Chuyện kể 30 năm trước – Hàn Lan Anh

Tiếng còi tàu uể oải vang rền trong đêm tối,  bâng quơ nhìn qua song cửa, sắp đến giờ tôi  phải ra đi. Tay ôm con, tay xách một túi nhỏ áo quần, chúng tôi băng qua ngã chùa Bảo Quốc để đến ga Huế  đón chuyến tàu hỏa đi vào Sài Gòn. Sân ga đầy người và hàng hoá, không gian lấp lánh sao và thoảng vài cơn gió nhẹ, những cây bàng cao đứng im bóng trên nền trời. Cái nhốn nháo, hỗn loạn nầy khác hẳn những ngày tôi còn nhỏ, mùa Hè tôi cũng đến đây đưa đón bạn bè, ngày đó thật đúng như Tế Hanh đã nói: “ Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt / Lòng buồn chua xót nổi chia xa.”  Chia ly nhuốm màu lãng mạng chứ không phải của một người Mẹ cô đơn bồng con trốn chạy như tôi vào một đêm Hè 1979.

Chiều hôm qua, tôi đạp xe qua nhà cũ  để giã từ Mẹ và các em. Mẹ tôi ôm cháu vào lòng chảy nuớc mắt vì bà biết rằng chuyến đi nhiều rủi hơn may và có thể là vĩnh biệt.  Câu chuyện bắt đầu đã lâu, từ những ngày sau năm 1975, khi tự do và nhân bản không còn là cốt lõi thì ai cũng muốn ra đi để mong tạo dựng một tuơng lai tuơi sáng hơn. Hai lần vuợt biên ở Huế đều thất bại, lần thứ hai công an tìm ra manh mối liên quan đến nhà tôi vì vậy anh phải trốn trước vào Sài Gòn. Tuần qua tôi nhận được tin nhắn là vào Nam để cùng vượt thoát.

Hồi còi cuối cùng rúc lên, mọi người vội vã lên tàu, hai mẹ con tôi tìm được một chỗ bên khung cửa sổ. Tiếng bánh sắt lăn đều trên đường, nhìn qua những xóm nhỏ đang chạy thụt lùi, nhà thờ Phú Cam đứng trơ trọi im vắng. Cố Đô ơi, xin giã biệt . Con tàu nhịp đều bỏ dần thành phố Huế lại đằng sau. Thành phố khép kín của một thời thơ dại, những giấc mơ thanh xuân, những ước vọng tuổi trẻ….Những con đường  sớm tối đi về, từ tiểu học, qua trung học rồi lên đại học cũng quanh quẩn chừng đó, thật gần mà cũng thật nhỏ.  Hình ảnh xa xưa chợt quay về trong ký ức thật nhanh.

Trường Công Giáo Mai Khôi là nơi tôi đã trãi qua những năm tháng vô tư của tuổi nhi đồng, ngày hai buổi băng qua cây cầu Gia Hội, bước qua rạp ciné Châu Tinh là đến trường. Trường được giáo dục bởi những bà Xơ dịu dàng nhưng đôi lúc lạnh lùng đến khắc nghiệt.  Nơi đây để lại trong tôi nhiều kỷ niệm vê` những ngày lể Noel huy hoàng mà cả trường náo nức chuẩn bị từ những ngày cuối tháng 11 với máng cỏ có Chúa Hài đồng và treo đèn kết hoa khắp tất cả các lớp, những buổi lể rữa tội của những người muốn  theo đạo Công giáo mà những cô gái được ăn mặc đẹp đẻ như những cô dâu mới với khăn voan đội trên đầu, những lần mặc aó quần tề chỉnh xếp hàng  đón Cha Ngô đình Thục đến thăm trường. Trường cũng có chế độ nội trú cho những học sinh ở các vùng xa, mỗi buổi chiều , vào giờ ra chơi nhìn các bạn nội trú xếp hàng vào phòng ăn  để ăn buổi xế mà các học sinh ngoại trú như tôi đứng nhịn thèm. Trường cũng có các chị chuẩn tu mặc áo trắng, đó là những cô gái hiền lành, đứng đắn, sớm bỏ quên những niềm vui tuổi xuân, mong dâng hiến đời mình cho Thiên chúa, chiều chiều các chị đạp xe trở lại tu viện Kim Long.

Từ giã  ngôi trường nhỏ, với những sân chơi tráng xi măng đầy nắng lóa, tôi bước vào trường Đồng Khánh rông lớn với những tàng cây phượng tỏa đầy bóng mát, những thảm cỏ xanh chạy dọc theo hai dãy lầu. Tôi như một con chim nhỏ đắm mình trong một đàn thiên nga trắng, nhìn các chị lớn tóc thề xõa ngang vai, áo dài thướt tha với dáng đi dịu dàng. Tôi  thấy mình còn quá trẻ con, tâm hồn trong sáng như những trang vở học trò. Tôi bở ngở hội nhập vào trường trung học con gái nổi tiếng nhất miền Trung.

Những năm trung học  trôi nhanh với thời gian, tuổi học trò cũng là tuổi làm bạn với sách báo. Tôi đã say mê từ báo Tuổi hoa qua báo Tuổi ngọc, chờ mong từng ngày để theo dỏi trang thơ văn Búp bê của nhà văn Duyên Anh trên nhật báo Ngôn Luận. Rồi cũng từ trang thơ nầy, tôi làm quen với một người bạn mà tôi có một kỷ niêm khó quên. Một buổi chiều nhạt nắng tôi đang ngồi ê a tụng cuốn Vạn vật cho kỳ thi Tú tài I sắp đến thì có một người lạ đến hỏi  đây có phải là đúng địa chỉ 46 P.B.C. để tìm thăm người bạn nhỏ. Tôi nhìn lên mà á khẩu, trời ơi, “ Búp Bê ” S. Hát, người mà tôi thường trao đổi thư từ qua mục thơ văn, là một ông lính đen như củ súng. Tôi run rẩy, ú ớ và rồi xổ ra một tràng tiếng Huế mà tôi nghĩ một người miền Nam lần đầu viếng đất Thần – kinh không tài nào hiểu nỗi. Bạn ơi, giá dầu bạn là người bạn nhỏ, thì có lẻ tình bạn của chúng ta sẻ còn mãi. Vài tháng sau tôi nhận được một bài thơ mà đã bao nhiêu năm qua, tôi còn nhớ 2 câu cuối: “ Không một lần đã nói. Gió bên thềm thổi mãi ”. Tôi đã để gió thổi đi một tình bạn ngây thơ của tuổi học trò. Cái gì đã ngăn tôi lại, phải chăng đó là lể giáo của xứ Huế, xứ chỉ có một giòng sông và vài ngôi lăng tẩm, nhưng tinh thần còn cổ lệ vào nếp hoàng kim xa xăm.

Những kỳ thi Tú tài với lối học từ chương, miệt mài theo sách vở đã lấy đi những rung động đầu đời của tuổi 16, 17. Những lúc mà cảm nhận “hình như là tình yêu”, như từ những đôi mắt lặng nhìn không nói, những vòng xe đạp qua lại trước nhà thì cũng xin gác lại để chăm chỉ học, học thi, học gạo với bao niềm lo âu sợ hãi, chỉ có thi đỗ vào Đại học mới rông đường bay nhảy hay tiến thân về sau. Năm tháng qua đi, tôi lớn dần rời trường để vào Đại học.

Đường Lê Lợi hôm qua vẫn một màu xanh của lá, khi sắp sửa rời xa thì lại thấy nó rất đẹp. Một bên là con nước trong của giòng Hương Giang, bên kia là những ngôi nhà  lớn,  đại học Luật khoa, trường Quốc Học, Đồng Khánh, Thư viện, đến gần cầu Trường Tiền là đại học Văn khoa, Sư phạm. Đứng về phía vườn bông trông sang, nhìn lên lầu 2, khung cửa trường xưa, tôi ước chi, mình có thể len lỏi vào những hành lang, những giảng đường, để chào hỏi những ngày tháng cũ, tìm lại những tiếng cười hoa niên mà mình đã có với bạn bè, những đêm chong đèn thức trắng, những hò hẹn đầu tiên.

Đạp xe qua cầu Trường Tiền trời đang lộng gió, ánh nắng phản chiếu từ mặt nước có màu vàng hổ phách của ráng chiều, giòng nước vào những ngày tháng 7 trong vắt, đôi chổ thấy được những đàn cá lượn và vài giải cát trắng hiền hòa phẳng lặng,  những áng mây chiều theo nhau trôi bồng bềnh lơ lững về phía thôn Vỹ Dạ. Ngày mai tôi sẻ ra đi, bỗng chốc chợt nhận ra là mình đang cố thu hết hình ảnh của Huế một lần vào lòng . Con phố Phan Bội Châu thân thuộc, những ngỏ ngách thân quen làm mình thương cảm thêm. Tôi đã một lần rời xa nó, lệ tràn mi, bước đi theo lời Mẹ dặn “Tay bưng dĩa muối chấm gừng. Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau” theo ngưòi thương về vùng Bến Ngự làm quen với khung cảnh tịch mịch, im vắng của một khu vườn nhà có nhiều cây cối. Cây Ngọc lan, cây Ngâu trước ngỏ. Bụi chuối và những cây mãn cầu sau hè. Giếng nước bên hông nhà. Tất cả đều yên ắn, làm những đêm thức giấc, tôi sợ tiếng xào xạc của gió vờn cây, sợ cái bóng đêm quanh vườn. Tôi nhớ tiếng xe chạy, tiếng rao của những hàng quà bánh và ánh sáng lấp lánh suốt cả con đường phố. Tôi nhận biết tiếng mưa rơi trên tàu lá chuối rất lạ so với tiếng mưa đều trên mái ngói, hạt mưa im lìm trên những lối đi đầy cỏ, tiếng mưa cô đơn u hoài như một  tiếng thở dài.

Nhịp con tàu càng lúc càng nhanh, bao lần tôi đã nghĩ đến chuyện rời Huế ra đi. Sau Tú tài 2 , tâm hồn tôi náo nức, một nổi thúc dục lên đường, tôi muốn từ giã xứ Huế trầm mặc, tôi mơ  đến Đà lạt sương mù với học viện Chính trị kinh doanh hay một Sài Gòn sôi động. Nhưng rồi mộng ước có người đạt được, riêng tôi đành bỏ lại đằng sau, hửng hờ ôm Huế cho hết những năm đại học. Tốt nghiệp ra trường với  nhiệm sở tại cao nguyên Lâm Đồng  Đà lạt. Ôi, địa danh Đà lạt vẫn khêu gợi trong tôi những cảm xúc êm ái, rộn rã mơ hồ,lòng muốn ra đi tạo dựng sự nghiệp cho chính mình nhưng rồi bổn phận và trách nhiệm, Huế vẫn giữ chân tôi lại một lần nữa.

Hôm nay đây tôi thật sự ra đi, tôi trốn chạy cùng đứa con thơ, tương lai sẻ đi về đâu. Bây giờ chẳng biết làm gì để trấn an cho chính mình, chỉ biết nhìn con đang tựa vào lòng mình ngủ ngon, nét mặt bình an. Đêm xuống đã lâu, bên ngoài làng mạc đang chìm sâu trong cái yên tĩnh cuả một đêm đầy sao. Bóng tối đày đặc chung quanh. Con tàu vẫn thản nhiên lướt mình về phía Nam.

One thought on “Chuyện kể 30 năm trước – Hàn Lan Anh

  1. From: Tong Mai
    Dec 26, 2014

    Chị Lan Anh ơi, hay quá, bài viết dịu dàng hiền lành. Thì ra thật sự có những tâm hồn bỏ lại Huế không nguôi. Có những bước chân ra đi còn bị níu lại bởi sợi dây quê hương. Em không có được sự nặng lòng này ngay sau khi rời khỏi Huế năm 75 để vào Saigon, một đi không ngoái lại. Chi Lan Anh ơi, còn nữa, chuyến đi của chị vào Nam để vượt biên chỉ cách chuyến đi của em từ Saigon về Rạch Giá một tháng. Đó cũng là một chuyến đi không ngoái lại. Một chuyến đi tủi thân.
    Mai

Leave a Reply