc 3 giờ sáng.  Đêm đó, không ngủ để chờ đến đúng giờ như đã hẹn, trời còn tối, những con đường Saigon vốn tấp nập xe cộ ban ngày đã vắng đi, thành phố chìm trong giấc ngủ im lặng, bạn tôi đi bộ đến chùa, lúc đến nơi thì đồng hồ đúng 3 giờ sáng, ni sư trụ trì ra đón và xin lỗi sẽ không tiếp được vì các ni sư đang làm lễ trong chánh điện, ni sư lại hẹn đến 5 giờ.  Vậy là bạn tôi ra về, đợi đến 5 giờ sáng khi trở lại thì sung sướng vô cùng vì có được riêng cho mình cả một điện Phật mênh mông trang nghiêm không một bóng người. Đó đây, những đóa sen tươi còn mới vừa được dâng lên cúng Phật, tỏa mùi thơm nhẹ quyện với hương trầm.  Một mình với chiếc áo tràng quỳ trước đấng Từ Bi,  bạn tôi gõ ba tiếng chuông rồi tụng kinh niệm cầu cho người mang chiếc áo tràng này sẽ được che chở trong từ bi cho đến cuối đời.

Tôi xúc động vô cùng khi nghe kể lại, câu chuyện sau đó tôi thỉnh thoảng xin nghe một lần nữa để nhắc cho mình biết quí những khoảnh khắc yên tĩnh mỗi khi mặc áo đó, để biết đây là khoảnh khắc mà thời gian không chạm đến được,  phiền muộn không chen vào, là lúc dừng lại để đón nhận sự yên tĩnh. Chiếc áo hơi rộng và dài đến quét đất đối với tôi, nhưng tôi hân hoan đến ứa nước mắt khi nhận nó, cảm tưởng như nhận được một cái gì thiêng liêng. Mà đúng thật, đó không phải là một cái gì thiêng liêng hay sao,  một cái gì thanh thoát ngát hương trầm bao bọc hiền hòa hay sao, kèm theo tình thương dịu hiền bao dung đã nuôi dưỡng tôi bấy lâu nay.  Món quà đơn sơ, nhưng lòng tôi nguyện một tâm mình luôn trải rộng như tâm hồn trải rộng của bạn mình.

Những chi tiết đó tôi đã giữ như giữ một phần linh hồn mình. Nhưng tôi có giữ được lâu đâu.  Chuyến về thăm nhà mấy tháng trước, trong một buổi hội thảo ở Sài Gòn với một người bạn về vở kịch mà cô ấy đang thai nghén (đây là một trong những nhà đạo diễn kịch nghệ của Việt Nam), tôi đã tiết lộ chi tiết lịch sử chiếc áo tràng của mình khi nghe trong vở kịch có bóng dáng tu hành.  Cô đã mừng rỡ bắt ngay lấy chi tiết đó và xin được lồng nó vào vở kịch của cô, một vở kịch về niềm tin và sự sắc son của tình yêu phỏng theo một truyện ngắn trong cuốn “Chuyện Trò” của Cao Huy Thuần.  Thoạt đầu, tôi miễn cưỡng vì đó là một phần rất riêng tư của mình mà tôi không muốn chia sẻ, nhưng khi các bạn khác xôn xao xin tôi cho phép dùng những chi tiết đó thì tôi xiêu lòng, họ dễ thương quá, làm sao tôi nỡ từ chối.

Thế nhưng, có một điều tôi bỏ sót không nói với các bạn mình là chiếc áo tràng có tên là “áo núi lam”.  Chuyện bắt đầu khi còn nhỏ, tôi thường dậy sớm những ngày cuối tuần theo cha tôi đạp xe đạp lên núi Ngự Bình lúc trời chưa sáng để các chị em tôi có thể chạy nhảy tự do hay la hét tùy thích.  Tôi hay quan sát rặng núi trước mặt mình, núi phủ toàn cây xanh, hầu hết là cây tùng, nhưng có một khoảng núi trơ ra sườn đá màu lam, phẳng và êm dịu.  Tôi thích nhìn khoảng đá ấy và trong tâm trí của một đứa trẻ luôn khao khát tình thương của cha mẹ, màu đá lam đã nối kết với hình ảnh hiền hòa của cha tôi nuôi tình thương gắn bó ngày càng sâu đậm êm đềm qua những lần đạp xe lên núi.  Nhưng rồi, cái êm đềm ấy không lâu dài khi cha tôi bị thuyên chuyển vào một thành phố xa nhà và bắt đầu bận rộn với công việc. Những ngày cuối tuần về thăm,  cha tôi chỉ có đủ thì giờ để giải quyết những việc nhà mà mẹ tôi không lo được.  Thiếu thốn tình gần gũi đó của cha, tôi quay ra tìm tình bạn bên ngoài gia đình. Nhưng thuở đó tôi chỉ biết loanh quanh với các chú tiểu bên chùa trước mặt nhà.  Tôi bắt đầu nối kết màu lam của vách đá núi với màu áo của các chú tiểu, rồi đâm ra thương những chiếc áo đó.  Thế nên khi được tặng chiếc áo lam đầu tiên, tôi liên tưởng đến màu núi thuở nào, đến tình thương tôi thiếu thốn ở cha tôi, người đã qua đời rất sớm khi tôi vẫn còn đi học, đến màu áo của các chú tiểu,  và kỳ diệu thay, khi tình cờ đọc được câu chuyện của người thiền sư đặt tên cho chiếc áo tràng màu lam là “áo núi lam”, tôi lặng người xúc động.

Người thiền sư đó kể trong một giấc mơ của ông, ông cùng Bụt và một chú tiểu nhỏ leo lên một hòn núi giống núi Linh Thứu, nhưng không phải núi Thứu vì ở đó, ngoài những vách đá màu lam, còn có những vách đá màu nâu. Người thiền sư kể có một lúc khi Bụt dừng lại ở bên một dòng suối, chú tiểu nhỏ hỏi Bụt tại sao gọi chiếc áo nâu mà các thầy và sư cô thường mặc là áo tràng, chú nói chú cũng thương cái màu nâu đạm bạc ấy lắm. “Nhưng tại sao mình lại gọi chiếc áo nâu đó là áo tràng? Áo tràng là áo gì, bạch Đức Thế Tôn?”  Bụt nhìn đứa bé với một cái nhìn dễ thương, Ngài nói: “Con có thể gọi chiếc áo tràng ấy là áo vách núi, áo núi đá, hoặc áo núi lam”.

Thức dậy, người thiền sư ghi lại câu nói đó của Bụt.

Đến đây, tôi xin gởi nguyên đoản văn còn lại về chiếc áo tràng. Người thiền sư và giấc mơ gặp Bụt của mình là Thầy Thích Nhất Hạnh đó thôi,  và cậu bé được nhắc đến trong giấc mơ của Thầy là “một chú tiểu mặc áo nhật bình màu lam, nghĩa là màu khói hương hay khói sương. Đó là màu núi đá trên núi Linh Thứu. Màu lam này không hẳn là màu xanh. Nó chỉ là màu khói sương, nó là màu áo nhật bình mà cũng là màu áo Gia đình Phật tử. Nó cũng đại diện cho sự thanh khiết nhẹ nhàng của khói hương, sương lam, và hùng khí của núi rừng. Núi Lam là vùng đất thiêng nơi vị anh hùng áo vải Lê Lợi chuẩn bị cuộc đánh đuổi quân Minh xâm lược. “Vầng ô lên, sương tan mờ trong mây núi”. Cho nên màu lam cũng là mầu của hùng lực. Chiếc áo tràng màu nâu mà các vị xuất gia Việt Nam đã sử dụng từ hai ngàn năm nay cũng đại diện cho nếp sống lành mạnh và đạm bạc của người dân quê Việt Nam. Dân quê Việt Nam ưa mặc màu nâu.

Màu nâu thầm lặng đơn sơ và có nhiều hùng lực. Cho nên thầy đã từng nói với Bé Hải Triều Âm [chú tiểu nhỏ trong giấc mơ của thiền sư] cũng như với các vị xuất gia trẻ đệ tử của thầy nên giữ lấy màu nâu ấy của truyền thống Phật giáo Việt Nam, và chỉ nên đắp y vàng trong những lễ truyền giới và tụng giới….Thầy tính đề nghị với các con là từ nay, mình gọi áo nhật bình màu lam là áo núi lam, và gọi chiếc áo tràng màu nâu là áo vách núi.  Dù chưa phải là người xuất gia, các con cũng có thể sử dụng hai màu áo ấy. Cái cách chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm, tu tập trong niềm vui, và chế tác tình huynh đệ hàng ngày đủ để làm cho mọi người trong xã hội nhận ra được chúng ta là ai.”

Đó là câu chuyện người thiền sư với các đệ tử của mình.

Còn tôi, khi mở chiếc áo núi lam của mình ra, tôi thấy trên cổ áo có giòng chữ: Áo xưa dù nhàu
Và từ đó tôi quí chiếc áo như quí niềm tin có một sự hiền lành nào đó sẽ che chở tôi cho đến cuối đời.

Tống Mai
Virginia,  Nov 7, 2014
Viết cho bàn tay hiền từ đã đặt lên đầu tôi.

 

17 thoughts on “Áo vách núi, áo núi đá, áo núi lam – Tống Mai

  1. Mai ơi, vậy là Mai đã viết xong, Áo Vách Núi.
    “Món quà đơn sơ, nhưng lòng tôi nguyện một tâm mình luôn trải rộng như tâm hồn trải rộng của bạn mình.”

    Mai, Th cám ơn Mai , Th cũng đã đọc xong hết, vui mừng nhãy múa nhẹ nhàng trong Th, Chiếc áo Tràng , không ai có, Th cám ơn Mai lắm lắm, mình yên tịnh, Th .

  2. Chà! Lâu lâu được nghe Mai bật mí thổ lộ những nỗi niềm dấu kín xưa nay không là chuyện dễ đâu nha.
    Cám ơn Mai, bài viết dễ thương.

    Nhưng mà sư Ông đề nghị:
    ….Thầy tính đề nghị với các con là từ nay, mình gọi áo nhật bình màu lam là áo núi lam, và gọi chiếc áo tràng màu nâu là áo vách núi.

    Mà Mai lại dám làm ngược lại, đặt tên cho áo tràng là áo núi lam, biểu một đường làm một nẽo, thế nào cũng bị sư Ông cho ăn đòn

  3. Nhóm Huế nói chung Viễn-Cẩm nói riêng cũng phải cám ơn TMai nhiều, thật nhiều vì : nhờ có TMai gia-nhập nhóm Huế như sinh-động hẳn lên, nhóm như có “nàng tiên” thổi vào sức sống mới… và từ đó nhóm có những đoản văn đọc thật hay, rất xuất thần…như bài “Núi áo Lam” hôm nay chẳng hạn. TMai không phải chỉ nhà văn nữ viết rất hay của nhóm Huế không thôi, mà nếu TM mạnh dạn viết và gởi bài đăng báo, 100% sẽ trở hành nữ văn-sĩ nổi tiếng của văn đàng người Việt ở hải-ngoại 1 cách dể dàng trong tầm tay TM …

  4. Tùy bút được Mai viết với những lời dịu dàng như con người của Mai , không phải ngẫu nhiên mà Mai viết , Mai đã chọn một ngày đặc biệt đối với Mai để san sẽ niềm hân hoan, sự yên bình thanh thoát của tâm hồn mà Mai đã có được mỗi khi Mai nghĩ đến chiếc áo núi lam.
    Chắc là sáng nay khi thức dậy Mai đã pha một bình trà xanh , đốt hương trầm , rồi ngồi tĩnh tâm để cho tâm tư mình yên lắng với niềm an nhiên tự tại của ngày hôm nay.
    Mai quên nhắc đến chiếc vòng hạt bồ đề đeo tay Mai đã không rời từ dạo được chú niệm,hẳn là Mai luôn cảm thấy yên bình khi nhìn thấy nó nơi cổ tay mình.
    Thân thương ,
    MN.

  5. Chị Mai “áo núi lam” của chị, Trọng đọc sao có lúc vui lúc buồn. Hình như có bát nhã đâu đây.

    1. Trọng ơi
      “Hình như có bát nhã đâu đây “thì chị hiểu Trọng muốn nói gì, nhung chị chờ để được nghe nơi nào trong “Áo núi lam” đã gợi buồn vui.
      chị Tống Mai

  6. Mình là người ngoại nhưng cũng xin mạn phép TỐNG MAI cho mình có đôi lời về bài tùy bút của bạn.
    Đại phàm việc gì trên cỏi ta bà này đều có Duyên Khởi của nó.Hôm nay đang mùa Vu Lan và được đọc bài ÁO NÚI LAM ~ ÁO VÁCH NÚI của T.Mai cũng có duyên khởi của nó.
    Lần đầu tiên mới nghe từ ÁO NÚI LAM = ÁO VÁCH NÚI để chỉ cho chiếc áo tràng của các Phật tử. Một sự liên tưởng ví von tưởng như mơ hồ nhưng lại rất thực tại.
    Cái thực tại đó đi từ thời thơ ấu của T.M khi đạp xe lên núi Ngự Bình thấy màu lam xám của một phần sườn đá núi không cây và rồi kết bạn thơ ấu với các chú tiểu chùa Hải Hội để rồi từ đó khắc ghi màu lam xám trong ký ức. Cũng do sự chuyển tiếp của duyên T.M đã được bạn tặng chiếc áo tràng màu lam với sự trì chú đầy công đức của bạn và các Ni Sư với lời cầu chúc gia hộ
    an lạc suốt đời.
    Một điều rất lạ mà T.M đã đọc được lời thuyết pháp của Bồ Tát sống Thiền Sư Nhất Hạnh dạy các đệ tử gọi áo tràng là Áo Núi Lam hay Áo Vách Núi trùng hợp với ký ức về màu lam xám thời thơ ấu ở Bến Ngự quê nhà. Một sự duyên trùng duyên khởi trùng khởi đã chứng minh cho triết lý Duyên Khởi của Phật Giáo là hiện thực và minh chứng hiện thực hơn là T.M đã từ đó mới có bài tùy bút ÁO NÚI LAM. Một bài viết như mộng mà lại thực. Thật ra mộng là thực trong lúc ngủ còn thực là thực trong lúc thức cả hai đều là thực nhưng xãy ra ở hai trạng thái khác nhau của con người.
    Chỉ những ai có TÂM TỊNH mới thấy điều trong mộng sẽ xãy ra ở thực tại y như vậy.
    Qua đây mình xin có ngu ý phát sinh từ ÁO NÚI LAM = ÁO VÁCH NÚI qua lời dạy của Thiền Sư Nhất Hạnh mời các bạn TTNH đọc lúc trà dư tửu hậu như để” mua vui cũng được một vài trống canh”
    + Áo tràng màu lam dành cho các Phật tử khi lễ bái trước Tam Bảo. Như T.M đã nói màu lam là màu tượng trưng cho sương khói và mây mù mà các Phật tử đang còn vô minh bị mây mù sương khói che lấp nên khoát lên mình màu áo lam như để nhắc nhở phải thường xuyên tu tập tinh tấn để kiến tánh tức là kiến PHẬT. Màu lam còn nhắc nhở sự thanh thoát nhẹ như mây khói mà lại đại hùng đại lưc như hào khí Lam Sơn. Một sự ví để dạy đệ tử của Thiền Sư Nhất Hạnh thật là sâu sắc nhưng rất dễ hiễu còn hơn giáo cụ trực quan trong dạy học. Nên mình tự kính Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là Bồ Tát đang hiện thân để hoằng hóa chúng sanh.
    + Áo nâu sòng dành cho các Sư mặc sau khi đã xuất gia một thời gian tùy theo Đại Lực Từ Bi của Sư đó. Nghĩa là sau khi xuất gia và được lên tước vị Chú tức là các vị đó đã vén được bức màn vô minh của mình để hàng ngày tu tập mà kiến tánh thành Phật. Khi khoát được áo nâu sòng là lúc vừng thái dương hé lộ bắt đầu xua tan màu lam của sương khói mây mù đã từ lâu che vách núi đá để lộ nguyên màu nâu của vách đá. Đó chính là thiền ý của Thầy Nhất Hạnh tại sao đặt tên áo nâu sòng là ÁO VÁCH NÚI. Như vậy thấy núi không phải núi thấy nước không phải nước chỉ là do màn vô minh và khi đã vén hết màn vô minh thì thấy núi là núi và nước là nước.
    Để kết cho vài lời dông dài này mình xin trích ý dịch từ di chúc của nhà khoa học cận đại EINSTEIN để lại cho con gái sau khi qua đời:
    Tất cả những điều bí ẩn trong vũ trụ này mà khoa học chưa giải thích được và có thể không bao giờ giải thích được thì sau này chỉ có KHOA HỌC TÔN GIÁO sẽ giải thích được đó là PHẬT GIÁO.
    Như vậy PHẬT GIÁO là một KHOA HỌC trong môn KHOA HỌC TÔN GIÁO mà cha đẻ của nền khoa học vi lượng tử hiện nay đã phải thừa nhận

    1. Chiếc áo mặc mỗi tối khi thắp hương để nghe hiền hòa và che chở thương yêu bao phủ lên mình. Đó là hạnh phúc, là nỗi yên ổn, một nơi nương tựa để trở về sau một ngày.

      Cám ơn anh Tài những lời ý nhị chân thật từ bên kia bờ đại dương.
      Tống Mai

  7. Sáng nay thức dậy, xuống phòng Phật thắp hương, phòng ngập ánh trăng, choàng chiếc áo núi lam vào, tôi biết màu lam hiền hòa đã giữ tâm hồn tôi sáng tỏ và tất cả những gì thanh khiết tôi vin vào đã giữ sức sống và sự bình yên cho mình.

  8. Đọc Áo Núi Lam chợt liên tưởng một câu nhạc đã lâu của Phạm Duy :

    “… Chiều ơi, áo chàm về quẩy lúa trên vai – in hình vào sườn núi chơi vơi, ơi chiều . . . ” (Nương Chiều)

    Bài viết diụ dàng, tha thướt . . . của hình tượng thiếu nữ Huế

    Hoàng Xuân Sơn,
    Canada

  9. Ủa. vậy hồi quay phim Đất Khổ có Mai nữa à? Hồi nớ nhớ có TiTi đi chung với Vĩnh Thuý, có Lưu Nguyễn Đạt lái xe chạy vòng vòng. Cả một thời hoa niên thơ mộng. Chừ thì tra hết cả rồi. Mai viết hay lắm.

    Thân mến,
    HXS

    1. Không đâu, Mai xem phim sau đó chứ có được xem khi hai anh Sơn đóng đâu.
      Cám ơn anh đọc các bài viết của Mai.

      Dạ, ai cũng “tra” hết rồi :

      Le coq est mort, Le coq est mort
      Le coq est mort, Le coq est mort
      Il ne dira plus “Cocodi, cocoda !”
      Il ne dira plus “Cocodi, cocoda !”

      Le coq est mort, Le coq est mort
      Le coq est mort, Le coq est mort
      Il ne dira plus “Cocodi, cocoda !”
      Il ne dira plus “Cocodi, cocoda !”

      “Cocodi-codi-codi-coda !”
      “Cocodi-codi-codi-coda !”

      Mai

  10. Chiếc áo tràng nâu

    Trích từ Nẻo Về Của Ý (1962-1966)

    Mấy hôm nay mưa lớn quá. Nguyên Hưng. Căn nhà gỗ Pomona của tôi bị dột, mưa giọt xuống ướt cả mấy cuốn sách để trên bàn. Tôi phải dời cái bàn đi mấy lần mới tìm ra được một chỗ bảo đảm. Tối hôm qua một đám thanh niên chừng hai chục người từ trại Rangers đã tới thăm Pomona để nghe tôi nói chuyện về đạo Phật. Trong thời gian lưu trú tại đây, tôi làm guest speaker cho cả trại mà. Nói cho nhóm này nghe rồi đến nhóm khác, về đủ các thứ chuyện. Tôi đã nói cho tất cả là tám nhóm rồi kể cả một nhóm cherrokees nhỏ xíu. Nhóm Rangers là nhóm lớn. Họ mang tới mỗi người một ôm củi dể đót trong lò sưởi lều Pomona của tôi. Trời hơi lạnh thành đốt như thế vừa ấm lại vừa vui. Họ ngồi quây quần quanh lò sưởi nghe tôi nói chuyện. Lúc đó tôi mặc chiếc áo nhật bình mầu khói hương, cho nên tôi bắt đầu nói về chiếc áo nhật bình để cho họ biết đây là chiếc áo đặc biệt của những chú tiểu Việt Nam chứ không phải là quốc phục Việt Nam như vài người đã lầm tưởng. “Đáng lẽ thì tôi mặc chiếc áo tràng mầu nâu kia kìa”, tôi vừa nói vừa chỉ chiếc áo treo ở góc phòng, “nhưng vì muốn có cảm giác trẻ con nên tôi ưa mặc áo nhật bình”. Thế rồi tôi đứng dậy mặc chiếc áo tràng vào và giải thích cho họ biết ý nghĩa của mầu nâu. Màu của khiêm nhượng của trầm lặng và của ý hướng đồng sự với người dân quê. Nhân tiện tôi cũng khoác chiếc y màu vàng lên và giải thích cho họ biết thế nào là giải thoát phục và trong những trường hợp nào thì cần phải mang y. Và do đó tôi nói đến sự khác biệt của hai truyền thống Nam Tông và Bắc Tông của đạo Phật và một vài khởi điểm của nhận thức đạo Phật. Rồi tôi chỉ cho họ biết một ít điểm dị đồng căn bản giữa đạo Phật và Cơ đốc giáo là tôn giáo mà họ đang theo. Thường thường những buổi nói chuyện như thế được họ theo dõi một cách rất chăm chú và khi tôi kết thúc buổi nói chuyện, họ đặt rất nhiều câu hỏi. Nếu chỉ cho họ hỏi mãi có lẽ họ sẽ hỏi cho đến hết ngày. Những điều họ tò mò muốn biết thì vô cùng mà thời gian dành cho những câu hỏi thì có hạn. Họ hỏi nhiều câu như: tại sao mái chùa lại cong lên như vậy? Tại sao lại ăn chay? Ông Thầy tu đạo Phật cưới vợ được không? đạo Phật nghĩ về đức Jésus như thế nào? những câu hỏi như thế tuôn ra bất tuyệt. Hồi hôm, để chấm dứt, tôi bảo họ im lặng để tôi đọc cho họ nghe một bài kinh. Tôi đọc bài “vô biên phiền não đoạn”. Khi họ ra về thì đã mười một giờ. Tôi cho thêm ít củi vào lò sưởi, và còn lại một mình tôi ngồi nhìn ngọn lửa bốc cháy.

    Trời vẫn còn mưa tầm tã. Chắc Saigon cũng đang mưa. Thanh Tuệ từ Đại Hà vừa viết thư cho biết rằng Phương Bối mưa suốt mấy tuần nay, mái nhà Thượng trên đồi đã bị gió thổi bay mất một mãnh lớn. Không biết Tuệ có chịu vào chữa lại hay không, hay là lại để cho gió tốc cả cái nhà Thượng đi mất. Chiếc nhà Thượng cao chót vót trên đỉnh đồi chính mà chúng ta đã mất bao nhiêu công trình mới làm nên được. Chiếc nhà ấy đẹp nhất trong những ngôi nhà rải rác ở các núi đồi Phương Bối, có phải không Nguyên Hưng. Hai mái thật cao như hai bàn tay người Phật tử chắp lại kiểu hiệp chưởng khi chào nhau. Chính trong ngôi nhà Thượng ấy chúng ta đã sống những giờ thật vui vẻ và thanh tịnh. Những giờ học tập, hội thảo, đàm đạo, uống trà và cả nghe âm nhạc nữa. Bữa khánh thành ngôi nhà, tôi còn nhớ, chúng ta đã nấu xôi và chè đậu xanh đãi vỏ ăn mừng. Nhà Thượng được làm theo kiểu nhà sàn, và chúng ta đã ngồi bệt xuống sàn nhà theo kiểu người Nhật và khi đau chân quá thì đổi ra kiểu người Miên.

    Tôi ngồi ở Pomona trong một đêm mưa mà cứ tưởng là ngồi ở Phương Bối một đêm mà cả Tuệ, cả Lý, cả Nguyên Hưng, cả thầy Thanh Từ và cả dì Tâm Huệ nữa đều vắng mặt. Có lúc tôi mỉm cười yên lặng một mình. Quả thực mỗi người trong chúng ta đều thuộc về Phương Bối, như Nguyên Hưng đã nói cho tôi xem là Nguyên Hưng có nhớ Phương Bối không nào?

Leave a Reply