Gánh Bún Bò Của Mạ Tôi và Gạo Gie An Cựu – Lương Thúy Anh

Jan 11, 2019 (TM)

GÁNH BÚN BÒ CỦA MẠ TÔI

Cuộc đời của mạ tôi, là quanh năm, là suốt tháng, gắn liền với gánh bún bò Huế, đó cũng là gánh bún bò mà ngày xưa mạ đã nuôi anh em tôi khôn lớn thành người.

Cứ như thế, ngày từng ngày…

Đêm qua chưa trọn, ngày chưa vội sáng, mạ đã lục đục thức dậy, lui cui một mình trong căn bếp nhỏ.

Công việc đầu tiên của mạ là thổi bùng bếp củi của nhà để đun nồi nước dùng.

Trước tiên là mạ cho thịt bò bắp, những khoanh thịt bắp bò, tròn căng, chạy viền quanh mấy đường gân trắng, dồn chung với giò heo đã chặt thành từng miếng vừa phải, đủ để múc cho một tô bún, móng heo thì chẻ đôi vào một nồi nước, luộc sơ qua rồi xả bỏ nước ấy. Sau đó cho lại tất cả vào một nồi nước khác để hầm, mạ tôi nói phải hầm lâu thịt mới mềm nên nửa đêm, trời chưa hửng, mạ đã phải dậy làm cho kịp, và mạ không quên thả vào nồi thịt hầm một bó sả cây đã trẩy hết lá, đập dập từng nhánh và cột chặt lại với nhau, trong lúc ninh thịt, mùi sả sẽ bám vào, và tỏa thơm quyện vào nồi nước bún.

Trong lúc chờ thịt mềm thì mạ tôi nhặt và cắt rau hành cho vào một cái rỗ nhỏ, hành tươi cắt hạt lựu, hành tây cắt lát mỏng, dậy mùi thơm nồng cả nhà, những trái chanh mạ cũng cắt nhỏ từng miếng, mạ nói để khi ra bán khách kêu là có ngay, khỏi lủng túng. Rồi làm ớt tương, cắt ớt trái từng khoanh cho vào một chiếc chai có miệng rộng, đựng nước mắm ngon, có thêm một chiếc muỗng nhựa cán dài, lấy từ các lon sữa bột đã dùng xong.

Khi thịt trong nồi đã mềm, mạ vớt các khoanh thịt bắp bò ra, cắt từng lát, rồi thả lại vào nồi, nêm gia vị cho thật vừa miệng, nước ruốc đánh tan, để lắng cặn là điều chưa bao giờ tôi thấy mạ quên cả, mạ nói đó là gia vị rất quan trọng của nồi nước bún, thiếu nước ruốc, bún sẽ không đậm đà. Rồi làm ớt màu đổ lên trên mặt nồi bún, cất bớt một ít nước màu ấy để dành, khi nồi bún bán vơi, sẽ châm thêm sau. Sau cùng, mạ cắt thêm mấy miếng huyết bò đã được nấu chín, thả chung vào nồi.

Thỉnh thỏang, tôi thức giấc sớm, cũng cùng xuống bếp phụ mạ làm vài công việc lặt vặt cần thiết cho nồi bún của mạ.

Tôi thường phụ mạ bất kì việc gì có thể, hoặc là rán tóp mỡ, mạ tôi mua mở heo về, cắt nhỏ hình vuông, biểu tôi cho lên bếp rán để lấy mỡ nước dùng làm nước màu cho nồi bún, mà hồi đó chỉ dùng tòan bếp đun củi, khói cay xè, tôi vừa đảo mỡ, vừa lo tránh né mỡ văng trúng mắt và tránh cả khói củi có khi cứ đổ ùn ùn lên mặt. Hay có khi tôi cũng cắt rau hành, sắp đặt các thứ gia vị vào chai lọ ngăn nắp cho mạ…

Khi các việc đã hoàn thành, mạ tôi quạt một bếp than rồi đặt nồi nước bún lên, để ủ nóng. Mạ đặt đôi gióng ngay ngắn, cho vào một đầu là nồi bún có bếp than, một đầu còn lại là bún tươi, đã có người làm bún mang hàng đến tận nhà theo giờ quy định, các thứ gia vị, rau hành, ớt trái còn nguyên, muỗng, đũa, tô chén, ly tách, ấm nước trà cho khách uống sau khi ăn…

Cuối cùng, mạ choàng chiếc áo dài ra ngoài chiếc áo cụt mặc ở nhà, kê vai vào chiếc đòn gánh và gánh bún ra khỏi nhà, trời cũng vừa lúc sáng hực, kịp cho các khách hàng ăn sáng để đi làm, đi học…Mạ tôi thường gánh đến một vị trí cố định để ngồi đó, bán quanh năm cho những khách hàng quen thuộc.

Cứ như thế, ngày lại ngày, năm liền năm…bất kể trời Huế ngày nắng đổ lửa hay buổi mưa tầm tả, lúc gió mùa rét lạnh căm căm, Mạ đã nuôi anh em tôi lớn lên từ gánh bún bò ngày ngày tháng tháng ấy, cho anh em tôi được thành nhân.

Nhưng tôi chưa kịp thành công thì mạ đã rực rảy, vội vả bỏ anh em tôi ra đi vĩnh viễn, năm ấy khi tôi chưa học xong đại học, và ba tôi cũng đã bỏ mạ con tôi mà đi, chưa đầy một năm trước đó.

Chừ, năm tháng chồng chất, tóc xanh ngày cũ đã nhuốm sương đời, tôi vẫn hàng ngày ăn bún bò của nhiều gánh bún khác nhau, nhưng chưa có một lần nào tìm lại được hương vị rất riêng của tô bún bò ngày xưa mạ nấu, không phải là các gánh bún bây giờ nấu không ngon, mà chỉ là tôi cảm nhận thiếu một mùi hương của mạ, và thiếu cả câu nói tôi đã thuộc nằm lòng, vô cùng thân quen của mạ mình, mỗi sáng sớm trước khi mạ gánh bún ra khỏi nhà…

“Mạ để dành bún trong cụi, chút nữa hâm lại cho nóng mà ăn rồi đi học nghe con …”

 

GẠO GIE AN CỰU

Mạ tôi kể rằng…

Mở mắt chào đời, tôi đã được bú dòng sữa thơm tho mùi hương của hạt gạo Gie An Cựu, chắt lọc tinh chất từ các bữa cơm hàng ngày của mạ.

Lên chừng năm bảy tháng tuổi, mạ sàng sảy gạo ấy, đem rang khô rồi xay mịn thành bột, khuấy chén hồ cho tôi ăn dặm. Ngậm muỗng bột nấu từ hạt gạo Gie, tôi chỉ biết nuốt ực ực chứ chưa hề cảm nhận mùi vị gì.

Lớn hơn một tí, mạ nấu cơm gạo Gie thật nhão, rồi chan canh đút cho tôi ăn từng bữa, tôi nuốt lốn từng muỗng cơm gạo Gie nấu mềm nhừ.

Mạ nuôi tôi lớn từng ngày qua bao năm tháng từ hạt lúa gạo của quê hương mình.

Lớn thêm chút nữa, khi mỗi bữa cơm tôi đã có thể tự xúc từng muỗng cơm, nhai nuốt ngỏn nghoẽn, rứa là mạ nhìn tôi cười cười âu yếm : “Giỏai hè, cơm gạo Gie ngon hí, ăn nhiều cho mau lớn để mạ còn nhờ, rồi còn gả chồng nữa nghe chưa.”

Tôi ngu ngơ chưa hiểu được ý của mạ, chỉ biết ngồi ăn cơm và cũng chưa cảm nhận cơm gạo Gie có ngon hay không nữa.

Gạo Gie, người Huế hay gọi là gạo De, trồng trên cánh đồng An Cựu, bên dòng sông Lợi Nông, người Huế vẫn quen gọi là sông An Cựu.

Rồi mạ kể thêm rằng, có một thời, mỗi lần ngang qua cánh đồng lúa gạo Gie ấy, mùa lúa trổ đòng, hương thơm tỏa ngào ngạt, Huế lúc ấy dân cư, nhà cửa còn thưa thớt nên không khí rất trong lành, người Huế có cảm giác như cả thành phố nhỏ được ướp mùi thơm đồng nội của quê mình, khi mỗi ngày đi qua cánh đồng rạt rào lúa đơm bông.

Gạo Gie được trồng trên cánh đồng quê hương, không hề xa với trung tâm phố Huế, thiên nhiên như xích lại thật gần với người Huế hơn.

Gạo Gie là một đặc sản của Huế, và còn được coi như một sản vật quý. Ban đầu gạo được gieo trồng chính là dâng lên Vua, hạt gạo không những có hương thơm dịu, mà còn ngon cơm, mạ tôi nói rằng là hạt gạo có dáng thon nhỏ, hạt thuôn dài và trắng tinh, nấu xong nồi cơm, nhìn màu của thành phẩm, và mùi thơm bốc lên quyện theo làn khói nóng hổi, nồi cơm lại đặt bên dĩa cá nục chuối kho khô nữa mới…ác chơ, rứa là đã thấy bụng đói cồn cào, đôi khi chỉ cần thêm một chén nước mắm ruốc của Huế, rắc ớt bột hạt lớn hay xé vô một trái ớt cay xé lưỡi nữa thôi, đủ để nồi cơm nấu từ hạt gạo Gie hết sạch sành sanh nhanh chóng, không còn cả một chút cháy cạo sàn sạt ở đáy nồi.

Tôi lớn lên dần từng ngày, đồng hành với quê hương già cỗi theo năm tháng, thế nhưng thật tiếc vô cùng khi chừ đây, tôi chỉ còn cố gắng hình dung, để có thể nhớ lại một chút gì, bởi vì cánh đồng lúa gạo Gie An Cựu ấy đã vĩnh viễn đi vào thiên thu, mùi thơm đồng nội bay vào quá khứ, chỉ còn là những hình ảnh mù mờ, ghi lại chập chờn trong kí ức của một số người lớn tuổi, và một số tấm ảnh chụp từ những ngày đã xa.

Đôi khi tình cờ ngang qua khu vực cánh đồng lúa gạo cũ xưa ấy, tôi mơ màng hình dung, rồi cũng cố gắng hít lấy vài hơi, tưởng tượng rằng hương thơm của gạo Gie An Cựu như vẫn còn đâu đây…phảng phất… phảng phất…

 

Leave a Reply