Đường Trần Hưng Đạo, Huế … Tìm Dấu Chân Xưa – Lương Thúy Anh

Sept 28, 2017 (TM)

Chị ơi, em gởi chị Trần Hưng Đạo.
Thúy Anh

 

Đường Trần Hưng Đạo…Tìm Dấu Chân Xưa
Lương Thúy Anh

 

Xuống hết dốc cầu Gia Hội, tôi bước chậm trên con phố không hề xa lạ với tôi, và tất cả người Huế.
Là đường chính của thành phố nhỏ, Trần Hưng Đạo muôn thuở vẫn sầm uất từ bao nhiêu năm nay.

Tôi thong thả ghé lại bên lề đường. Chị bán hàng rong ngồi mấp mé trên hè phố, nửa bên ngoài lề, nửa như muốn núp trong hiên nhà. Thấy tôi tần ngần, chị mời mua quà, nhưng tôi lắc đầu, bảo rằng tôi đang tìm một người bạn cũ…

Chỉ là một cách nói thôi, chứ tôi biết căn nhà này, chủ đã đi xa lắm, rất nhiều năm tôi chưa gặp lại, đó là tiệm ảnh La Cảnh Lưu. Bạn của tôi là con trai chủ tiệm, tuy không học chung lớp nhưng quen nhau và cùng một khóa ở Sư Phạm Huế.

Từ trong kí ức, những căn nhà, những hàng phố trên con đường này vẫn còn ẩn hiện trong tôi, thỉnh thoảng lại như một khúc phim dĩ vãng nhẹ nhàng thả từng đoạn quay quay…

Bên cạnh La Cảnh Lưu là hàng vàng Kim Hưng. Nơi này chừ là một gian hàng bán dụng cụ y tế nhỏ.
Tiệm bánh ngọt nổi tiếng Bảo Thạnh vẫn duy trì vị trí này từ ấy đến chừ, nhưng ngày xưa Bảo Thạnh là một cửa hàng bán vải khá lớn. Sau này mới chuyển qua kinh doanh bánh kẹo.

Nhích qua một chút, Lê Viết Long, tiệm đồng hồ chừ, có thể là vị trí hàng vàng Vĩnh Hòa hồi trước.

Mãi nhìn quanh để cố gắng định vị trí của những căn nhà cũ, tôi đi quá một đoạn.

Mà ở khúc vừa qua ấy, tôi nhớ có các cửa hàng sách nổi tiếng như Gia Long, Văn Minh, Tân Hoa…

Ông chủ Tân Hoa là chú ruột của Mạ tôi, nên tôi gọi là Ông Chú, và ngày nhỏ cũng ghé vào chơi nhiều lần. Tôi vẫn còn nhớ những bìa nhạc rất xưa của ông bày bán trên các kệ tủ, nhạc in bìa dày và bên ngoài có hình ca sĩ, nhạc sĩ hoặc hình minh họa cho nội dung bài hát bên trong.

Cửa hàng Đồng Dụng, Nam Hưng, vẫn còn y chỗ chỗ cũ, bảng hiệu cũng không thay đổi, và luôn cả mặt hàng buôn bán trước. Đâu đây là Vương Quốc, một cửa tiệm của người Hoa, có cô em nhỏ xinh xinh, da trắng như cái tên rất lạ của em: Vệ Tú Phấn.

Như quanh đây, tôi mường tượng hai tiệm Ưng Ký, Vĩnh Ký. Vĩnh Ký là một hàng vàng, nhưng còn Ưng Ký, tôi thật sự không nhớ được mặt hàng buôn bán nào.

Rồi này là Tân An, Phát Tường, Lê Viết Luyến, hàng thuốc Cẩm lệ của bà Cửu Ới…

Rạp xi nê Tân Tân, thời gian sau này đổi tên thành rạp Đông Ba , và rồi cũng chỉ là mặt bằng cho các sạp hàng buôn bán linh tinh. Tôi vẫn còn nhớ các anh chị em gia đình này có tên những quốc gia, như là anh Nhật, anh Việt, và các cô em cũng vậy, nhưng tôi không thể nhớ hết được.

Có một phòng bán vé máy bay Air Việt Nam, nằm trong khoảng vị trí này, và một cửa hàng mang tên Rồng Vàng, nhưng thật tiếc, thật khó để thể xác định vị trí. Và có thể nhà may Tân Việt cũng là khoảng này.

Nơi đây, có thể là văn phòng của bến xe An Lợi, xe chạy tuyến Huế, Đà Nẵng và ngược lại. Những chiếc Traction, thường sơn màu đen tuyền, trần thấp.

Gần một chút nhưng tôi không thể xác định là bên trái hay bên phải hãng xe, là khách sạn Toàn Lợi. Khách sạn nhỏ nhưng hồi đó Huế còn ít khách sạn nên cũng coi như là một vị trí kinh doanh khá thuận lợi.

Thành Tín, kinh doanh đồng hồ, có hai người chị là Kim Anh và Kim Ân, tôi nhớ hồi trước chị học trường tiểu học Lê Lợi, tôi thường lên xe nhà trường về cùng một chuyến với chị.

Tiệm uốn tóc Mỹ Dung, cửa hàng Ái Hoa. Ái Hoa xưa là một nhà sách khá lớn, và ngày trước còn là một cơ sở in ấn đơn giản. Tôi vẫn còn liên lạc với người con gái út Ngọc Diệu của chủ nhà hiện đang ở tại Huế, căn nhà này.

Và mang máng khoảng này như là Phúc sinh, rồi nhà may Liên, bạn tôi , Kim Phụng là con gái của chủ tiệm may.

Kề cận chỗ này, tôi cố gắng nhớ tên một tiệm bánh kẹo thì phải, nhưng không thể, chỉ còn hình dung nét mặt một người bạn cũ thời tiểu học, là Hồng Lệ Liên, và chị Hồng Lệ Châu, cũng là một gia đình người gốc Hoa.

Căn nhà của gia đình Võ văn Phước, một thời nổi tiếng, và một lần đã bị cháy. Chừ nhà vẫn còn đứng vững nhưng gần như không sửa sang chi, thỉnh thoảng ngang qua tôi vẫn thấy trước cửa nhà có 2 sạp hàng bán các thứ giày thể thao, áo mưa…Hình như họ là con cháu chi đó của chủ nhà cũ.

Dường như có một ngân hàng bên cạnh nơi này.

Và tôi nhớ Mạ tôi kể rằng hồi trước tại vị trí này là Nhà thương Mu Ji, hay là nhà hộ sinh thì chính xác hơn. Mu Ji là tên của ông bác sĩ người Pháp, tôi chỉ gọi theo cách phiên âm của Mạ, chứ nguyên tiếng Pháp thì không thể biết rõ hơn để ghi lại.

Bước qua hết bề ngang con hẽm dẫn vào khu nhà ven bờ hồ, gọi là bờ hồ vì hẽm này sẽ đi thông qua dãy nhà phía sau đường Ngã Giữa, nằm ven hồ quanh Đại Nội.

Nơi này ngày xưa có tiệm Đồng Hiên, Vạn Ích, tôi đến đây nhiều lần cùng với Dì Út của tôi, nhà có Dì Hoa là bạn của Dì tôi.

Vị trí của Nhà sách Phú Xuân chừ đây, theo lời Ba tôi ngày xưa là Nha Thông Tin Trung Việt, sau đó, thời chính phủ Ngô Đình Diệm đổi lại là Ty Thông Tin Thừa Thiên.

Một khoảng thời gian dài, một phần trong khuôn viên là cơ sở kinh doanh của tiệm kính mắt Trường Tiền, có lẽ vì nằm ngay dốc cầu Trường Tiền nên chủ nhân đã đặt tên luôn cho dễ nhớ.

Luôn tiện tôi đi quá lên một đoạn nữa, tôi muốn tìm xưởng vẽ Phi Long, cách gọi hồi trước chứ không gọi là phòng họa. Nơi đây có người bạn nhờ tôi tìm giúp chị Phi Phụng, là con gái của họa sĩ Phi Long, nhưng nhà đã thay đổi, tôi không thể biết chừ chị ấy nơi mô?

Một nhà thuốc Tây cũng gần đâu đây. Có thể là tiệm Ngọc Diệp mà tôi đã nhầm ở đường Ngã Giữa.

Tiệm ảnh Tuyết Anh, vẫn cổ kính cũ kĩ, hình thức bên ngoài gần như không hề thay đổi. Và căn nhà gần đó là tiệm chụp ảnh Lê Quang, đôi ba lần tôi đã ghé vào, để chụp hình căn cước, và một người bạn cũ của tôi là con gái của tiệm ảnh này.

Có lẽ, đường Trần Hưng Đạo là nơi có nhều nhà sách nhất, hồi còn đi học, nhà sách Ưng Hạ ở đây là nơi tôi đến khá thường xuyên vì sách giáo khoa nơi này rất phong phú, thêm nữa, những tập truyện thời thơ ấu cũng luôn là lựa chọn thú vị mỗi lần ghé qua.

Và còn đây nữa, là tiệm bánh kẹo Phước Hưng này của gia đình người Hoa.

Bưu điện Trần Hưng Đạo chừ, hồi trước tôi nhớ là cửa hàng lớn gọi là Quân Tiếp Vụ, của quân đội cũ. Tôi thích đến đây tìm mua những hộp bánh, mứt, chè …đóng hộp dành riêng cho quân đội, mà tôi hay gọi là B3, B2… chừ đã đi vào miền kí ức lãng quên, chỉ nhớ rằng những món ăn vặt ấy rất ngon, và tiện lợi cho chúng tôi, những học sinh cấp 1, cấp 2, lúc trường tổ chức cắm trại hay đi du ngoạn.

Đoạn trên của con đường này hồi trước gọi là đường Trình Minh Thế, đứng nơi này nhìn lên, tôi không thể nhớ đến một hình ảnh nào nữa cả.

Chiều đang dần lấn qua hoàng hôn…

Băng qua đường, tôi đi thẳng đến Co-Op Mart, con đường vòng sau lưng siêu thị, là Chương Dương, bến đổ hàng của chợ Đông Ba.

Siêu thị xây lên đã làm mất dấu hoàn toàn gian căn nhà ngang của quán cơm Xã Hội, và bến xe Lambro cũng đã bị dấu mặt mất tên.

Đâu đây, tôi không còn hình dung được tiệm cà phê Lạc Sơn, cà phê Asia nữa rồi, chỉ áng chừng chừng khoảng này thôi, nhưng dường như mùi thơm cà phê dạo ấy vẫn còn mãi dư hương, tiềm ẩn trong khứu giác, mà thỉnh thoảng trên đường về nhà, tôi đã ngang qua.

Đường Trần Hưng Đạo ngày xưa nhỏ thua chừ rất nhiều, và là con đường không có dải ngăn cách, bây giờ đường mở rộng, hai làn xe ngược nhau có dải phân cách rõ ràng, có nghĩa là ngày cũ chợ Đông Ba tràn ra phía bên trái đường, tính từ cầu Gia Hội lên khá nhiều.

Nhưng trong tôi vẫn còn hình dung dãy Kiosque nằm rãi rác bên ngoài chợ, bán nhiều mặt hàng khác nhau.

Phố đã lên đèn, cảnh nhộn nhịp trong chợ, và rộn ràng người đi kẻ lại trong bến xe buýt ngày xưa đã không thể giúp tôi định vị được quán cà phê Phấn hồi trước.

Đường về nhà cũ của tôi không còn xa, trong trí nhớ, tôi vẫn còn thấp thoáng những màu sắc ánh đèn ngày xưa của phố cũ Trần Hưng Đạo.

Bỗng dưng tôi muốn dừng hẳn lại bên đường, thoáng trầm tư, nhủ thầm… những thước phim cũ kĩ ngày xưa sao mà mong manh quá, mong manh có khác chi sợi dây tơ trong câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu, để rồi e ngại rằng là…

“Bước đi sẽ đứt,
động hờ sẽ tiêu”

Lương Thúy Anh
Huế – 28 tháng 9, 2017

 

9 thoughts on “Đường Trần Hưng Đạo, Huế … Tìm Dấu Chân Xưa – Lương Thúy Anh

  1. Bài viết dễ thương và chi tiết. Em tôi giỏi quá, nhớ phố rất rõ. Chị chỉ biết rạp cine và nhà sách bên đó.

    chị Mai
    ps. Chị ước có ai viết về Bến Ngự của chị, hay vùng Nam Giao, Từ Đàm lắm.
    Hồi chị ở đó, chị chỉ biết một và nhà, hàng quán chung quanh, nhất là chỉ biết chùa trước mặt và chùa sau lưng nhà, chùa trên dốc, chùa dưới dốc. Bến Ngự, Từ Đàm, Nam Giao là đất của chùa chiền, hàng chục ngôi chùa nên chị được thức dậy sáng sớm trong tiếng chuông chùa. Chị mang theo có chừng đó qua đây. Bên này thì nhà thờ lại khắp nơi chung quanh nhà, ngay sau vườn nhà là một chapel nên chúa nhật có chuông nhà thờ nghe như tiếng chuông chùa hồi xưa cũng đở nhớ.

    chị Tống Mai

  2. Cám ơn chị Thúy Anh cho Trọng trở về tìm lại một chút kỷ niệm xa xưa. Con đường này Trọng có 1 người bạn thân Thuần ở thuốc Cẩm lệ của bà Cửu Ới. Bạn học, bạn tù và bây chừ mỗi đứa một phương trời.

  3. Về những người bạn đồng niên, (cũng là đồng môn SP) Tăng Bảo Thiều, Tăng Bảo Nguyệt là con gái của ông bà chủ nhà sách Tân Hoa, cửa hàng Ái Hoa là nhà của Hiền Cẩm (SP Anh) hiền thê của Sanh (SP Toán), anh trai của Cẩm là Bác sĩ Ái, nỗi tiếng một thời là “hot boy” của trường Y. Tiệm ảnh Lê Quang có 2 nhà, nhà gốc là nhà của Lê Quang Khanh (YK), anh họ Khanh là thầy Trương Quang Phú, GS Anh văn, phu quân của Hằng, em gái Dũng Silk. Anh trai Khanh là thầy Minh, giáo sư Lý Hóa, chị gái Khanh là chị Thanh, cũng đi dạy và 2 em gái Khanh là Thủy, và Phương Anh hình như cũng học Sư phạm. Nhà ảnh thứ 2 là của ba Lê Quang Sơn, cùng học Dự bị Khoa học khóa 1970 (hình như sau này đi du học Nhật). Nhà Thành Tín có anh Tín, học Luật bị tật ở chân (hình như dùng chân giả), vui tính và (mình không biết có nhớ chính xác không) hát rất hay. Nhà Võ Văn Phước có bạn Sơn cùng lứa tụi mình (70-74), nhưng Sơn bỏ học sớm. Ngân hàng lúc mới khai trương phải điều các cô từ Đà nẵng ra, mặc đồng phục áo dài xanh như tiếp viên hàng không và áo dài hồng, cô nào cũng như người mẫu. Phòng vẽ cạnh nhà Lê Quang (cũ) hình như có tên là Hoàng Hoa. Nhưng mình nhớ nhiều hơn cả là tiệm uốn tóc Mỹ Dung vì có em Vân học Kiểu Mẫu với mình. (hihi). Ngồi cố lôi những ký ức ra mới thấy mình đã bắt đầu vào tuổi nhớ nhớ quên quên rồi. …

  4. Dạ, chị Mai, em cám ơn chị. Dạ em cũng cám ơn anh Trọng, anh Đặng Ngọc Thanh Hải, đã ghé qua đọc và nhắc thêm.

  5. Còn một sân tennis kế bên cầu Trường Tiền sau Mậu Thân trở thành Chợ Trời kế bên quán cơm xã hội sau lưng bến xe An Lợi nữa phải không?
    Xa Huế lâu quá ký ức nhạt nhòa nay bật xuất hiện mồn một trong tôi. Cám ơn tác giả đã cung cấp nhiều thông tin,nhiều ký niệm về Huế một thời.

  6. Năm 2015, cách đây 15 năm , sau khi đọc cuốn Hồi ký của tui về Xóm Thượng Tứ : “Thượng Tứ Ngày Xưa – Nhớ Nhớ Quên Quên” xuất bản tại Hoa Kỳ thì tui nhận được một tờ thư kèm theo tấm check 100 dollars. Thư vả tiền là của bác sĩ Châu Lâm Sơn ( bạn thân của em tôi), hiện đang hành nghề ở Orlando- Florida. Châu Lâm Sơn có đề nghị tui viết thêm về 2 con đường : Trần Hưng Đạo và Gia Long ̣ ( Ngã Giữa rồì Phan Bội Châu hiện nay là Phan Đăng Lưu) nhưng tui chịu bó tay đầu hàng vì mình biết chi mà viết. Lại thêm 60, 70 năm qua rồi , trí nhớ nhạt nhòa, và những ngưỡi ở đó mà mình biết thĩ̀ chừ đã lưu lạc khắp bốn phương trời và hầu hết đã về bên kia thế giới. Nay được đọc một vài nét khắc họa của Lương Thùy Anh , tuy không đầy đủ nhưng cũng làm cho những ” người Huế cũ ” bâng khuâng. Cám ơn LTA. Tui sẽ chuyển cho BS Châu Lâm Sơn với lời nhắn :” Đường Trần Hưng Đạo đây nì “.
    Quế Chi Hồ Đăng Định Renton -USA

  7. Dạ, em chào anh Định, em cám ơn anh. Em viết dựa vào trí nhớ nhưng còn rất nhiều thiếu sót, do em cũng quên khá nhiều. Và theo thứ tự các căn nhà, cửa hàng em cũng đã ghi lại rất lộn xộn không theo thứ tự. Kính chúc anh luôn có những ngày an vui.

Leave a Reply